Những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các ban HĐND

- Thứ Bảy, 02/03/2013, 08:55 - Chia sẻ
Tham luận của Thường trực HĐND Thành phố Hải Phòng do ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC ĐOÀN VĂN CHƯƠNG trình bày tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc bộ lần thứ Năm

Hải Phòng là một trong 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Do đó, mô hình tổ chức và yêu cầu về hoạt động các ban HĐND thành phố được tăng cường, là một trong những nhân tố góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND.

Về tổ chức của các ban HĐND

Căn cứ quy định của pháp luật, ngay từ Kỳ họp thứ Nhất HĐND thành phố Khóa XIV đã bầu 3 ban: Kinh tế - Ngân sách, Pháp chế, Văn hóa - Xã hội. Mỗi ban có 11 thành viên. Các ban đều có 3 lãnh đạo, 33 thành viên của 3 ban đều là những cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền quận, huyện, sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố; có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của từng ban. Các ban đều ban hành Quy chế hoạt động, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng thành viên; mối quan hệ công tác, xác định mỗi tuần tiến hành tối thiểu 2 buổi hoạt động toàn ban để giám sát, thẩm tra. Số lượng chuyên viên giúp việc các ban được tăng cường, các thiết bị, phương tiện cần thiết giúp việc cho các ban đều được đầu tư mua sắm thêm; những trang bị, phương tiện không được phép mua sắm mới đều được đầu tư cải tạo, nâng cấp.

Một số kết quả và những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động

Kết quả hoạt động

Thẩm tra trước kỳ họp: nhìn chung, các báo cáo thẩm tra có chất lượng, tính phản biện cao, đề xuất, kiến nghị cụ thể, góp phần để các quyết định HĐND phù hợp với chủ trương của Trung ương Đảng, Thành ủy, pháp luật đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và ý nguyện chính đáng của cử tri. Để có được kết quả đó, thành viên các ban HĐND đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, giám sát chức năng, nhiệm vụ theo luật định; tích cực nghiên cứu nắm vững các cơ chế, chính sách pháp luật, tiếp cận thực tế và lắng nghe ý kiến cử tri. Các ban coi trọng tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm với các tỉnh, thành phố; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành thành phố cùng tham gia, xây dựng các nội dung UBND thành phố trình tại kỳ họp HĐND thành phố.

Hoạt động giám sát của các ban có sự phối hợp tốt trên cơ sở sự phân công, điều hòa của Thường trực HĐND thành phố; có sự thống nhất đối với các lĩnh vực, không chồng chéo, trùng lặp về nội dung và lịch hoạt động; đồng thời tạo thuận lợi cho Văn phòng trong công tác tham mưu, phục vụ. Giám sát trong kỳ họp được chú trọng hơn: căn cứ kết quả giám sát và ý kiến cử tri, các ban đã chủ động nêu các câu hỏi chất vấn, các vấn đề cần giải trình và thực hiện các câu hỏi bổ sung, góp phần làm cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng được cải tiến, có “lửa” hơn. Đã có nhiều ý kiến, câu hỏi chất vấn của các ban HĐND được 17 lượt thủ trưởng sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, quận liên quan trả lời. Nội dung trả lời chất vấn được chuẩn bị kỹ lưỡng, thể hiện rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trước HĐND thành phố và cử tri, trả lời cơ bản rõ vấn đề, trách nhiệm, biện pháp và thời gian giải quyết. Chủ tịch UBND thành phố đã giải trình tiếp thu, chỉ đạo thực hiện.

Tuy nhiên, hoạt động của các ban HĐND còn có những hạn chế cần khắc phục, đó là: chưa thực hiện đầy đủ các hình thức giám sát, nhất là chưa tổ chức giám sát văn bản, chưa quyết định thành lập Đoàn giám sát chuyên đề có quy mô và nội dung chuyên sâu để báo cáo giám sát chuyên đề tại kỳ họp HĐND. Giám sát thông qua việc tham gia các cuộc họp, kiểm tra của UBND, các ngành, tổ chức còn hạn chế. Chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng một số cuộc giám sát còn hạn chế; chưa thực hiện hết thẩm quyền trong hoạt động giám sát. Còn nhiều kiến nghị qua giám sát, thẩm tra chưa được nghiêm túc tiếp thu, tập trung giải quyết dứt điểm...

Những yếu tố hạn chế chất lượng hoạt động của các ban:

Hệ thống pháp luật về hoạt động giám sát, thẩm tra của các ban HĐND chưa hoàn thiện. Pháp luật chưa quy định cụ thể về thủ tục, quy trình hoạt động của các ban, nhất là để bảo đảm cụ thể hóa các quyền hạn, trách nhiệm của các ban, cũng như chế tài để các đối tượng liên quan tạo điều kiện cho hoạt động giám sát, thẩm tra của các ban và thực hiện nghiêm túc các kiến nghị thẩm tra, kiến nghị qua giám sát của các ban HĐND. Chưa có quy định rõ ràng về việc trưng dụng, trưng cầu ý kiến của các đơn vị (kiểm toán), chuyên gia đối với những vấn đề chuyên sâu về khoa học kỹ thuật, chuyên ngành, những vấn đề mới. Quy định về quy trình xem xét, quyết định của HĐND chưa xác định đúng vai trò của các ban chuyên môn của HĐND.

Bên cạnh đó, chất lượng nhân sự của các ban còn yếu, chưa thật tương xứng, chưa đáp ứng yêu cầu. Trên thực tế, nhân sự của các ban chưa được ưu tiên bố trí cán bộ có năng lực vượt trội; chưa bố trí nhiều cán bộ chuyên trách để toàn tâm, toàn ý cho hoạt động của ban; chưa có đội ngũ chuyên viên giúp việc đáp ứng tốt yêu cầu tham mưu, giúp việc cho các ban. Vai trò, vị thế của lãnh đạo các ban còn cào bằng với lãnh đạo các sở, ngành là đối tượng chịu sự giám sát của lãnh đạo ban. Thay vì phải có tầm cao hơn để bảo đảm hiệu quả giám sát, thẩm tra, trong thực tế bố trí lãnh đạo ban thấp hơn lãnh đạo sở, ngành, địa phương, thấp hơn thành viên của ban (không trong cấp ủy, không đáp ứng yêu cầu sở, ngành)...

Một số kiến nghị nâng cao chất lượng hoạt động của các ban HĐND

Để nâng cao chất lượng hoạt động các ban HĐND thành phố, cần quan tâm một số vấn đề sau:

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật: Đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Giám sát của HĐND; hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng và thực quyền hoạt động của các ban HĐND. Ban hành cơ chế, quy trình để ban huy động chuyên gia, các đơn vị chuyên môn tham gia hoạt động. Xác định rõ trách nhiệm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân phối hợp, tạo điều kiện cho ban hoạt động và tiếp thu ý kiến thẩm tra, giám sát của ban.

Kiện toàn tổ chức và nhân sự của các ban HĐND theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp, thạo việc, nâng vị thế của lãnh đạo các ban, ưu tiên bố trí lãnh đạo ban có năng lực, phẩm chất chính trị vượt trội để tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ giám sát, thẩm tra.

Thường trực HĐND thực hiện tốt chức năng phân công, điều hòa phối hợp hoạt động thẩm tra, giám sát của các ban, chú trọng phát huy vai trò của các ban trong thực hiện chất vấn, yêu cầu giải trình tại các kỳ họp.

Tăng cường công tác tuyên truyền để các địa phương, đơn vị hiểu rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các ban; mục đích giám sát chủ yếu là trao đổi, nắm bắt thông tin, phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH, bảo đảm quốc phòng an ninh của thành phố.

Thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng hoạt động của các đại biểu HĐND, đồng thời với việc các thành viên thường xuyên tự nghiên cứu, học hỏi, thâm nhập thực tế, nắm vững kiến thức pháp luật, kỹ năng giám sát.

Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, UBND các cấp tạo điều kiện mời dự các hội nghị sơ kết, tổng kết, hướng dẫn, tập huấn, trang bị và thông tin đầy đủ, kịp thời để phát huy vai trò của các ban HĐND; thực hiện kết nối mạng máy tính của các ban với các sở, ngành liên quan.