Nợ công so với GDP tiếp tục giảm

- Thứ Ba, 22/10/2019, 08:11 - Chia sẻ
Chính phủ dự kiến đến cuối năm nay, nợ công so với GDP nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép và năm tới tiếp tục giảm. Tuy nhiên, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách năm 2020 sẽ khoảng 23%, tiến gần trần 25% Quốc hội đặt ra cho giai đoạn 2016 - 2020. “Vì vậy, việc sử dụng quy mô GDP đánh giá lại để xác định các trần và ngưỡng an toàn nợ công giai đoạn 2021 - 2025 cho phù hợp cần được xem xét thận trọng để đảm bảo tính bền vững của danh mục nợ thông qua chỉ tiêu trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách”, Chính phủ đề xuất.

Kỳ vọng giải ngân 2.264 triệu USD vốn ODA trong 4 tháng

Báo cáo của Chính phủ gửi đến ĐBQH về tình hình nợ công cho biết, 9 tháng năm 2019, Chính phủ đã tập trung huy động trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn dài để đáp ứng nhu cầu huy động vốn của ngân sách nhà nước và tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ, đồng thời gắn khối lượng phát hành trái phiếu với việc trả nợ gốc đến hạn và tiến độ giải ngân. Tính đến cuối tháng 9, khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ đạt 160,9 nghìn tỷ đồng (bằng 52,5% kế hoạch cả năm), trong đó 100% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, 92,9% khối lượng phát hành có kỳ hạn 10 năm trở lên. Lãi suất phát hành tiếp tục giảm so với cuối năm 2018, bình quân là 4,85%/năm, tiết kiệm chi phí huy động vốn cho ngân sách.


Tỷ lệ nợ công tiếp tục giảm Nguồn: ITN

Giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài 9 tháng  đã qua khoảng 1.416 triệu USD (tương đương 32,7 nghìn tỷ đồng), đạt 30,3% kế hoạch Thủ tướng đã duyệt. Tuy vậy, Chính phủ vẫn đặt mục tiêu cả năm giải ngân khoảng 3.680 triệu USD (tương đương 85 nghìn tỷ đồng), trong đó cấp phát khoảng 2.365 triệu USD, vốn vay về cho vay lại khoảng 1.315 triệu USD. Việc thực hiện nghĩa vụ trả các khoản trả gốc, lãi nằm trong mức đã được phê duyệt, đảm bảo đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Lũy kế 9 tháng tổng trả nợ khoảng 237,4 nghìn tỷ đồng (bằng 71,3% kế hoạch năm).

Trên cơ sở dự báo tình hình thực hiện vay, trả nợ và các hạn mức nợ, Chính phủ cho rằng đến cuối năm 2019 dự kiến các chỉ tiêu nợ so với GDP duy trì trong các ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép và tiếp tục xu hướng giảm của năm 2018. Cụ thể, nợ công ở mức 56,1% GDP, nợ Chính phủ ở mức 49,2% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước ước khoảng 19,5 - 20,5%; nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45,8% GDP. Cũng trong báo cáo, Chính phủ chỉ ra 3 nguyên nhân khiến nợ công so với GDP tiếp tục giảm trong năm nay. Đầu tiên là tình hình cân đối ngân sách nhà nước diễn biến thuận lợi, qua đó giảm nhu cầu huy động vốn của Chính phủ để bù đắp bội chi cho đầu tư phát triển. Kế đó, các giải pháp quyết liệt nhằm đẩy mạnh tốc độ giải ngân trong những tháng cuối năm nếu được triển khai hiệu quả sẽ đưa tỷ lệ giải ngân nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài năm 2019 đạt khoảng 78,7% kế hoạch năm (3.680 triệu USD, tức là 4 tháng cuối năm phải giải ngân được 2.264 triệu USD). Nguyên nhân thứ ba là dư nợ bảo lãnh Chính phủ tiếp tục giảm do Chính phủ siết chặt.

Chính phủ dự báo đến cuối năm 2020 nợ công khoảng 54,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP khoảng 45,5%. Dự báo này được tính toán trên cơ sở dự kiến GDP theo giá hiện hành năm 2020 đạt 6.807 nghìn tỷ đồng, theo báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán năm 2020 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 2020 - 2022 của Ban cán sự Đảng Chính phủ gửi Văn phòng Trung ương Đảng giữa 9 vừa qua để trình Bộ Chính trị. Như vậy có thể thấy nợ công năm tới dù tiếp tục giảm về tỷ lệ so với GDP nhưng xét về số tuyệt đối thì vẫn tăng do quy mô của GDP tăng lên (quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2018 là 5.535,3 nghìn tỷ đồng).

Nhiều yếu tố kém thuận lợi

Đáng chú ý, Chính phủ cho rằng xu hướng chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ so với GDP tiếp tục giảm cũng phản ánh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn nước ngoài, rất chậm. Việc này một mặt hạn chế đóng góp cho tăng trưởng từ nguồn vốn vay, mặt khác ngân sách nhà nước vẫn phải chịu chi phí cam kết đối với các khoản vay đã ký kết và chưa giải ngân.

Chính phủ nhận định tới đây các chỉ tiêu chi phí - rủi ro danh mục nợ Chính phủ có xu hướng kém thuận lợi hơn trước. Cụ thể, rủi ro tái cấp vốn tập trung vào các khoản nợ trong nước của Chính phủ do nghĩa vụ trả nợ đến hạn tập trung cao vào một số năm, trong đó 10,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ sẽ đến hạn năm 2020, và điều này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro thanh khoản cho ngân sách nhà nước. Riêng đối với danh mục trái phiếu Chính phủ trong nước, nghĩa vụ trả nợ tập trung vào một số thời điểm trong năm và giữa các năm 2020 - 2021. Ngoài ra còn các khoản trái phiếu Chính phủ phát hành trong nước bằng ngoại tệ với trị giá 1.700 triệu USD sẽ đáo hạn trong năm 2020 và 2021, phải bố trí ngoại tệ để thanh toán. Dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 23%, tiến gần ngưỡng 25% được Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2016 - 2020. “Vì vậy, việc sử dụng quy mô GDP đánh giá lại để xác định các trần và ngưỡng an toàn nợ công trong giai đoạn 2021 - 2025 cho phù hợp cần được xem xét thận trọng để đảm bảo tính bền vững của danh mục nợ thông qua chỉ tiêu trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước”, Chính phủ đề xuất.

Đối với danh mục nợ nước ngoài, rủi ro lãi suất cũng có xu hướng gia tăng do tỷ trọng các khoản vay có lãi suất thả nổi tăng từ mức 8,8% dư nợ nước ngoài của Chính phủ năm 2015 lên mức 11,4% năm 2019. Trong bối cảnh dự báo điều kiện thị trường vốn quốc tế sẽ thắt chặt hơn trong thời gian tới, Chính phủ dự báo nghĩa vụ trả nợ nước ngoài khả năng cũng sẽ tăng lên tương ứng. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ còn gia tăng do các nhà tài trợ đã từng bước điều chỉnh chính sách hợp tác phát triển với Việt Nam theo hướng chuyển dần từ việc cung cấp ODA sang các khoản vay với điều kiện kém ưu đãi hơn, chi phí huy động vốn của một số khoản vay tăng gấp đôi so với giai đoạn trước. Đối với nợ trong nước, trong thời gian tới, việc chuyển dần sang huy động theo cơ chế thị trường (do thiếu hụt nguồn vốn vay ODA, ưu đãi) cũng làm tăng đáng kể rủi ro và chi phí huy động vốn của Chính phủ.

Mặc dù tỷ lệ vay bằng đồng Việt Nam đã tăng lên (từ 55% vào cuối năm 2015 lên 62,3% dư nợ Chính phủ tính đến hết năm 2019), song danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn tập trung vào 3 loại tiền chủ đạo gồm USD, JPY và EUR (chiếm tỷ lệ tương ứng 38,7%; 34,2% và 16,7% dư nợ nước ngoài của Chính phủ tính đến 31.12.2019), là những đồng tiền có biến động lớn trong thời gian vừa qua. Những khoản trái phiếu Chính phủ ngoại tệ phát hành trong nước trong giai đoạn trước cũng làm gia tăng rủi ro tỷ giá đối với tiền USD của danh mục nợ Chính phủ. Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ giá theo hướng giảm giá trị đồng Việt Nam cũng sẽ làm tăng giá trị danh nghĩa các khoản nợ bằng ngoại tệ khi quy sang nội tệ.

Hà Lan