Nỗ lực chiếm ưu thế

- Thứ Năm, 01/10/2020, 08:42 - Chia sẻ
Trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống ở Ohio, ông Joe Biden của đảng Dân chủ và đương kim Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa đã tận dụng mọi cơ hội để chiếm ưu thế và ghi điểm bằng cách tung ra hàng loạt đòn công kích đối thủ.

Cơ hội bứt phá

Trong cuộc so găng đầu tiên kéo dài 105 phút, các ứng cử viên của lưỡng đảng đã thể hiện quan điểm và cách thức xử lý 6 vấn đề thời sự nóng của nước Mỹ là hồ sơ của hai ứng cử viên, Tòa án tối cao, đại dịch Covid-19, kinh tế Mỹ, chủng tộc và bạo lực tại Mỹ, tính liêm chính của cuộc bầu cử tổng thống. 

Theo các nhà quan sát, đây chính là cơ hội tốt để Tổng thống Donald Trump và ông Biden tạo ấn tượng với cử tri Mỹ, nhất là những người vẫn đang dao động chưa quyết định bỏ phiếu cho ai. Về cơ bản, cuộc tranh luận được ví như một cuộc phỏng vấn việc làm, trong đó cử tri là “ông chủ”.

Theo lịch trình, cuộc tranh luận tiếp theo sẽ diễn ra ngày 15.10 tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Adrienne Arsht ở Miami và cuộc tranh luận thứ ba được tổ chức ngày 22.10 tại Đại học Belmont ở Nashville. Trong khi đó, lần tranh luận duy nhất giữa Phó Tổng thống đảng Cộng hòa Mike Pence và ứng viên Phó tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris dự kiến diễn ra ngày 7.10 tại Đại học Utah ở thành phố Salt Lake.

Theo các cuộc thăm dò, ứng cử viên Joe Biden vẫn đang dẫn trước ông Donald Trump, nhưng khoảng cách đã được thu hẹp hơn nhiều so với tháng trước. Chính vì vậy, hơn bất cứ điều gì, ông Biden phải bảo vệ vị trí dẫn đầu của mình trong cuộc chạm trán đầu tiên, để ngăn ông Trump đạt được lợi thế tại một trong những thời điểm quan trọng của cuộc đua vào Nhà Trắng.

Sau khi cả hai kết thúc tranh luận, CBS News công bố kết quả khảo sát nhanh của YouGov trong đó 48% người trả lời cho rằng ông Joe Biden giành chiến thắng, 41% nói ông Donald Trump chiến thắng và 10% cho kết quả hòa. Trong khi đó, theo khảo sát của CNN, 60% người trả lời cho rằng ông Biden thắng trong khi tỷ lệ nghiêng về ông Trump chỉ là 28%. Mặt khác, 65% người theo dõi màn đối đầu cho rằng ông Biden trả lời thành thật hơn ông Trump và 69% nhận định những màn công kích của ứng viên đảng Dân chủ là công bằng. Tỷ lệ này của Tổng thống Donald Trump lần lượt là 29% và 32%.

Tuy nhiên, nhà báo Jake Tapper của CNN tỏ ra chán nản “đây là cuộc tranh luận tồi tệ nhất mà tôi từng thấy”, thậm chí ông nhận xét “đánh giá người chiến thắng có thể là một nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng tìm ra kẻ thua cuộc thật dễ dàng, đó là cử tri Mỹ”. Theo nhiều nhà quan sát, hai ứng viên dành quá nhiều thời gian công kích đối phương thay vì đưa ra những khác biệt trong chính sách, điều cử tri muốn lắng nghe.

Nguồn: ITN

Công kích nhau trên mọi mặt trận

Người điều hành cuộc tranh luận, nhà báo dẫn chương trình của Fox News, ông Chris Wallace dường như đã rất vất vả, đôi khi phải “vật lộn” để giữ hai ứng cử viên trong tầm kiểm soát bởi họ liên tục “tung chiêu” công kích, phản bác đối thủ. Đây có thể coi là cuộc tranh luận “hỗn loạn nhất trong lịch sử nước Mỹ” khi mà các màn đấu khẩu gay gắt, hành động ngắt lời, chê bai, chỉ trích, mỉa mai diễn ra liên tiếp.

Hạ thấp đối thủ bằng cách đề cao bản thân, Tổng thống Donald Trump tuyên bố “tôi đã làm tốt trong 47 tháng trên cương vị tổng thống, hơn (những gì) ông Joe Biden đã làm trong 47 năm qua”, “ông ấy chẳng thông minh chút nào”. Trong khi đó, cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden nhận xét, ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm là “tổng thống tồi tệ nhất mà chúng ta từng có", “tên hề”, “kẻ nói dối”…

Về việc đối phó với đại dịch Covid-19, ông Joe Biden chỉ trích Tổng thống Donald Trump đã không bảo vệ được người Mỹ khiến hơn 200.000 người thiệt mạng vì quá coi trọng kinh tế mà hạ thấp mối đe dọa của căn bệnh viêm đường hô hấp cấp này. “Ông ấy đã hoảng sợ hoặc chỉ nhìn vào thị trường chứng khoán”, “nhiều người đã chết và còn nhiều người nữa bỏ mạng nếu như ông ấy không hành động thông minh và nhanh chóng hơn”. Mỗi ngày có 750 - 1.000 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 tại Mỹ.

Đáp lại chỉ trích của đối thủ, Tổng thống Donald Trump bảo vệ cách tiếp cận của mình đối với đại dịch bằng khẳng định “Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc”. Ông thậm chí tố ngược “nếu chúng ta nghe theo ông Joe Biden về virus Corona, hàng triệu người sẽ chết”, “ông Joe muốn đóng cửa đất nước này, còn tôi muốn nước Mỹ mở cửa”. Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh kế hoạch nhanh chóng phân phối vaccine Covid-19 của chính quyền, nhưng ông Joe Biden đặt câu hỏi liệu người Mỹ nên tin tưởng một người thường xuyên nói dối như vậy không. “Đây chính là người từng nói với các bạn rằng Covid-19 sẽ nhanh chóng biến mất như một phép màu khi thời tiết ấm lên. Và ông ấy còn nói các bạn có thể tiêm một ít thuốc khử trùng vào tay để diệt virus”, ông Joe Biden nói.

Về vấn đề kinh tế, tạo việc làm, ông Joe Biden cho rằng số việc làm được tạo ra trong 3 năm cuối của nhiệm kỳ Obama - Biden nhiều hơn 3 năm đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump (hơn hẳn 1,5 triệu việc làm). “dưới thời vị tổng thống này, chúng ta trở nên ốm yếu hơn, nghèo hơn, chia rẽ hơn và nhiều bạo lực hơn”, “bạn đã nghe rất nhiều từ miệng của Tổng thống Donald Trump nhưng bạn có thể kể ra được một điều ông ấy nói thực sự khiến cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn không?”, ông Joe Biden đặt câu hỏi. Chính trị gia này duy trì quan điểm rằng, nền kinh tế chỉ khôi phục khi đại dịch Covid-19 được giải quyết và với tình hình hiện tại, chỉ có những tỷ phú như Tổng thống Donald Trump hưởng lợi. Trong khi đó, ông Donald Trump tỏ ra hãnh diện về thành tích kinh tế mà mình đạt được trước đại dịch và hứa hẹn sẽ lặp lại kỳ tích đó nếu được tái cử.

Một vấn đề khác được xoáy sâu trong màn đấu khẩu là hồ sơ thuế của Tổng thống Donald Trump. Người đứng đầu Nhà Trắng đưa ra lời giải thích đơn giản về mức thuế thu nhập thấp mà ông đã trả trong nhiều năm: “Tôi không muốn nộp thuế”, nhưng nhấn mạnh đã nộp hàng triệu USD tiền thuế, trái ngược với thông tin New York Times đưa ra là ông chỉ đóng 750 USD tiền thuế thu nhập trong năm 2016 và 2017.

Liên quan đến tình trạng phân biệt chủng tộc và bạo lực, khoảnh khắc được truyền thông Mỹ mổ xẻ, bàn tán nhiều là Tổng thống Donald Trump từ chối chỉ trích những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng vì kích động bạo lực tại các cuộc biểu tình sắc tộc trên khắp đất nước vừa qua. Theo ông, bạo lực không phải là vấn đề do những người cánh hữu gây ra. Trong khi đó, ứng cử viên Joe Biden chỉ trích: “Đây là tổng thống làm mọi cách để tạo ra thù hằn và phân biệt chủng tộc. Người này hầu như chưa từng làm gì cho người da màu ở Mỹ”. Ông Donald Trump đáp trả, cho rằng ông Joe Biden đã ủng hộ đạo luật tội phạm năm 1994 về việc tăng án phạt đối với những tội phạm ma túy. “Tôi đang giúp mọi người thoát khỏi tù tội. Còn ông thì đối xử với cộng đồng da màu tệ chẳng khác nào những người khác ở đất nước này”, ông nói.

Về việc bổ nhiệm thẩm phán mới cho Tòa án tối cao mà bà Amy Barrett vừa được Tổng thống Donald Trump đề cử, ông Joe Biden thể hiện quan điểm rằng người dân có quyền có tiếng nói về việc ai sẽ đến cơ quan này. Theo ông, cuộc bầu cử đã bắt đầu và mọi người nên được phép lựa chọn. Được biết, trong trường hợp được Thượng viện xác nhận (điều đó gần như chắc chắn xảy ra do đảng Cộng hòa đang kiểm soát cơ quan này), bà Barrett sẽ trở thành nhân tố khiến cho cán cân nghiêng về những thẩm phán theo đường lối bảo thủ tại Tòa án Tối cao Mỹ (cụ thể là 6/9 thẩm phán thuộc phe bảo thủ). Viễn cảnh trên có khả năng tạo thuận lợi cho đương kim tổng thống trong trường hợp cơ quan tư pháp tối cao ra phán quyết cuối cùng về kết quả bầu cử vào ngày 3.11 tới.

Phần kết thúc của buổi tranh luận là vấn đề an ninh bầu cử trong bối cảnh nhiều lo ngại nó không tự do và công bằng. Tổng thống Donald Trump tỏ ra không mấy tin tưởng hình thức bầu cử qua thư tín vì cho rằng nó có thể dẫn đến gian lận (do đại dịch Covid-19 nên hàng triệu người Mỹ sẽ không bầu trực tiếp). Trong khi đó, ứng cử viên Joe Biden kêu gọi kiểm đếm tất cả phiếu bầu và hứa sẽ tôn trọng kết quả khi người chiến thắng đã được xác định.

Ước tính, tổng số phiếu bầu qua đường bưu điện có thể lên tới 80 triệu. Hãng tin Bloomberg dẫn lời các chuyên gia cho biết gần như không ai có thể làm giả các lá phiếu gửi thư do khó khăn từ khâu sao chép kích thước và trọng lượng của phiếu bầu đến chữ ký của cử tri trong hồ sơ. Thậm chí Trung tâm Brennan còn đánh giá, người Mỹ khả năng “bị sét đánh còn nhiều hơn là đóng giả một cử tri khác”. Thực tế, gian lận bầu cử là cực kỳ hiếm ở xứ sở cờ hoa. Theo nghiên cứu của The Washington Post năm 2014, trong hơn 1 tỷ phiếu bầu thuộc giai đoạn 2000 - 2014 thì chỉ xuất hiện 31 vụ gian lận.

Linh Anh