Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh

Nỗ lực giải quyết chế độ, chính sách

- Thứ Năm, 02/07/2020, 06:12 - Chia sẻ
Độ bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng chậm, số người hưởng BHXH một lần tăng nhanh; tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục. Đó là thực trạng tại TP Hồ Chí Minh những tháng qua, do tác động của đại dịch Covid-19.

Vào ít, ra nhiều

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh Trần Ngọc Sơn, với nhiều giải pháp tích cực, thời gian qua TP Hồ Chí Minh đã đạt và vượt chỉ tiêu đến năm 2021 cả nước có tỷ lệ người lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là khoảng 50%, tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 35% theo Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị Khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020. Theo đó, năm 2019 có 2,5 triệu người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ 54%, vượt 4%; có 2,4 triệu người tham gia BHTN, đạt tỷ lệ 50,6%, vượt 15,6%.

TP Hồ Chí Minh hỗ trợ người hưởng trợ cấp thất nghiệp tìm việc

Tuy nhiên, bước sang năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lao động TP Hồ Chí Minh tham gia BHXH chỉ đạt khoảng 2,3 triệu (49,3%) và 2,2 triệu người tham gia BHTN (48%). Trong khi đó, số người nhận BHXH một lần có chiều hướng gia tăng, năm sau đều cao hơn năm trước. Nếu như năm 2018 có gần 115.500 người thì sang năm 2019 có gần 116.400 người nhận BHXH một lần. Điều này đồng nghĩa với việc số người rời khỏi hệ thống sẽ bị giảm, hoặc không còn cơ hội được hưởng lương hưu.

Theo ông Sơn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều doanh nghiệp giảm dần công nhân lao động do đầu tư nhiều máy móc thiết bị mới, hiện đại nên buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động hoặc không tái ký hợp đồng sau khi hết hạn. Nhiều người phải nghỉ việc ở độ tuổi 35 - 40 nhưng lại không có trình độ, không có điều kiện chuyển đổi nghề. Do đó, sau khi không có việc làm, họ chọn nhận BHXH một lần chứ không đóng tiếp BHXH để hưởng lương hưu.

Về tình trạng “vào ít, ra nhiều”, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hồ Chí Minh Tăng Hữu Phong cho rằng, độ bao phủ BHXH tăng chậm, số người hưởng BHXH một lần tăng nhanh. Bên cạnh đó, tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục. Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh Trần Dũng Hà cho hay, đa số doanh nghiệp nợ kéo dài thường không có khả năng thanh toán hoặc chiếm dụng số tiền đóng BHXH để làm việc khác, khi bị xử phạt thì không có khả năng đóng phạt và đóng tiền nợ BHXH. Trong khi đó, việc cưỡng chế các quyết định xử phạt vi phạm hành chính vẫn đang là khó khăn chung nhiều năm, chưa có hướng tháo gỡ.

Bảo đảm quyền lợi cho người lao động

Sau khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực, toàn bộ hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được chuyển giao sang Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh để tiến hành khởi kiện theo quy định. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh Phạm Chí Tâm cho hay, tại đa số vụ khởi kiện nợ BHXH, chủ doanh nghiệp vắng mặt, tài sản không còn… nên dù bản án đã có hiệu lực nhưng việc thi hành án lại khó thực hiện để trả lương, chốt sổ BHXH cho người lao động.

Trong khi đó, về phía người lao động, do không có chứng cứ chứng minh có quan hệ lao động (hợp đồng lao động), hoặc không có cơ sở xác định số tiền người lao động bị nợ lương, nợ BHXH (bảng lương, danh sách nộp BHXH)… trong khi chủ doanh nghiệp lại vắng mặt, dẫn đến yêu cầu khởi kiện của người lao động gặp rất nhiều khó khăn và phải kéo dài thời gian.

Để bảo vệ quyền lợi của người lao động, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh đề nghị, tòa án cần áp dụng thủ tục xét xử rút gọn đối với vụ án lao động, nợ BHXH. Theo đó, khi có chứng cứ đơn giản, rõ ràng, giá trị tài sản thấp, cùng nội dung khởi kiện, cùng một doanh nghiệp với nhiều người khởi kiện cần áp dụng thủ tục xét xử rút gọn nhằm giảm bớt thời gian cho người lao động và kịp thời ngăn chặn hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản. Đồng thời, cũng cần có giải pháp tăng cường kiểm tra giám sát, xử phạt nặng kể cả xử lý hình sự những trường hợp doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài.

Về giải pháp giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động tại các doanh nghiệp nợ BHXH, BHTN đang trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản, giải thể hoặc đơn vị không còn tồn tại, không còn hoạt động sản xuất kinh doanh, Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh Trần Dũng Hà cho biết, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; từ đó, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH cho người lao động. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận đến thời điểm đã đóng. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH. Dù đây chưa phải là giải pháp triệt để nhưng trước mắt cũng bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Lê Chi