Nỗ lực giảm phụ thuộc

- Thứ Bảy, 04/07/2020, 06:13 - Chia sẻ
Trong khi cuộc đụng độ ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ chưa hạ nhiệt, căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia có dấu hiệu gia tăng sau khi Ấn Độ kêu gọi tẩy chay mọi sản phẩm và đầu tư từ Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng, sự phụ thuộc kinh tế quá lớn của Voi vào Rồng sẽ khiến Ấn Độ không đủ lực để so găng trong cuộc đấu này.

Làn sóng tẩy chay

Trong một động thái mới nhất, hôm 1.7, Bộ Giao thông vận tải Ấn Độ đã tuyên bố cấm các nhà thầu Trung Quốc tham gia các dự án đường bộ trên lãnh thổ nước này. Trước đó, New Delhi tuyên bố cấm 59 ứng dụng di động của Trung Quốc, trong đó có những cái tên đình đám như TikTok, Wechat. Thủ tướng Ấn Độ Modi ngày 1.7 cũng đã xoá tài khoản của mình trên mạng Weibo của Trung Quốc.

Các nhà phát triển phần mềm thì tạo ra một ứng dụng đi động nhằm phát hiện và loại bỏ các chương trình do Trung Quốc phát triển. Trước khi ứng dụng này bị Google gỡ xuống, nó đã được trên 1 triệu lượt tải xuống tại Ấn Độ.

Một hiệp hội thương nhân ở New Delhi đã yêu cầu các khách sạn cấm du khách Trung Quốc và lưu hành một danh sách 3.000 mặt hàng Trung Quốc cần tẩy chay.

Nguồn: Hindu Times

Các chính trị gia cũng nhanh chóng vào cuộc, yêu cầu tẩy chay mọi thứ của Trung Quốc, từ nhà hàng đến ứng dụng di động. Đảng BJP đã cho người đập phá một cửa hàng đồ chơi Trung Quốc ở Mumbai, trong khi một trong các lãnh đạo của đảng đe dọa “đập gẫy chân” bất cứ ai dùng hàng Trung Quốc.

Hàng hóa từ Trung Quốc cũng đang bị ách tắc tại các cảng Ấn Độ và các nhà chức trách đang lên kế hoạch áp dụng mức thuế cao hơn và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt đối với các lô hàng này. #Boycott_China (tẩy chay Trung Quốc) cũng như #MadeInIndia (sản xuất tại Ấn Độ) đã được đặt làm hashtag ở nhiều trang web có tính chất định hướng tại Ấn Độ. Những lời kêu gọi từ đảng BJP còn miêu tả chiến dịch này như một cuộc cách mạng: “Giống như Ấn Độ đã tiến hành cuộc đấu tranh vì tự do, cũng như vậy người tiêu dùng Ấn Độ hãy tiến hành cuộc đấu tranh để giải phóng khỏi hàng hóa Trung Quốc”.

Một Ấn Độ "tràn ngập Trung Quốc"

Mặc dù Mỹ đã thay thế Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ hai năm trước, nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục là nguồn nhập khẩu lớn nhất của New Delhi. Hàng hóa, dịch vụ Trung Quốc tràn ngập hầu như mọi ngóc ngách trong đời sống hàng ngày tại Ấn Độ, từ hàng tạp hóa, đồ điện tử đến nguyên liệu chính cho máy móc công nghiệp… Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Ấn Độ vào khoảng 70,3 tỷ USD năm 2019. Mức thâm hụt thương mại song phương khoảng 50 tỷ USD, cao hơn nhiều so với bất kỳ đối tác thương mại nào khác.

“Khoảng 60% hàng nhập khẩu vào Ấn Độ là từ Trung Quốc. Nếu không có nguồn hàng nhập khẩu này, các chuỗi cung cấp của chúng ta sẽ không thể vận hành”, ông Joe Thomas K, Phó Giáo sư về nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Công nghệ Madras, Ấn Độ, cho biết.

Sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Trung Quốc còn vượt ra ngoài lĩnh vực thương mại. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư vào mọi lĩnh vực chạm đến cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng Ấn Độ, chẳng hạn như giao hàng thực phẩm và ứng dụng đi xe, nền tảng thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số. Theo một báo cáo được Brookings India công bố hồi tháng 3, đầu tư Trung Quốc tại Ấn Độ hiện tại và theo kế hoạch là trên 26 tỉ USD. Trung Quốc rót vốn cho ít nhất 92 công ty khởi nghiệp Ấn Độ, trong đó có 14 /30 công ty khởi nghiệp "kỳ lân" (trị giá tỉ USD) của nước này. Những công ty khởi nghiệp nhận vốn Trung Quốc bao gồm nhiều thương hiệu danh tiếng như Ola, Flipkart, Byju, Make My Trip, Oyo, Swiggy hay Zomato.

Trung Quốc cũng tăng cường hiện diện ở đất nước Ấn Độ rộng lớn bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất. Nhiều công ty Trung Quốc hiện đang sản xuất ở Ấn Độ. Trong số 5 hãng kinh doanh điện thoại di động hàng đầu ở Ấn Độ, có tới 4 là công ty Trung Quốc, hiện chiếm trên 66% thị phần. Cả 4 công ty đều đang vận hành nhiều nhà máy sản xuất tại Ấn Độ.

Trong các lĩnh vực như viễn thông, dược phẩm, sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc cao đến mức các ngành này có thể khó trụ được nếu bị cắt nguồn cung từ nước láng giềng. Hiệp hội Sản xuất Thiết bị Viễn thông Ấn Độ mới đây cho biết, có tới 90% linh kiện điện thoại di động tại Ấn Độ được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trung Quốc hiện cũng là một trong ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ. Với việc Ấn Độ đặt mục tiêu tăng gấp ba lần xuất khẩu hàng năm lên 1.000 tỷ USD vào năm 2025, thì thương mại với Trung Quốc sẽ đóng một phần quan trọng trong việc đạt được mục tiêu đó.

Trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ vào Trung Quốc trị giá 17 tỷ USD, chiếm 5,4% tổng lượng xuất khẩu của quốc gia này. Các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm đá quý và đồ trang sức, nông sản, dệt may và hóa dầu. Radhika Rao, nhà kinh tế Ấn Độ tại DBS Group Holdings cho rằng, bất kỳ căng thẳng nào làm ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Ấn Độ vào Trung Quốc sẽ tác động mạnh đến thu nhập từ đồng USD của các doanh nghiệp Ấn Độ.

Không thể tự lực trong ngày một ngày hai

Vào ngày 12.5 vừa qua, xuất hiện trên truyền hình trong bối cảnh dịch Covid - 19 đang hoành hành tại Ấn Độ, Thủ tướng Modi đã có một bài diễn văn đầy cảm hứng: “Nếu mỗi người dân Ấn Độ cố gắng chỉ mua và sử dụng hàng nội địa, thì Ấn Độ sẽ trở nên tự lực trong vòng 5 năm tới”. Cụm từ “#VocalforLocal” cũng nhanh chóng được đặt hashtag và lan truyền trên hàng triệu tài khoản mạng xã hội của Ấn Độ.

Mặc dù Thủ tướng Ấn Độ Modi đã cố gắng hồi sinh chiến lược “Make in India” với lời kêu gọi về một nền kinh tế tự lực, tự cường để giảm nhập khẩu, song nền kinh tế Ấn Độ không thể một sớm một chiều trở nên độc lập. Những người chỉ trích cho rằng, kế hoạch của Thủ tướng Modi nhằm giúp Ấn Độ “tự lực” bằng cách giảm nhập khẩu từ Trung Quốc có thể không phải là một ý tưởng hay trong ngắn hạn.

“Một khái niệm như vậy sẽ có tác dụng về lâu dài, khi chúng ta có thể tổ chức lại chuỗi cung ứng trong nội địa và thực hiện điều đó với sự tập trung lớn. Tự lực có nghĩa chúng ta sẽ phải tạo ra năng lực và điều kiện phù hợp cho các nhà sản xuất Ấn Độ để tạo ra những sản phẩm mà hiện tại họ không thể sản xuất do thiếu chuyên môn hoặc tài nguyên”, ông Kumar, Chủ tịch Diễn đàn Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Ấn Độ, phát biểu.

Trong bối cảnh nền kinh tế Ấn Độ được dự báo có thể sụt giảm tới 4,5% trong năm nay, chủ yếu do đại dịch Covid-19, Ấn Độ sẽ khó có thể có đủ sức mạnh để chịu được thêm một trận chiến kinh tế với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, một cuộc chiến kinh tế và thương mại có nguy cơ sẽ càng khiến cho hy vọng giữ yên ổn vùng biên giới trở nên xa vời. Phó Giáo sư Joe Thomas K - chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Công nghệ Madras, Ấn Độ nhận định, các mối quan hệ kinh tế - thương mại mạnh mẽ và lợi ích của nó đã giúp hai kẻ thù trong cuộc chiến 1962 có thể kìm giữ tranh chấp biên giới ra xa khán đài trung tâm của quan hệ song phương trong suốt nhiều thập kỷ qua. Nhưng nếu những lợi ích đó không còn nữa, nền hoà bình ở nơi nóc nhà thế giới sẽ trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Theo SCMP

Quỳnh Vũ