Ngành Y tế Nghệ An

Nỗ lực giảm thiểu nguồn lây nhiễm từ cơ sở y tế

- Thứ Tư, 14/08/2019, 07:58 - Chia sẻ
Những năm qua, vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn, trong đó có xử lý chất thải y tế đã được ngành y tế Nghệ An quan tâm với nhiều giải pháp hướng đến mục tiêu xử lý triệt để phát thải nguồn lây nhiễm từ các đơn vị y tế.

Sở Y tế Nghệ An có 48 cơ sở khám, chữa bệnh, 37 cơ sở dự phòng và 480 trạm y tế xã/phường/thị trấn. Trung bình mỗi ngày các cơ sở y tế phát sinh khoảng 11 tấn chất thải các loại. Trong đó, chất thải lây nhiễm và nguy hại không lây nhiễm chiếm từ 10 - 15% còn lại là chất thải sinh hoạt và tái chế.

Nhận thức rõ nếu không thực hiện tốt quản lý chất thải y tế sẽ tạo “nguồn ủ, dự trữ” phát sinh mầm bệnh, Sở Y tế đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Đào tạo, tập huấn; ban hành các công văn chỉ đạo; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng; Mua sắm dụng cụ lưu chứa, vận chuyển; thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát... nhằm tạo môi trường y tế “xanh - sạch - đẹp - an toàn”.

Về đào tạo, Sở Y tế đã tập huấn triển khai cho cán bộ chủ chốt các đơn vị  văn bản quy phạm pháp luật; đào tạo 3 khóa giảng viên nguồn về kiểm soát nhiễm khuẩn với thời gian 7 ngày/khóa (mỗi đơn vị 2 giảng viên). Sở cũng đang phối hợp với Trung tâm tư vấn và dịch vụ điều dưỡng hỗ trợ cộng đồng - Hội Điều dưỡng Việt Nam đào tạo cho 60 học viên với thời gian 3 tháng về kiểm soát nhiễm khuẩn; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện, hướng dẫn trang bị dụng cụ lưu chứa đúng quy định.

Đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn nguy hại cho 21/48 đơn vị (10 đơn vị có hệ thống xử lý bằng công nghệ hấp ướt tích hợp nghiền cắt, 11 đơn vị có lò đốt tại chỗ). Đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng cho 44/48 đơn vị. Thành lập các đoàn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các đơn vị. Trong 6 tháng đầu năm 2019 đã kiểm tra 6 bệnh viện tuyến tỉnh, 7 cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện, 51 trạm y tế xã/phường/thị trấn...

Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở y tế đã thực hiện đúng quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý chất thải. Đối với chất thải rắn đã thực hiện giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý đúng quy định. Có 21 đơn vị có hệ thống xử lý chất thải tại chỗ, các đơn vị còn lại hợp đồng với doanh nghiệp có đủ chức năng để vận chuyển và xử lý. Đối với chất thải lỏng còn 4 đơn vị chưa có hệ thống xử lý nước thải (Bệnh viện đa khoa Đô Lương; Trung tâm Huyết học Truyền máu; Trung tâm Y tế Tân Kỳ và Trung tâm Y tế thị xã Hoàng Mai), ngành y tế tỉnh đang tìm nguồn vốn đầu tư xây dựng.

Theo lãnh đạo các cơ sở khám, chữa bệnh, hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng của các đơn vị đã đáp ứng được nhu cầu, nhưng trong quá trình thực hiện còn bất cập, tro đốt của chất thải lây nhiễm và chai lọ thủy tinh chưa có hướng xử lý triệt để phải bỏ vào các thùng bê tông có nắp đậy. Chi phí hàng năm rất lớn cho việc bảo dưỡng, thay thế, vận hành hệ thống. Một số cơ sở y tế vận hành, sử dụng lò đốt rác được trang bị từ dự án, sau thời gian dài sử dụng đã xuống cấp, thường xuyên phải thay thế; một số phụ kiện bên trong máy là những thiết bị đặc chủng khi bị hỏng, thay thế cần kinh phí rất lớn. Hàng năm các đơn vị phải chi phí lớn cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Trong khi nguồn thu chính của các cơ sở khám chữa bệnh từ viện phí, nhưng phần lớn đối tượng bệnh nhân nghèo, cận nghèo dẫn đến nguồn thu thấp, khiến các cơ sở đang phải “gồng mình” với kinh phí bảo vệ môi trường, một số đơn vị thực hiện chế độ tự chủ, ngân sách dành cho chi phí vận hành toàn bộ các hoạt động của bệnh viện (bao gồm cả việc trả lương cho cán bộ, nhân viên, duy trì các kỹ thuật chuyên sâu) còn rất hạn hẹp.

Để giảm chi phí xử lý chất thải y tế và góp phần bảo vệ môi trường một cách bền vững, Sở Y tế tỉnh Nghệ An mong muốn, tỉnh cần có đơn vị xử lý rác thải tập trung xa nơi dân cư, phù hợp với quy hoạch địa phương có như vậy, mới có thể bảo đảm xử lý triệt để nguồn rác thải nguy hại, giảm “gánh nặng” cho cơ sở. 

Tùng Lâm