Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Nỗ lực mới, quyết tâm mới vì người dân và doanh nghiệp

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:19 - Chia sẻ
Nhằm thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ chính trị trong năm 2019 tiếp tục hướng tới mục tiêu “Xây dựng ngành bảo hiểm xã hội hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo Quyết định số 846/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đó là chia sẻ của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ĐÀO VIỆT ÁNH với Báo Đại biểu Nhân dân nhân dịp đầu Xuân mới 2019.

Nhiều kết quả khả quan

- Thưa Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh, năm 2018 đã khép lại với những kết quả ấn tượng của ngành BHXH trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao như phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; hoàn thành tốt các chỉ tiêu về kế hoạch thu, chi. Xin ông phân tích cụ thể về những kết quả khả quan này?

- Nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân đã được xác định tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22.11.2012 và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23.5.2018 của Đảng, bằng nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ước tính đến hết năm 2018, toàn quốc có 14,629 triệu người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ 30,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động; số người tham gia BHTN khoảng 12,539 triệu người đạt tỷ lệ 25,9% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động; số người tham gia BHYT khoảng 82,38 triệu người đạt tỷ lệ 87,7% dân số (vượt 2,31% so với chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020).

Cùng với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, số thu về quỹ BHXH, quỹ BHYT cũng không ngừng gia tăng, ước đạt trên 329.000 tỷ đồng. Quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT được bảo đảm với gần 180 triệu lượt người được chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT; trên 10 triệu lượt người được hưởng các chế độ BHXH, BHTN với tổng số tiền chi trả gần 300.000 tỷ đồng.

- Nói về thành công của ngành BHXH, không thể không nhắc tới dấu ấn trong CCHC, ứng dụng CNTT vào hoạt động nghiệp vụ của ngành. Xin ông chia sẻ thêm về những kết quả đã đạt được? 

- Với việc quản lý trên 87% dân số tham gia BHYT, trên 14 triệu người lao động tham gia BHXH, trong năm 2018, BHXH Việt Nam tiếp tục ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, trong đó, nội dung quan trọng nhất là tập trung hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ trong toàn quốc. BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương quyết liệt tổ chức thực hiện kê khai, lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT trên toàn quốc cho hơn 92 triệu người với trên 24 triệu hộ gia đình. Sau khi rà soát, đến nay, đã cơ bản hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, quản lý tập trung thống nhất trong cả nước.

Thông qua việc cấp cho mỗi người tham gia một mã số BHXH duy nhất, ngành BHXH thực hiện tập trung cơ sở dữ liệu quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT toàn quốc, liên thông với cơ sở dữ liệu thành viên hộ gia đình tham gia BHYT, hệ thống phần mềm giám định BHYT và giải quyết chế độ chính sách. Qua đó đã góp phần quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc sử dụng quỹ BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp.

Song song với đó, nhiều thủ tục hành chính đã được rút ngắn thời gian giải quyết như: Thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày, cấp thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày và cấp lại thẻ BHYT ngay trong ngày đối với những trường hợp đang nằm viện hoặc không có thay đổi về thông tin. Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC được duy trì thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả theo ba hình thức: Bộ phận “Một cửa” tại trụ sở cơ quan BHXH, qua giao dịch điện tử và qua dịch vụ bưu chính công ích. Đồng thời, đưa vào vận hành Hệ thống “Một cửa điện tử tập trung” để quản lý, theo dõi trực tuyến toàn bộ quy trình nghiệp vụ, từ việc tiếp nhận hồ sơ đến thụ lý giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC, cảnh báo tình trạng hồ sơ sắp đến hạn, chậm muộn. Đến nay, có trên 90% đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử; có 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích.

- Năm 2018 cũng là năm BHXH Việt Nam tiếp nhận chức Chủ tịch Hiệp hội an sinh xã hội ASEAN nhiệm kỳ 2018 - 2019. Đặc biệt, trong tháng 9 vừa qua, BHXH Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội an sinh xã hội ASEAN lần thứ 35 (ASSA 35). Ông đánh giá như thế nào về thành công của việc tổ chức Hội nghị lần này cũng như vai trò, vị trí của BHXH Việt Nam trong Hiệp hội An sinh xã hội khu vực?

- Hội nghị ASSA 35 là sự kiện đối ngoại quan trọng nhất của ngành BHXH trong năm 2018, đánh dấu bước trưởng thành của BHXH Việt Nam trong tiến trình hội nhập và hợp tác quốc tế; góp phần cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chuyển từ “tham gia tích cực” sang “chủ động hội nhập, đề xuất sáng kiến hợp tác”; hoàn thiện và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hội nhập quốc tế. Một số kết quả nổi bật được thể hiện như sau:

Thứ nhất, chủ đề hội nghị do BHXH Việt Nam đề xuất “Cơ hội, thách thức của hệ thống an sinh xã hội khu vực ASEAN trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 và tự do dịch chuyển lao động”, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức thành viên ASSA và được đánh giá là phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực và thế giới. Đây không chỉ là những vấn đề mà Việt Nam và các nước ASEAN quan tâm mà còn mang ý nghĩa gắn kết và bổ sung cho chủ đề Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN vừa tổ chức thành công tại Việt Nam ngay trước đó.

Thứ hai, tại hội nghị lần này, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã tiếp nhận chức Chủ tịch Hiệp hội an sinh xã hội ASEAN nhiệm kỳ 2018 - 2019. Theo đề xuất của BHXH Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASSA, Hội nghị đã nhất trí thông qua Kế hoạch hành động giai đoạn 2018 - 2019. Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập, ASSA thống nhất xây dựng và triển khai kế hoạch các hoạt động cụ thể nhằm đưa hoạt động hợp tác của Hiệp hội ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các tổ chức thành viên ASSA.

Thứ ba, với điểm đặc biệt của ASSA 35 được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội, theo sáng kiến đề xuất của BHXH Việt Nam, các tổ chức thành viên đã thống nhất thông qua và cùng ký kết văn kiện “Tuyên bố chung”, thể hiện quan điểm, nhận thức chung và đồng thuận của cả Hiệp hội về mục tiêu và định hướng phát triển an sinh xã hội khu vực trong thời gian tới. Đây là điểm nhấn, là một trong những thành công quan trọng của Hội nghị ASSA 35, góp phần khẳng định rõ hơn vai trò, vị thế của ASSA nói chung và BHXH Việt Nam nói riêng trong hệ thống an sinh xã hội thế giới.

Nỗ lực hướng tới an sinh bền vững

- Mở rộng diện bao phủ BHXH đến các năm 2021, 2025 và 2030 là mục tiêu đã được quán triệt tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Ngành BHXH sẽ thể hiện quyết tâm đạt được mục tiêu đó như thế nào, thưa ông?

- Theo mục tiêu đã được quán triệt tại Nghị quyết số 28-NQ/TW là mở rộng diện bao phủ BHXH vào các năm 2021, 2025, 2030, tương ứng phải đạt độ bao phủ 35%, 45%, 60% lực lượng lao động tham gia BHXH, trong đó, yêu cầu phát triển BHXH tự nguyện với mục tiêu phải đạt từ 1%, 2,5%, 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; với Bảo hiểm thất nghiệp phải đạt 28%, 35%; 45% lực lượng lao động. Diện bao phủ BHYT tuy đạt được kết quả khả quan nhưng với yêu cầu duy trì sự tham gia bền vững vẫn cần có những giải pháp mới. Mục tiêu đó đòi hỏi công tác tổ chức thực hiện cần có những bước chuyển mạnh mẽ hơn và năm 2019 sẽ đóng vai trò là năm bản lề, triển khai các biện pháp này một cách hiệu quả.

Minh chứng cho những hành động thiết thực, ngày 17.12.2018, BHXH Việt Nam đã phát động phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW giai đoạn 2018 - 2030 với chủ đề “Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, thực hiện hiệu quả cải cách chính sách BHXH”. Căn cứ nhiệm vụ được giao, toàn ngành xác định cụ thể nhiệm vụ, chỉ tiêu, biện pháp thực hiện phù hợp. BHXH các tỉnh, thành phố phát huy hiệu quả vai trò tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW, tăng cường vai trò của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt, tích cực tham mưu để cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu phát triển BHXH nhất là triển khai các nhóm giải pháp thực hiện được quán triệt tại Nghị quyết số 28-NQ/TW cho phù hợp với thực tế tại địa bàn. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3.8.2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH; giao chỉ tiêu và lộ trình tăng số người tham gia BHXH với từng địa bàn quận, huyện, thị xã.

Song song đó, công tác truyền thông chính sách BHXH phải được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả cho phù hợp với tình hình mới. Hướng tới mục tiêu an sinh bền vững, cần truyền thông để người lao động nhận thức rõ lợi ích của việc tham gia BHXH dài lâu, hạn chế BHXH một lần. Truyền thông phải đi trước một bước, tác động bền bỉ; tập trung làm rõ quyền lợi, trách nhiệm để các đối tượng hiểu, biết, tự giác chấp hành. Truyền thông để cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị nhận thức và thực hiện tốt trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện chính sách BHXH theo đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tiến tới mục tiêu BHXH toàn dân.

- Nhằm củng cố mục tiêu “Xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”, trong năm 2019, ngành BHXH sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?

- Tiếp tục củng cố mục tiêu: Xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, năm 2019, toàn ngành BHXH tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác CCHC. Cụ thể:

Tiếp tục triển khai đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp như nghiên cứu, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ; tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất, đặc biệt tại các đơn vị nợ đọng. Kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở có biểu hiện nghi vấn; kịp thời xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng nâng cao chất lượng, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” trình Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với việc đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng; ngành BHXH sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng CNTT trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống các phần mềm nghiệp vụ, cơ sở dữ liệu tập trung; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo Quyết định số 846/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ngành phải nhận thức rõ, yếu tố con người vẫn đóng vai trò quyết định. Việc xử lý công việc hàng ngày, quá trình giải quyết TTHC cần có sự linh hoạt, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Do vậy, cần bồi đắp, kiến tạo và nâng cao niềm tin về hoạt động của ngành BHXH, về tính ưu việt, nhân văn của các chính sách BHXH, BHYT của Đảng, Nhà nước vì mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho mọi người dân.

- Xin cảm ơn ông!

Quang Vũ thực hiện