Quảng Ninh

Nỗ lực nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

- Thứ Năm, 26/09/2019, 08:15 - Chia sẻ
Nhận thức rõ bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách xã hội quan trọng của hệ thống an sinh xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện công tác BHYT phù hợp với thực tiễn. Trong đó, bên cạnh đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, việc làm cho người dân được thụ hưởng lợi ích thật sự của BHYT; được tiếp cận, sử dụng có hiệu quả BHYT trong khám chữa bệnh chính là lời giải cho bài toán phát triển đối tượng tham gia BHYT tự nguyện đang gặp không ít vướng mắc hiện nay.

Tuyên truyền là khâu đột phá

Với một huyện có phần lớn người dân hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, nghiệp như Tiên Yên, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT tự nguyện luôn được ngành BHXH huyện hết sức quan tâm. Theo quy định, những người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình được Nhà nước hỗ trợ 80% kinh phí khi tham gia BHYT, người dân chỉ đóng 20% (khoảng 160.000 đồng/năm). Tuy nhiên, quá trình khám, chữa bệnh, nếu không có BHYT, người bệnh phải chịu toàn bộ chi phí khám chữa bệnh. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi cho người dân khi khám, chữa bệnh cũng như thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, BHXH huyện thường xuyên tập trung cho công tác tuyên truyền, phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHYT.

Tại một số xã ven biển như: Hải Lạng, Đồng Rui, Đông Ngũ... có số hộ dân làm nghề khai thác thủy sản trên biển dài ngày, việc tổ chức tuyên truyền phổ biến chính sách BHXH, BHYT gặp khó trong thực hiện, BHXH huyện đã phối hợp tổ chức tuyên truyền vận động vào buổi tối ngay tại thôn để tất cả người dân tham dự, đối thoại trực tiếp. Nhờ sự vào cuộc tích cực, tính đến hết tháng 8.2019, tổng số người tham gia BHYT trên địa bàn huyện đạt 44.951 người, tăng 1,95% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, số người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT là 10.545 người, chiếm 89,3%. Tính đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT trên toàn huyện đạt 97% dân số.

Không chỉ ở Tiên Yên, với sự vào cuộc tích cực, nhất quán của các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh, người dân Quảng Ninh đang ngày càng nhận thức đầy đủ về quyền lợi và ý nghĩa thiết thực của việc tham gia BHYT tự nguyện. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành chính sách hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng có điều kiện kinh tế khó khăn. Việc hỗ trợ đóng BHYT là một nỗ lực rất lớn giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn phòng tránh rủi ro tài chính khi đau ốm, không rơi vào “bẫy nghèo đói” do không có tiền chi trả các dịch vụ khám chữa bệnh.


Cán bộ Bưu điện thị xã Quảng Yên hướng dẫn người dân đăng ký tham gia BHXH tự nguyện

 Theo thống kê, năm 2009 tỉnh Quảng Ninh mới có hơn 635 nghìn người tham gia BHYT (đạt 55,4% dân số), đến hết năm 2018 đã tăng lên 1,2 triệu người (tương đương 94,3% dân số toàn tỉnh). Con số này đã vượt 4,3% so với chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh thực hiện đến năm 2020.

Khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội

Nhìn lại 10 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư về “Ðẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới” tại Quảng Ninh, chính sách BHYT đang ngày càng khẳng định được tính ưu việt, đóng vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần ổn định chính trị, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những kết quả trên đến từ những chủ trương, hành động hết sức kịp thời, sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh. Trong đó, bên cạnh nâng cao nhận thức, viêc làm cho người dân được thụ hưởng thật sự lợi ích của việc tham gia BHYT; được tiếp cận, sử dụng có hiệu quả BHYT trong khám chữa bệnh chính là những giải pháp thiết thực nhất. Đến thời điểm này, 100% đơn vị y tế của tỉnh đã sử dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử, kê khai thuế điện tử và BHXH điện tử. 100% bệnh viện, Trung tâm y tế của tỉnh sử dụng phần mềm ứng dụng chuyên ngành giúp giải quyết nhanh chóng các TTHC, tiết kiệm thời gian cho người bệnh.

Không dừng lại ở đó, để bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT, tỉnh cũng tăng cường chỉ đạo ngành y tế phối hợp chặt chẽ với BHXH tổ chức thực hiện khám chữa bệnh, thanh toán BHYT kịp thời, đúng quy định của Nhà nước. Hiện nay, BHXH tỉnh ký hợp đồng khám chữa bệnh với 205 cơ sở khám chữa bệnh. Triển khai và vận hành hệ thống thông tin giám định BHYT, thực hiện kết nối liên thông dữ liệu chi phí khám, chữa bệnh BHYT với 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT đã hỗ trợ phát hiện những bất thường về mức độ chỉ định dịch vụ kỹ thuật của cơ sở khám, chữa bệnh và tần suất khám, chữa bệnh của người có thẻ. Các bệnh viện trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng, quy mô giường bệnh được mở rộng đã góp phần hạn chế đáng kể tình trạng quá tải tại các bệnh viện. Tính đến hết năm 2018, Quảng Ninh đã đạt tỷ lệ 56,8 giường/1 vạn dân. Nhiều trang thiết bị y tế hiện đại cũng đã được trang sắm, đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Ngoài ra, Đoàn công tác liên ngành của tỉnh đã tiến hành nhiều đợt thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHYT ở các ngành, các cấp, nhất là các doanh nghiệp, dần khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài. Đặc biệt, ngành y tế thường xuyên giám sát, chấn chỉnh việc sử dụng BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT, kịp thời ngăn chặn việc lạm dụng hoặc trục lợi trong khám chữa bệnh BHYT. Hàng năm, Thanh tra Sở Y tế thường xuyên tổ chức thanh tra toàn diện theo định kỳ và thanh tra chuyên đề có liên quan tại các đơn vị y tế trên địa bàn.

Ðể BHYT đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ về BHYT đã đề ra; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ nhân viên y tế. Trong đó, đặc biệt lưu ý các giải pháp đổi mới phong cách phục vụ, tinh thần thái độ trong khám bệnh, chữa bệnh; quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng hoàn thiện quy mô của các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao cho nhân dân trên địa bàn.

PHONG NAM