Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV:

Nỗ lực, trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân, đất nước

- Thứ Bảy, 20/06/2020, 08:42 - Chia sẻ
Diễn ra vào thời điểm đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đất nước đang bộn bề khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch toàn cầu, song Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV lại là cơ hội để Quốc hội đổi mới phương thức làm việc. Chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân ngay sau phiên bế mạc Kỳ họp chiều qua, 19.6, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, việc kết hợp phương thức họp trực tuyến và họp tập trung đã cho thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Quốc hội cũng luôn nỗ lực, trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân và đất nước.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Tiền đề tiếp tục hoàn thiện phương thức họp Quốc hội

Ban đầu, khi họp trực tuyến tại Kỳ họp thứ Chín, không ít đại biểu Quốc hội (ĐBQH) e ngại về việc đăng ký phát biểu, tranh luận… Nhưng tất cả phiên họp toàn thể trực tuyến của Quốc hội đều được tiến hành thông suốt. Tôi nhận thấy, các ĐBQH đều đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Văn phòng Quốc hội trong bảo đảm hạ tầng cơ sở, điều kiện đường truyền, kỹ thuật vận hành khi tiến hành hình thức họp này, cũng như sự phối hợp tham gia của nhiều đơn vị, tổ chức khác để bảo đảm kết nối với các điểm cầu trong mỗi phiên họp.

Tổ chức họp trực tuyến là một đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, tạo dấu ấn với đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Việc tổ chức kỳ họp theo hai giai đoạn họp trực tuyến và tập trung đã tạo điều kiện về mặt thời gian để các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH, qua đó chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết, thông qua; các đại biểu, nhất là ĐBQH kiêm nhiệm có thời gian kịp thời chuẩn bị công việc giữa năm và chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp.

Những kết quả đạt được tại Kỳ họp bước đầu rất đáng trân trọng, tạo tiền đề để tiếp tục nghiên cứu, phát huy, hoàn thiện phương thức họp Quốc hội trong thời gian tới. Kết quả này cũng một lần nữa khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Quốc hội cũng luôn nỗ lực, trách nhiệm vì lợi ích của Nhân dân và đất nước. 

Tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Tôi hy vọng, khi đưa vào triển khai thực hiện, Nghị quyết sẽ góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là lực lượng công an, tòa án; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để ngăn chặn, không để xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em. Tất nhiên, khi Nghị quyết về nội dung này được ban hành, các cơ quan chức năng cần tích cực rà soát, đề nghị Quốc hội sửa đổi những văn bản pháp luật, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu nâng mức xử phạt hành vi vi phạm liên quan nếu thấy mức xử phạt hiện hành chưa đủ sức răn đe với đối tượng xâm hại trẻ em.

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa): Một hình ảnh đẹp, rất đa chiều với tiếng nói của đại biểu từ 63 điểm cầu

Kỳ họp thứ Chín là Kỳ họp thời "hậu dịch bệnh Covid-19". Chúng ta thấy rõ, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn, thách thức với nước ta. Để thích ứng với thời điểm đặc biệt này, lần đầu tiên, Quốc hội tiến hành họp theo phương thức họp trực tuyến kết hợp tập trung. Đây là bước tiến trong tiến trình đổi mới hoạt động của Quốc hội và là bước trưởng thành để Quốc hội tiệm cận với cuộc Cách mạng khoa học và công nghệ 4.0.

Kỳ họp thứ Chín cũng thể hiện hình ảnh đẹp của Quốc hội, rất đa chiều với tiếng nói của ĐBQH từ 63 điểm cầu trực tuyến. Không khí họp sôi nổi, tinh thần thảo luận, tranh luận rất tốt. Đa số ĐBQH cho rằng, nên tiếp tục hình thức họp trực tuyến này tại các kỳ họp tiếp theo.

Đối với họp tập trung, chúng ta tiếp tục nêu bật tinh thần, trách nhiệm của các ĐBQH. Không khí nghị trường sôi động, khí thế, đặc biệt các ĐBQH thẳng thắn nêu rõ quan điểm của mình trong các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, không ngại va chạm. Điều hành của Đoàn Chủ tịch cũng rất linh hoạt, kịp thời, khi nhận thấy có nhiều ý kiến phát biểu mà thời gian không bảo đảm, các chủ tọa đã chủ động giảm thời gian phát biểu của ĐBQH từ 7 phút xuống còn 5 phút, hay sẵn sàng nhắc nhở khi ĐBQH thay vì tranh luận lại "chen luận". Chương trình Kỳ họp sắp xếp hợp lý, khoa học, tranh thủ được thời gian, không gian, không để thời gian "chết", thời gian lãng phí.

Tôi tin rằng, chúng ta hoàn toàn có thể đúc kết kinh nghiệm từ Kỳ họp thứ Chín để tổ chức các kỳ họp tới đây của Quốc hội. Có thể, nửa đầu thời gian của kỳ họp là họp trực tuyến để dành thời gian cho lãnh đạo địa phương là ĐBQH điều hành công việc tại địa phương mình, sau đó tiếp tục họp tập trung. Quan trọng là khi họp trực tuyến, các Đoàn ĐBQH có thể mời cử tri ở các ngành, lĩnh vực liên quan đến nội dung của dự án luật, những vấn đề quan trọng cần thảo luận tại hội trường đến tham khảo thêm ý kiến. Đồng thời tạo điều kiện cho các đại biểu của ngành, lĩnh vực đó được tiếp cận với hoạt động của Quốc hội, từ đó có thêm cơ sở điều chỉnh chính sách, làm cho chất lượng hoạt động của các ngành, các cấp tốt hơn.

ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết (TP Hồ Chí Minh): Mở ra cơ hội cho sản xuất, kinh doanh

Việc phân chia thành hai đợt họp trực tuyến và tập trung, cũng như có khoảng nghỉ giữa hai đợt họp là hợp lý, bảo đảm hiệu quả các hoạt động của Quốc hội. Đợt họp trực tuyến đã truyền tải đầy đủ các nội dung, việc tham gia cho ý kiến, tranh luận của ĐBQH được bảo đảm. Thành công của đợt họp trực tuyến có đóng góp quan trọng của Văn phòng Quốc hội trong việc chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật chu đáo. Nếu Văn phòng Quốc hội nghiên cứu thêm phần mềm đăng ký chất vấn và trả lời chất vấn chắc chắn sẽ hoàn thiện hơn phương thức họp trực tuyến của Quốc hội.

Tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA. Trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động, cộng với những yếu kém nội tại của nền kinh tế nước ta, tôi kỳ vọng, hai nghị quyết này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sản xuất, kinh doanh trong nước. Theo đó, các cơ quan chức năng cần rà soát, xác định những yêu cầu của thị trường, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện, qua đó tiến hành tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường Liên minh châu Âu, cũng như yêu cầu ngày càng cao của nhiều thị trường nhập khẩu. Tất nhiên, doanh nghiệp vẫn là nhân tố quan trọng, quyết định thành công của việc khai thác tiềm năng, cơ hội từ các hiệp định này. Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, có thể nói rằng, điều quan trọng nhất vẫn là cộng đồng doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, chuyển từ cách làm chộp giật, lấy thu lợi là mục tiêu chính sang quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, quản trị doanh nghiệp, qua đó sẵn sàng tham gia chuỗi giá trị sản xuất trên thế giới.

Anh Thảo, Thanh Hải