Pháp luật các nước về hạn chế quyền con người để bảo đảm trật tự công cộng

Nội hàm của “trật tự công cộng” trên thực tế

- Chủ Nhật, 05/04/2020, 07:42 - Chia sẻ
Thực tế các lần áp dụng việc hạn chế quyền con người trên thế giới hoặc các vụ án liên quan đến vấn đề này cho thấy, “trật tự công cộng” là một khái niệm được diễn giải rất đa dạng.

Tôn trọng nhân phẩm con người

Theo phán quyết ngày 27.10.1995 của Tham chính viện Pháp, tôn trọng nhân phẩm con người là một thành tố của trật tự công cộng. Vụ việc liên quan đến việc Thị trưởng thành phố Morsang-sur-Orge cấm các buổi biểu diễn trò “tung hứng người lùn” tại các hộp đêm của thành phố vì lý do xâm phạm nhân phẩm con người. Tham chính viện Pháp khi đó phán quyết rằng, nhân phẩm con người cũng là một thành tố của trật tự công cộng mà công quyền cần phải bảo vệ. Tương tự, hành vi ca tụng nạn diệt chủng người Do Thái cũng bị xem là xâm phạm trật tự công cộng. Ngoài ra, trật tự công cộng có thể được xem xét trong bối cảnh của địa phương để biện minh cho việc hạn chế quyền. Ví dụ như việc chiếu phim khiêu dâm, mở một cửa hàng kinh doanh sách báo khiêu dâm có thể bị xem là làm rối loạn trật tự công cộng xuất phát từ điều kiện đặc thù của địa phương. Điều kiện, hoàn cảnh đặc thù ở đây là số lượng lớn các cơ sở giáo dục trên địa bàn, các kiến nghị, phản đối đến từ người dân.


Cảnh sát TP Chennai, bang Tamil Nadu (Ấn Độ) đội mũ bảo hiểm có hình virus Corona tuần tra yêu cầu dân quay về nhà
Ảnh: REUTERS

Sự hài hòa của đời sống tập thể

Tại Thuỵ Sĩ, trật tự công cộng bao hàm nhiều yếu tố, giá trị khác nhau. Theo Tòa án Liên bang Thuỵ Sĩ, trật tự công cộng nhằm “bảo vệ an ninh, sự yên bình, sức khỏe, đạo đức công cộng và tính trung thực trong kinh doanh”. Một trong những nhiệm vụ thiết yếu của Nhà nước là bảo đảm sự hài hòa của đời sống tập thể. Sự phát triển hài hòa của đời sống tập thể chỉ có thể được duy trì khi trật tự công cộng được bảo đảm. Do đó, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm trật tự này. Tuy nhiên, các hành vi xâm phạm trật tự công cộng rất đa dạng, ví dụ như xâm phạm các thể chế chính trị, cản trở hoạt động của chính quyền, xâm phạm các quyền, tự do cá nhân, cũng như xâm phạm các giá trị đạo đức hay vật chất mà đa số người dân thừa nhận. Các hành vi này tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau mà các nhà lập hiến, lập pháp không thể nào dự liệu hết. Các hành vi xâm hại trật tự công cộng này cần phải được ngăn chặn hoặc trừng phạt vì chúng cản trở việc thực hiện một chức năng cơ bản của Nhà nước. Đây được xem như một nguyên tắc hiến định bất thành văn ở Thuỵ Sĩ. Nguyên tắc này trao cơ quan hành pháp quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để khôi phục trật tự công cộng nếu nó bị xáo trộn hoặc để bảo vệ nó khỏi một mối nguy hiểm nghiêm trọng đe dọa nó một cách trực tiếp và sắp xảy ra. Trên cơ sở này, chính quyền có thể hạn chế việc thực hiện các quyền tự do cá nhân. Có thể kể ra án lệ liên quan đến hạn chế quyền tự do hiệp hội, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do thương mại và công nghiệp và quyền sở hữu.

Yêu cầu về sức khỏe cộng đồng

Ngoài ra, trật tự công cộng có thể hàm chứa cả yêu cầu về sức khỏe và sự yên tĩnh, thanh bình của cộng đồng. Ví dụ, chính quyền có thể lấy lý do bảo đảm sức khỏe, sự thanh bình của cộng đồng để buộc các nhà hàng ăn uống đóng cửa vào đêm khuya, hay hạn chế kinh doanh ở khu vực nghỉ mát, điều này làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân. Việc quy định giờ mở cửa của các hộp đêm cũng có thể dựa trên căn cứ này.

Lý do vì sức khỏe cộng đồng cũng là căn cứ để áp đặt chế độ tiêm phòng chống các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là đối với bệnh bạch hầu, để bảo vệ sức khỏe của những người có nguy cơ lây nhiễm cao.

Quy định của thành phố Genève cấm quảng cáo thuốc lá và rượu có nồng độ trên 15% tại các nơi công cộng được cho là không xâm phạm tới quyền tự do kinh doanh lẫn quyền sở hữu. Không chỉ Thuỵ Sĩ mà nhiều quốc gia đã có các đạo luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia hay thuốc lá. Trong đó, có các quy định về cấm quảng cáo các sản phẩm này trên các phương tiện truyền thông đại chúng và nơi công cộng. Tương tự, quy định cấm các nhà sản xuất sữa tuyên truyền về tác dụng có lợi của canxi trong sữa, đặc biệt là chống bệnh loãng xương là hạn chế quyền tự do kinh doanh và tự do biểu đạt, nhưng được biện minh bằng lý do bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Hoặc mới đây nhất là việc một loạt các nước phải áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt chưa từng có, với việc hạn chế tuyệt đối một số quyền cơ bản của con người như tự do hội họp, tự do đi lại để phòng, chống sự lây lan của dịch Covid-19.

TS. Nguyễn Văn Quân