Bạn đọc viết

Nỗi nhọc nhằn của doanh nghiệp

- Thứ Sáu, 31/07/2020, 05:52 - Chia sẻ
Những đề xuất liên quan đến nguyên tắc cấp giấy phép và thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực tại Dự thảo Thông tư quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp với những băn khoăn về sự gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật.

Điều 4, Dự thảo quy định về nguyên tắc cấp giấy phép và thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực. Theo đó, tuỳ từng lĩnh vực hoạt động mà có thời hạn cấp phép khác nhau, chẳng hạn Tư vấn chuyên ngành điện lực thì thời hạn là 5 năm; Nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì thời hạn là 20 năm… Tuy nhiên, Khoản 16, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2011 đã sửa đổi quy định về “thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực đối với từng loại hình hoạt động điện lực”. Ngoài ra, các Nghị định 137/2013/NĐ-CP, Nghị định 08/2018/NĐ-CP, Nghị định 17/2020/NĐ-CP không quy định về thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực và cũng không trao quyền cho Bộ trưởng Bộ Công thương hướng dẫn về thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực. Băn khoăn về đề xuất này, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, căn cứ pháp lý nào để Ban soạn thảo đưa ra đề xuất về thời hạn tối đa trong giấy phép hoạt động điện lực? 

Cũng là mối bận tâm về thủ tục, giấy tờ, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, đề xuất tại Khoản 6, Điều 4 Dự thảo là chưa hợp lý. Cụ thể, Khoản 6, Điều 4, Dự thảo quy định, căn cứ điều kiện thực tế về hạng mục công trình điện, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có thể cấp giấy phép hoạt động điện lực có thời hạn ngắn hơn thời hạn quy định tại Khoản 4 Điều này. Đề xuất này, chưa rõ ràng về căn cứ xác định thời hạn giấy phép hoạt động điện lực (điều kiện thực tế về hạng mục công trình điện như thế nào thì được cấp giấy phép có thời hạn tối đa hoặc không đạt thời hạn tối đa? Nếu không đạt thời hạn tối đa thì thời hạn giấy phép là bao nhiêu năm?). Nếu quy định không rõ, có thể tạo ra sự tùy nghi của các cơ quan cấp phép trong quyết định thời hạn của giấy phép và tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Trong trường hợp, nếu thời hạn giấy phép ngắn sẽ phải thực hiện thủ tục gia hạn giấy phép nhiều lần. Điều này sẽ phát sinh thủ tục, tăng chi phí tuân thủ pháp luật.

Liên quan đến Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép trong lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực, Điều 6 Dự thảo quy định, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép trong lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực doanh nghiệp phải cung cấp: Tài liệu tham gia bảo hiểm xã hội giữa chuyên gia tư vấn và tổ chức; tài liệu chứng minh kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn. Như vậy, để được cấp giấy phép trong lĩnh vực tư vấn chuyên ngành xây dựng, doanh nghiệp cần có đủ 2 loại tài liệu nêu trên. Đối với loại Tài liệu tham gia bảo hiểm xã hội giữa chuyên gia tư vấn và tổ chức, thì có thể hiểu tài liệu này nhằm chứng minh doanh nghiệp thực sự có chuyên gia tư vấn theo quy định. Tuy nhiên, việc yêu cầu phải có tài liệu tham gia bảo hiểm xã hội của chuyên gia tư vấn tại thời điểm xin cấp giấy phép là chưa hợp lý, bởi vì thời điểm này doanh nghiệp vẫn chưa hoạt động trong lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực (vì chưa có giấy phép). Mặt khác, trên thực tế hoạt động, khi đóng bảo hiểm xã hội lần đầu, doanh nghiệp sẽ được cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội. Nếu tài liệu tham gia bảo hiểm xã hội được hiểu là mã số này thì tại thời điểm xin cấp giấy phép, doanh nghiệp cũng khó cung cấp vì có thể chưa đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động khi chưa hoạt động vì chưa có giấy phép.

Bao giờ câu chuyện, giấy phép, thủ tục, gia hạn giấy phép không còn là nỗi nhọc nhằn của doanh nghiệp nữa, nếu tiếp tục có những đề xuất có xu hướng thiên về tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý hơn là sự thuận tiện của doanh nghiệp như trên.

Nguyễn Minh