Ý kiến

Nói phải đi đôi với làm

- Thứ Bảy, 29/10/2016, 07:40 - Chia sẻ

Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác của ngành tòa án, viện kiểm sát năm 2016 còn không ít tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Những hạn chế này đã gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến cuộc sống, niềm tin của nhân dân, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ, cản trở sự phát triển bền vững của đất nước. Các báo cáo đã nghiêm túc đánh giá các nguyên nhân của hạn chế. Tôi cho rằng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở nhiều nơi, nhiều lúc chưa đúng mức, quyết liệt; năng lực, phẩm chất đạo đức, kỷ luật, kỷ cương ở một bộ phận cán bộ, công chức, trong đó không ít người đứng đầu còn yếu kém; xử lý vi phạm chưa nghiêm, nể nang, một số trường hợp chưa đúng người, đúng tội; sự phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, truy tố, điều tra, xét xử, thi hành án chưa chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hạn chế... là nguyên nhân chủ yếu. Các nguyên nhân này không mới, đã được nêu từ nhiều năm qua.

Điều đáng báo động và cần tập trung đấu tranh ngăn chặn kịp thời hiện nay là tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm giết người dã man trong thanh, thiếu niên gia tăng, gây hoang mang dư luận. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2016, có 2.582 vụ với 3.699 người chưa thành niên phạm tội. Cử tri cho rằng, tác động tiêu cực của môi trường xã hội, cơ chế nêu gương chưa hiệu quả, phương châm trong giáo dục là “tiên học lễ, hậu học văn” chưa đi vào cuộc sống, sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục thanh thiếu nhi còn nhiều yếu kém… và thanh thiếu niên là đối tượng dễ chịu ảnh hưởng tiêu cực xã hội, dễ bị lợi dụng, lôi kéo, xúi giục... là những nguyên nhân chính của tình hình. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì không chỉ dẫn đến trật tự, an toàn xã hội phức tạp còn ảnh hưởng đến tương lai phát triển đất nước, hạnh phúc của nhân dân.

Cử tri kiến nghị phải đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc vi phạm pháp luật diễn ra thường xuyên, gây bức xúc kéo dài, ngày càng phức tạp, đã được nhân dân phản ánh từ nhiều năm nhưng không bị xử lý. Như Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQVN đã nêu, và qua các cuộc tiếp cử tri của ĐBQH, cử tri liên tục phản ánh, cho rằng tình trạng tham nhũng là rất nghiêm trọng, nguy cơ rất lớn. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nạn “cát tặc”, “lâm tặc” hoành hành, công khai, kéo dài ở nhiều địa phương trong cả nước trong thời gian qua không chỉ là địa chỉ của “lợi ích nhóm” mà là biểu hiện rõ nét của tình trạng coi thường pháp luật, kỷ cương phép nước, biểu hiện của việc “trên bảo dưới không nghe”… Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, niềm tin của nhân dân. Vì vậy, cử tri đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải kiểm tra, thanh tra, QH phải giám sát để sớm kiên quyết xử lý tình trạng này, tạo chuyển biến rõ rệt trên thực tế, thể hiện sự quyết tâm lớn “nói đi đôi với làm”, thể hiện đầy đủ, thực chất các cam kết trước QH, trước nhân dân.

Phan Viết Lượng - ĐBQH tỉnh Bình Phước
Nguyễn Vũ ghi