Thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Nghệ An Khóa XVII

“Nóng” hệ lụy thủy điện và nước sinh hoạt

- Thứ Năm, 18/07/2019, 07:28 - Chia sẻ
Không chỉ là chuyện cũ nói lại, hệ lụy nghiêm trọng của các nhà máy thủy điện; công tác quản lý, chất lượng và giá nước sinh hoạt còn nhiều bất cập đã trở thành tâm điểm được các đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận của Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh.

Nhà máy thủy điện phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra

Hệ lụy nghiêm trọng các nhà máy thủy điện gây ra thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Theo đại biểu Nguyễn Văn Hải (huyện Tương Dương), mặc dù lãnh đạo tỉnh đã vào cuộc quyết liệt nhưng việc giải quyết hệ lụy, tồn đọng của các nhà máy thủy điện vẫn còn rất lớn. Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn nơm nớp lo lắng mỗi khi thủy điện xả lũ, trong khi hầu như ngày nào cũng có đơn thư của người dân khiếu nại liên quan đến vấn đề này... Đại biểu đề nghị cơ quan có thẩm quyền rà soát lại công tác đánh giá tác động môi trường ở các nhà máy thủy điện; sớm phê duyệt điều chỉnh phương án vận hành liên hồ chứa, đồng thời phê duyệt phương án phòng, chống mưa lũ.


Đại biểu thảo luận tại hội trường Ảnh: Hải Phong

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Hoàng (huyện Kỳ Sơn) cho biết, trên địa bàn huyện có 2 dự án thủy điện “quy hoạch treo” gần 10 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân; trong khi địa phương nhiều lần kiến nghị dừng dự án này nhưng Bộ Công thương vẫn không đồng ý. “Chúng tôi băn khoăn: Liệu 2 dự án này có triển khai được không và triển khai thì bao giờ xong, hay là cứ treo mãi như thế? Người dân trong vùng quy hoạch dự án đang rất khổ sở vì không được đầu tư hạ tầng”, ông Hoàng bức xúc. Cũng theo ông Hoàng, trong đợt mưa bão năm 2018, khi Thủy điện Bản Vẽ tích nước khiến mực nước dâng ngập nhà dân ở xã Mỹ Lý. Sau đó, bất ngờ xả lũ mạnh khiến 19 nhà dân bị trôi tuột xuống lòng hồ, song nhà máy thủy điện vẫn không chịu bồi thường dù chính quyền nhiều lần đề nghị.

Cho rằng hệ lụy của các nhà máy thủy điện quá nặng nề, trong khi công tác bồi thường triển khai chậm chạp, đại biểu Phan Đức Sơn (huyện Tương Dương) nêu rõ: Một tháng chúng tôi tiếp dân 2 lần, phần lớn bà con đều thắc mắc về công tác bồi thường liên quan đến các nhà máy thủy điện, trong khi không thuộc thẩm quyền của huyện. ‘‘Riêng Thủy điện Khe Bố, tôi làm việc 2 lần và đưa ra 26 nội dung lớn nhỏ để giải quyết, có thời hạn giao đầy đủ cho lãnh đạo nhà máy thủy điện và cơ quan liên quan nhưng chậm vẫn hoàn chậm”, ông Sơn nói.

Liên quan đến nội dung này, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông nhấn mạnh, thiệt hại trong những đợt mưa lũ vừa qua quá lớn, nguyên nhân cơ bản đến từ các nhà máy thủy điện. Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã nhiều lần làm việc và kiên quyết nói không với việc phát triển mới các dự án thủy điện; đồng thời, cũng yêu cầu gắt gao nhà máy thủy điện, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm với thiệt hại của bà con sau các đợt lũ…

Cũng theo Thường trực Tỉnh ủy đã đề nghị UBND tỉnh, các ngành chức năng điều chỉnh kế hoạch tích nước xả lũ của các nhà máy trên địa bàn gửi ra bộ, ngành Trung ương phê duyệt. Song, việc điều chỉnh vẫn chưa được phê duyệt. “Chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan phải có thái độ rõ ràng, kiên quyết hơn; đồng thời, phải có biện pháp mạnh, dựa trên trách nhiệm pháp lý để yêu cầu các nhà máy thủy điện chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra’’, ông Thông đề nghị.

Đặt lợi ích, sức khỏe của người dân lên hàng đầu

Một vấn đề cũng được dư luận cũng như đông đảo đại biểu đặc biệt quan tâm là công tác quản lý, chất lượng và giá nước sinh hoạt. Theo quyền Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Trường Giang, việc cung cấp nước sạch có liên quan đến nhiều sở, ngành. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm về chất lượng nước thô đầu vào, Sở Y tế chịu trách nhiệm chất lượng nước sạch đầu ra, Sở Tài chính quản lý giá nước, ngoài ra UBND các huyện, thành, thị chịu trách nhiệm giám sát… Liên quan đến việc bơm nước sông Đào, ông Nguyễn Trường Giang cho biết: Đây là thỏa thuận dựa trên hợp đồng số 04 năm 2015 của Công ty TNHH một thành viên cấp nước và Công ty cấp nước Sông Lam với UBND tỉnh. Sau khi cổ phần hóa, Công ty Cấp nước Nghệ An hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và cũng đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sử dụng nước sông Đào.

‘‘Về việc điều chỉnh giá nước, trong trường hợp Công ty Cấp nước Nghệ An sử dụng nguồn nước sông Đào có giá đầu vào thấp hơn, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan xác định phần lấy nước thô đầu vào từ sông Đào để hoàn trả cho người dân phần chênh lệch giá nước thô đầu vào tại địa điểm lấy từ sông Lam và sông Đào. Tuy nhiên, hiện nay chưa kết luận được thời điểm kết thúc sử dụng nước sông Đào, nên Sở Tài chính vẫn chưa đưa ra được khối lượng chênh lệch để hoàn lại cho người dân’’, ông Giang cho biết.

Không đồng tình với cách giải thích của Sở Xây dựng, đại biểu Lê Xuân Đại cho rằng, chuyển thành công ty cổ phần không có nghĩa là làm méo mó đi hình ảnh của một công ty cấp nước. Trong điều kiện công nghệ xử lý nước của Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế, các ngành chức năng cần quan tâm đến chất lượng nguồn nước đầu vào, bảo đảm cung cấp cho người dân và đề nghị chấm dứt lấy nguồn nước sông Đào. ‘‘Tối đa hóa lợi nhuận, không có nghĩa là bất chấp lợi ích của người dân”, ông Đại nhấn mạnh.

Với vai trò là cơ quan kiểm tra, giám sát chất lượng đầu ra của nguồn nước, Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh cho biết, các mẫu nước được xét nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An đều được Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận, phòng thí nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cấp giấy chứng nhận ISO. ‘‘Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã thanh tra đột xuất các quy định về cung cấp nước sạch ở tất cả các đơn vị; đồng thời gửi công văn tới Viện sức khỏe của Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ chuyên môn để xét nghiệm. Sau khi có kết quả xét nghiệm, Sở sẽ cung cấp với các cơ quan chức năng toàn bộ kết quả’’, ông Chỉnh thông tin.

Cũng liên quan đến chất lượng nguồn nước sạch, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hữu Cầu nhận định, nguồn gốc của mọi nguyên nhân do sự cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, UBND tỉnh cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nước sạch, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nhằm mang lại chất lượng nước sạch hơn cho người dân… Còn theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường, quản lý chất lượng sinh hoạt là trách nhiệm của nhiều ngành, vì vậy cần tăng cường phối hợp giữa các ngành để bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt lâu dài, bền vững cho người dân; UBND tỉnh cũng cần sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước sạch sinh hoạt…

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý khẳng định: Quan điểm của tỉnh là đặt lợi ích, sức khỏe của người dân lên hàng đầu. ‘‘Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tăng cượng kiểm soát, bảo đảm chất lượng nguồn nước; yêu cầu các doanh nghiệp lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát cả đầu vào và đầu ra; đồng thời, giám sát thường xuyên quy trình xử lý nguồn nước, cũng như sử dụng hóa chất hợp lý. Bên cạnh đó, sẽ tính toán hợp lý nhất để phê duyệt giá nước’’, ông Quý cho biết.

DIỆP ANH