Chính sách pháp luật của một số quốc gia về bảo vệ nguồn nước

Nước sạch được bảo vệ bằng luật pháp

- Chủ Nhật, 20/10/2019, 09:08 - Chia sẻ
Nước chiếm tới 3/4 diện tích của trái đất nhưng nguồn nước sạch - một phần thiết yếu của cuộc sống, lại không nhiều đến thế. Hiểu được tầm quan trọng đó, nguồn tài nguyên quý giá này đã và đang được bảo vệ chặt chẽ bởi hệ thống pháp luật.

Những thảm họa môi trường

Ô nhiễm nguồn nước đang trở thành vấn đề nan giải khi những vụ xả thải gây ô nhiễm nguồn nước gây ra những hậu quả nặng nề với tự nhiên và con người.

Trong giai đoạn 1932 - 1968, Nhật Bản phải hứng chịu một thảm họa nước biển nhiễm độc xảy do Nhà máy hóa chất Chisso xả trực tiếp nước thải chứa thủy ngân chưa qua xử lý ra vịnh Minamata và biển Shiranui. Nhiều người trong khu vực đã bị nhiễm độc thủy ngân và chứng bệnh xuất phát từ vụ việc này đã được đặt tên là bệnh Minamata. Hậu quả của thảm họa kéo dài suốt hơn 36 năm sau, thậm chí còn di chứng đến tận ngày nay. Một thảm họa nhiễm độc nước nghiêm trọng khác cũng đã xảy ra năm 2011 sau khi 300 tấn nước nhiễm xạ cực cao bị rò rỉ khỏi một bể chứa ở khu vực Nhà máy điện hạt nhân Fukushima No. 1 vốn bị hư hỏng do sóng thần. Sự cố trên đã khiến Nhật Bản phải nâng cảnh báo rò rỉ phóng xạ lên mức “nghiêm trọng”.

Năm 2010, Trung Quốc cũng chứng kiến một vụ nước nhiễm độc thủy ngân tương tự Nhật Bản. Theo một nghiên cứu năm 2010 của Học viện Môi trường, Đại học Đồng Tế ở Thượng Hải, Công ty hóa chất công nghiệp Cát Lâm, nay là Công ty dầu khí Cát Lâm, đã thải 114 tấn thủy ngân và 5,4 tấn methylmercury vào sông Tùng Hoa từ năm 1958 đến 1982. Mãi đến tháng 3.1979, công cuộc làm sạch sông mới được thực hiện và đến cuối năm sau mới hoàn thành.

Tại Mỹ, sự cố nổ giàn khoan của hãng dầu khí BP, ngoài khơi bờ biển Louisiana, Mỹ năm 2010 đã gây ra vụ tràn dầu Deepwater Horizon. Gần 5 triệu thùng dầu tràn vào khu vực rộng lớn của vịnh Mexico, phá hủy các hệ sinh thái, ảnh hưởng đến ngành ngư nghiệp và du lịch của các quốc gia trong vùng. Đây có thể coi là sự cố môi trường lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Thảm họa chưa dừng ở đó, năm 2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về nguồn nước uống bị nhiễm độc chì tại thành phố Flint, Michigan và yêu cầu viện trợ liên bang. Mới đây nhất, hồi tháng 8 vừa qua, thành phố Newark, bang New Jersey cũng phải đối mặt với khủng hoảng nước sạch sau khi giới chức môi trường phát hiện nồng độ chì cao quá mức cho phép trong nước máy của khu vực.

Cũng tại châu Mỹ, hồi năm 2003, một sự cố tràn 320 triệu gallon chất thải độc hại từ một nhà máy ở bang Minas Gerais đã làm ô nhiễm nguồn nước của 7 thành phố ở Minas Gerais và Rio de Janeiro, Brazil, khiến 600.000 người không có đủ nước sử dụng lúc đó… Mười ba năm sau, một vụ vỡ đập khác được coi là lớn nhất thế giới trong vòng một thập kỷ qua tiếp tục xảy ra ở Brazil. Sau đó, công tố viên liên bang Brazil đã khởi kiện công ty sở hữu mỏ khai thác quặng sắt Samarco số tiền lên tới 44 tỷ USD do có liên quan đến vụ vỡ đập khai thác quặng sắt này khiến cả con sông lớn Doce bị ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng tới nguồn nước uống của hàng trăm ngàn người. Người ta đã ước tính Brazil dự kiến phải mất gần một thế kỷ mới khắc phục hoàn toàn các hậu quả môi trường.


Nguồn: ITN

Củng cố hệ thống pháp luật về nước

Nhận thức tầm quan trọng của nước, các quốc gia trên thế giới đã chú trọng củng cố hệ thống pháp luật của mình để tránh những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra đối với nguồn tài nguyên quý giá này.

Là quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc đã ban hành nhiều bộ luật và quy định về quản lý ô nhiễm nguồn nước, đặt ra các mục tiêu và kế hoạch 5 năm để thực hiện việc kiểm soát nguồn nước. Hồi năm 2014, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã duyệt chi khoản ngân sách 330 tỷ USD để xử lý ô nhiễm nước. Quốc gia đông dân nhì thế giới là Ấn Độ cũng đã ban hành Luật Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm ngay từ năm 1974, được sửa đổi nhiều lần mà lần gần nhất là năm 2003, để bảo vệ tài nguyên nước, hướng tới bảo tồn nước sạch cho người dân. Chính quyền hiện nay còn đặt nhiệm vụ xử lý ô nhiễm tại các con sông trong nước trở thành một trọng tâm trong chính sách về môi trường. Nhật Bản cũng xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước để điều chỉnh quy trình xử lý nước thải của các công ty. Tại Đông Nam Á, Singapore là quốc gia luôn nỗ lực và có những cải tiến đi đầu trong việc bảo vệ nguồn nước và xử lý nước thải. Nguồn nước tại đây nằm dưới sự điều chỉnh của Luật Bảo vệ và quản lý môi trường nhằm giảm thiểu mọi rủi ro có thể xảy ra với nguồn nước và bảo đảm người dân luôn có đủ nước sạch để sử dụng.

Trong khi đó, ở châu Âu, Pháp ghi rõ trong Bộ luật Dân sự rằng nước là “tài sản” chung của cộng đồng chứ không thuộc về bất cứ cá nhân nào. Thậm chí, Luật Nước ban hành năm 1992 còn công nhận nước là tài sản chung của quốc gia và cần được tăng cường bảo vệ. Hệ thống pháp luật liên quan đến tài nguyên quý giá này của xứ sở chú gà trống Gaulois được thể hiện qua 3 luật quan trọng, vốn đặt tiền đề cho pháp luật về nước hiện hành: Đó là Luật Về chế độ, phân phối nước và chống ô nhiễm nguồn nước được ban hành năm 1964; Luật Nước năm 1992; Luật Nước và môi trường nước năm 2006.

Đức cũng sớm có những quy định về sử dụng và bảo vệ nguồn nước. Đạo luật nước liên bang được ban hành ngay từ năm 1957 với mục đích làm sạch các nguồn nước trong tương lai. Ngoài ra, Luật Về phí nước thải điều chỉnh loại và lượng nước thải cũng được ban hành, trong đó quy định mức tiền phạt và hình phạt thích đáng đối với các hành vi vi phạm.

Còn nhìn tổng thể chung ở lục địa già, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Chỉ thị 2000/60/EC hay còn gọi là Chỉ thị khung về nước của EU nhằm thiết lập một khuôn khổ hành động chung cho khối trong chính sách về nước, trong đó đặc biệt tập trung vào việc bảo vệ nguồn nước uống. Luật trên chính là một trong những bước đi mạnh mẽ và hoài bão nhất của liên minh lá cờ xanh trong việc xây dựng luật pháp về môi trường.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, nhằm đối phó với tình trạng ô nhiễm nguồn nước, chính quyền Mỹ đã ban hành nhiều đạo luật quy định về nguồn nước, điển hình là Luật Nước sạch năm 1972, hay Luật Về tài chính và nâng cấp cơ sở hạ tầng cung cấp nước năm 2014. Trong khi đó, ở quốc gia láng giềng Canada, Luật Nước được ban hành năm 1970 đã cung cấp khuôn khổ hợp tác với các tỉnh và vùng lãnh thổ trong việc bảo tồn, phát triển và sử dụng tài nguyên nước. Văn bản pháp luật này ghi rõ những việc cần làm để bảo vệ chất lượng nước và số lượng các lưu vực sông của quốc gia.

Thái Anh