Ổn định di dân tự do

- Chủ Nhật, 05/07/2020, 08:04 - Chia sẻ
Nghị quyết số 22/NQ-CP về ổn định di dân tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường được Chính phủ ban hành ngày 1.3.2020, đặt mục tiêu cụ thể năm nay, phấn đấu giảm thiểu tối đa tình trạng di dân tự do, ưu tiên thực hiện bố trí ổn định cho các hộ dân thực sự khó khăn, cấp đất và các điểm dân cư theo đúng quy hoạch, hoàn thành dứt điểm các dự án bố trí ổn định di dân tự do đang thực hiện dở dang, bố trí lao động sản xuất. Đến năm 2030, phấn đấu cơ bản không còn tình trạng di dân tự do; hoàn thành việc nhập hộ khẩu, hộ tịch cho các hộ dân di cư tự do đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Ổn định di dân tự do, đặc biệt là di dân tự do ở khu vực Tây Nguyên là vấn đề phải giải quyết dứt điểm bởi tình trạng này đã dẫn đến những hệ lụy phức tạp cả về an sinh xã hội và an ninh chính trị, quốc phòng. Quyết tâm của Chính phủ và chính quyền các địa phương trong việc giải quyết dứt điểm vấn đề này rất lớn. Nhưng cái khó, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) lại nằm ở quy định về xác định nguồn gốc của người dân di cư tự do trong các thông tư hướng dẫn của liên ngành Bộ Công an - Bộ Tư pháp.

Thực tế cho thấy, người di cư tự do thường đi qua nhiều địa bàn. Từ những năm 1980, nhiều người dân có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc như Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Nam Định, Thái Bình... đã đi dọc các tỉnh miền Trung rồi mới đến địa bàn các tỉnh Tây Nguyên như hiện nay. Nhiều người di cư gặp nhau trên đường rồi kết hôn với nhau, sinh ra thế hệ F2, F3 và vào tới địa bàn các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng sinh sống. Bao nhiêu năm đã trôi qua và bao nhiêu địa phương đã đi qua trong hành trình di cư như vậy thì việc đòi hỏi phải xác định được nguồn gốc dân cư là vô cùng khó. Mà không xác định được nguồn gốc thì không có tạm trú, tạm vắng, không thể nhập được hộ khẩu. Cứ lòng vòng như thế nên từ những năm 2000 đến nay, dù các địa phương có dân di cư tự do đang sinh sống trên địa bàn rất cố gắng nhưng cũng không thể nào tính toán được việc nhập hộ khẩu cho người dân. Đó cũng là một trong những lý do cơ bản khiến cho việc ổn định cuộc sống cho người dân di cư tự do mãi vẫn chưa giải quyết được.

Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua đã có những quy định được đánh giá là tạo thuận lợi hơn cho người di cư tự do. Cụ thể, dự luật đã dành riêng một điều (Điều 20) quy định về quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú. Cụ thể là, người không có chỗ ở hợp pháp hoặc có chỗ ở hợp pháp nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì khai báo với công an xã, phường, thị trấn tại nơi sinh sống thường xuyên hoặc nơi ở hiện tại để đăng ký, quản lý và được cấp Giấy xác nhận về việc khai báo cư trú theo yêu cầu. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho rằng, quy định này bên cạnh việc góp phần bảo đảm an ninh trật tự còn thể hiện tính nhân văn. Vì khi người dân khai báo và được cấp giấy xác nhận về việc đăng ký khai báo Cư trú theo yêu cầu thì giấy này chính là cơ sở để xây dựng và áp dụng thực hiện những chính sách về giáo dục, y tế, lao động hoặc các giấy tờ tùy thân khác. Bạc Liêu cũng có một bộ phận người dân di cư tự do về ở trong rừng phòng hộ ven biển từ khá lâu. Đến năm 2014, tỉnh đã định hướng xây dựng các khu nhà ở xã hội để người dân di dời vào và hiện đang thực hiện chủ trương này. Nhưng thực tế, có các trường hợp con em của người dân di cư sinh ra không có cơ sở để cấp giấy khai sinh nên đến tuổi đi học lại không được đi học; hoặc những người di cư cũng không có cơ sở để cấp các loại giấy tờ tùy thân. “Các cơ quan liên quan thì hết sức quan ngại, trăn trở nhưng cũng không có cơ sở pháp lý quy định để mà thực hiện. Cho nên, Điều 20 nói riêng và nhiều nội dung sửa đổi Luật Cư trú nói chung đã gỡ nút thắt trong câu chuyện xem hộ khẩu như một công cụ để phân biệt người di cư đối với người địa phương, làm cản trở nhóm người mà tôi cho là yếu thế, tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản”, ông Nguyễn Huy Thái nói.

Nhưng như vậy thôi có lẽ vẫn chưa giúp giải quyết dứt điểm được câu chuyện của những người dân di cư tự do ở các tỉnh Tây Nguyên như các đại biểu Quốc hội đã phản ánh. Vì thế, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cư trú (sửa đổi) tới đây, cũng cần quan tâm thấu đáo hơn đến vấn đề này. Phải thiết kế được những điều khoản, cách thức đơn giản để hướng dẫn giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong câu chuyện xác định nguồn gốc của người dân di cư tự do; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân di cư tự do trong việc làm thủ tục đăng ký khai sinh, kết hôn và nhập được hộ khẩu cũng như trong thực hiện đầy đủ các thủ tục giấy tờ hộ tịch cho người dân, bảo đảm đó là căn cứ pháp lý để cấp sổ hộ khẩu, giấy khai sinh hoặc mã số định danh cá nhân... Từ đó mới có thể giúp những người dân di cư tự do ổn định cuộc sống, được bảo đảm tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, các quyền hợp pháp của một công dân thay vì “tự do mà thực ra là đứng bên lề” như bấy lâu nay.

Hải Lam