Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIV:

Ổn định pháp lý để tăng hiệu quả đầu tư

- Thứ Hai, 11/11/2019, 14:11 - Chia sẻ
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đa số ĐBQH nhất trí với sự cần thiết ban hành luật và cho rằng, dự luật sẽ khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay, bảo đảm khung pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn.

Huy động nguồn lực tư nhân thông qua đầu tư PPP

Các ĐBQH nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật PPP nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù, phản ảnh bản chất của mối quan hệ đối tác công - tư; khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm khung pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan. Việc ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công của Hiến pháp năm 2013 về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua đầu tư PPP nói riêng, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


Các Đại biểu Quốc hội bấm nút nhất trí với Tờ trình của Chính phủ

Đa số các ý kiến cho rằng, quy định tại dự thảo Luật đã làm rõ được phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật, cũng như khẳng định được mục tiêu của hoạt động đầu tư PPP nhằm thu hút khu vực tư nhân đầu tư phát triển công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, rà soát quy định tại Khoản 2, Điều 3 dự thảo Luật, cụ thể hơn về cách thức xử lý những quy định khác nhau giữa dự án Luật này đối với một số nội dung đã được quy định tại một số luật khác có liên quan như về trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án, bảo đảm đầu tư tại Luật Đầu tư; về lựa chọn nhà đầu tư tại Luật Đấu thầu; về cơ chế quản lý vốn nhà nước tại Luật Ngân sách nhà nước và Luật Quản lý nợ công; hoạt động của doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp... nhằm bảo đảm nguyên tắc áp dụng pháp luật đã được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tránh dàn trải, lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp

Về lĩnh vực đầu tư của dự án PPP, khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) cho rằng, việc ghi rõ từng khoản, mục, lĩnh vực đầu tư là quá cụ thể, sẽ vướng trong triển khai thực tế. Ví dụ, đầu tư theo phương thức PPP chỉ quy định với nhà máy điện, hệ thống truyền tải điện, vậy còn dịch vụ cung cấp điện, chiếu sáng công cộng có được đầu tư theo phương thức này không? Hiện nay toàn bộ hệ thống điện công cộng là đèn cao áp, nếu tư nhân muốn đầu tư đèn led với thời gian sử dụng tốt hơn, lâu hơn, sáng hơn, tiết kiệm điện hơn và họ hưởng chênh lệch giá điện giữa đèn led và điện cao áp thì có được không? Rất nhiều lĩnh vực Nhà nước không thể đầu tư hết do không đủ nguồn lực. Tương tự, chúng ta đầu tư theo phương thức PPP cho lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, vậy văn hóa, thể thao có được không? Tại sao không đề cập đến trong dự thảo Luật?, ĐB Nguyễn Thanh Quang đặt câu hỏi.


Một số ĐBQH cho rằng, nhu cầu đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn, trong khi nguồn lực đầu tư hạn chế thì việc tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư cho các dự án quan trọng, mang tính lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là cần thiết và phù hợp. Do đó, đối với các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP cần có định hướng thu hút đầu tư gắn kết chặt chẽ với các ưu tiên đầu tư quốc gia, tránh việc đầu tư dàn trải, lãng phí và hiệu quả đầu tư thấp. Dự thảo Luật đã xác định một số lĩnh vực đầu tư cần thiết, cũng như có quy định mở đối với các lĩnh vực phát sinh trong tương lai cần đầu tư theo phương thức PPP trên nguyên tắc các lĩnh vực khác phải phù hợp với quy định về lĩnh vực đầu tư công và khả năng bố trí vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (nếu dự án có sử dụng vốn đầu tư công). Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng và xác định một cách có chọn lọc về các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả của phương thức đầu tư PPP và thống nhất, đồng bộ với quy định tại các luật liên quan, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho các bên trong lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp.

Tin: Hoàng Ngọc
Ảnh: Lâm Hiển