Phá vỡ rào cản văn hóa

- Thứ Hai, 03/12/2018, 08:43 - Chia sẻ
Qua lăng kính truyền thống của người Việt, qua sự kết hợp giữa múa ballet, múa dân gian cùng điệu nhảy sôi động của các dân tộc trên thế giới, Kẹp hạt dẻ - giấc mơ thần tiên được kỳ vọng làm hài lòng khán giả ở cái đẹp thuần khiết, giao hòa.

Thế giới giao hòa

Tháng 12 - tháng của lễ Giáng sinh là lúc các nhà hát trên khắp thế giới, đặc biệt ở châu Âu và Mỹ chìm đắm trong những giai điệu quen thuộc của vở ballet Kẹp hạt dẻ. Là một trong những tác phẩm được yêu thích nhất của di sản ballet thế giới, vở múa được dựng dựa trên tác phẩm văn học Kẹp hạt dẻ Vua chuột của nhà văn E.T.A Hoffman, mang nội dung về một câu chuyện cổ tích thần tiên trong thế giới tuổi thơ. Vở Kẹp hạt dẻ lần đầu tiên được trình diễn tại Nhà hát Mariinsky tại St.Peterburg năm 1892, đến năm 1960, vở diễn hoàn chỉnh, gây tiếng vang lớn bởi nhà soạn nhạc Tchaikovsky đã tạo nên được vẻ đẹp và sự hấp dẫn đặc biệt.

Nhằm đưa Kẹp hạt dẻ tới gần hơn với công chúng, đặc biệt là các bạn nhỏ Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã xây dựng vở múa phiên bản mới mang tên Kẹp hạt dẻ - Giấc mơ thần tiên, ra mắt ngày 5 - 6.12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Qua lăng kính truyền thống của người Việt, thông qua sự kết hợp giữa múa ballet, múa dân gian Việt Nam, cùng điệu nhảy sôi động của các dân tộc trên thế giới, Kẹp hạt dẻ - Giấc mơ thần tiên kể câu chuyện về Quỳnh Lan, như những cô gái mới lớn khác, cô khát khao và tò mò với những điều mới lạ, tìm kiếm một tình yêu cho riêng mình. Ngủ quên trong đêm Giáng sinh, cô tỉnh dậy ở một miền đất nhiệm màu, nơi chàng kẹp hạt dẻ là hoàng tử, dẫn dắt cô đi qua các cuộc phiêu lưu đầy bất ngờ.


“Kẹp hạt dẻ - giấc mơ thần tiên” được dàn dựng gần với công chúng Việt Nam

Việc làm cho vở múa này hài lòng cả những thế hệ đã bước qua thời mơ mộng chính là sự kết hợp giữa các nền văn hóa. Quỳnh Lan sẽ đưa khán giả đến một nơi không có giới tuyến, không có chia cách, phân ly về văn hóa. Chỉ có cái đẹp thuần khiết, sự giao hòa giữa con người với con người, cái mới và cái cũ, tình yêu và hạnh phúc. Sau nhiều năm đóng vai cô bé Clara trong Kẹp hạt dẻ phiên bản gốc, diễn viên múa Thu Huệ chia sẻ phấn khích trải nghiệm vai diễn mới với sự kết hợp giữa múa dân gian và các điệu múa sôi động trên thế giới. Giấc mơ thần tiên 2018 còn đưa lên sân khấu nét đẹp về văn hóa thông qua trang phục, sự pha trộn các điệu nhảy cùng với múa ballet cổ điển… nhằm tạo nên nét hấp dẫn, đầy thú vị. Quỳnh Lan 2018 sẽ có thêm một chút chảnh, một chút đanh đá và cả một chút lãng mạn cho phù hợp với tính cách của một cô bé được yêu chiều, trong một gia đình người Việt.

Chỉ đạo nghệ thuật, NSƯT Trần Ly Ly - Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho biết, thông điệp Nhà hát muốn đưa ra qua vở ballet này là ước mơ, khao khát của con người về một cuộc sống tốt đẹp là như nhau. Không có sự phân biệt giữa người và người, miền đất này hay miền đất kia, hay văn minh phương Đông hay phương Tây, mà chỉ có sự hòa quyện trong một thế giới giao hòa.

Phổ cập hóa nghệ thuật hàn lâm

Kẹp hạt dẻ - Giấc mơ thần tiên mang theo hy vọng góp phần đẩy nhanh hơn quá trình phổ cập hóa nghệ thuật hàn lâm ở Việt Nam. Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh nhận định như vậy khi được mời chỉ huy dàn nhạc của vở ballet này. Theo anh, Việt Nam đang dần dần đầu tư cho nghệ thuật hàn lâm nhưng chúng ta sẽ cần thời gian để từng bước đưa nghệ thuật này, trong đó có nhạc giao hưởng, opera, ballet... đến với nhiều khán giả hơn. Việc VNOB làm ballet Kẹp hạt dẻ phiên bản Mariinsky là một bước đột phá. Nó chứng tỏ rằng chúng ta đã sẵn sàng đầu tư lớn hơn cho những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại.

Với âm nhạc hàn lâm, đặc biệt với một phiên bản đã được trình diễn thành công trên thế giới, vở ballet không đưa thêm thay đổi nào về mặt phối khí và biểu diễn đối với dàn nhạc. Sự thay đổi chủ yếu nằm ở phần múa, biên đạo dựng lại với nội dung và hình thức phù hợp với bối cảnh xã hội Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên, VNOB đưa phiên bản gốc của Mariinsky vào Kẹp hạt dẻ. Tuy nhiên, việc không thay đổi trên không đồng nghĩa với sự đơn giản và không có sáng tạo.

Theo nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, ở Việt Nam những tác phẩm như vậy không được diễn nhiều nên không có nhiều phiên bản. “Làm thế nào để vừa không bị chê mà ngược lại được khen là có sáng tạo trong hơi thở, cách xử lý sự đối tỷ về cường độ và tốc độ giữa các cảnh, các màn, giữa các nhân vật, là điều mà những người thực hiện luôn đau đáu hướng về. Tôi tin rằng tác phẩm sẽ có thành công nhất định. Ít nhất chúng ta đã làm, có làm thì mới có cái để tự mình, và cả người khác nữa, học tập, từ đó có động lực làm nhiều cái mới nữa”.

Thái Minh