Phá vỡ “vách ngăn vô hình”

- Thứ Năm, 16/07/2020, 08:30 - Chia sẻ
Trong nhiều năm qua, ngành điện ảnh Việt Nam cũng như trên toàn cầu có sự mất cân đối về giới, tỷ lệ phái nữ trong các vị trí sáng tạo quan trọng luôn ở mức thấp. Tuy vậy, đang có những nỗ lực thay đổi nhằm tạo cơ hội bình đẳng cho mỗi giới có điều kiện phát huy năng lực của mình trong lĩnh vực này.

Mặc định là ngành dành cho nam giới

“Năm 2000, tôi đăng ký thi vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, mọi người khuyên nên vào ngành Biên kịch, không nên vào ngành Đạo diễn, vì nó hợp với nam giới hơn. Đến vòng thi vấn đáp, các thầy nói nếu tôi vào học Biên kịch thì sẽ cho đỗ ngay, còn nếu học Đạo diễn phải chờ và kết quả khá bấp bênh…” - nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ về những ngày tháng chọn lựa học điện ảnh. Chị cho biết thêm, tương tự như Khoa Đạo diễn, Khoa Quay phim thường chỉ có sinh viên nam, đến năm 2000, bỗng nhiên có một sinh viên nữ, sau nhiều năm “trầy trật” đã thi đỗ. Trường không ghi là chỉ tuyển sinh nam, nhưng nhiều người nghĩ là ngành đó không phải dành cho nữ giới…

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tiếp cận nhiều luồng tư tưởng khác nhau và cả định kiến, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thừa nhận, thế hệ sinh ra đầu nhưng năm 1980 vẫn cho là có sự phân chia rõ ràng về xu hướng nghề nghiệp: “Nữ thường có xu hướng học văn chương, sư phạm, khoa học xã hội…; nam học chuyên toán, ngành nghề tự nhiên, kỹ thuật… Lớp chuyên văn (hầu như) không có nam, cũng như lớp toán (hầu như) không ai là nữ, nhưng tất cả đều cho đó là tự nhiên, như sinh ra là nam, nữ đã như vậy”. Sự bất bình đẳng giới không chỉ tồn tại trong khi học tại trường mà còn “đeo bám” phái nữ suốt quá trình làm việc trong ngành điện ảnh sau này. Nhiều đơn vị ngần ngại khi tuyển chủ nhiệm phim, đạo diễn hay quay phim là nữ. Thậm chí khi đã được nhận vào làm việc, đạo diễn, quay phim nữ vẫn được nhìn với ánh mắt không tin cậy, tạo sự bất bình đẳng một cách vô thức…

Không chỉ ở Việt Nam, việc phụ nữ tham gia đoàn làm phim được coi là trường hợp đặc biệt tại nhiều quốc gia. Ngay tại Hollywood, nơi được coi là kinh đô của điện ảnh thế giới, số đạo diễn, biên kịch và nhà sản xuất là nữ luôn chiếm tỷ lệ hạn chế, thu nhập của họ cũng thấp hơn so với nam giới trong cùng ngành.

Vài năm trở lại đây, bình đẳng giới trong điện ảnh đã trở thành vấn đề được quan tâm. Theo thống kê năm 2019, số phim của đạo diễn nữ tranh giải tại LHP Cannes là 4/21 phim và LHP Venice 2/21 phim, LHP Berlin là 6/18 phim… Báo cáo về sự đa dạng ở Hollywood năm 2019 do Trường Đại học California, Los Angeles, Mỹ công bố cho thấy, sự hiện diện của nữ giới vẫn còn yếu ớt. Trong số 200 phim điện ảnh nói tiếng Anh hàng đầu năm 2017 mà báo cáo này khảo sát, chỉ có 21 đạo diễn nữ, chiếm 12,6%. Trong khi đó, tỷ lệ vai chính là nữ là 32,9%, tăng 1,7% so với năm trước đó. Nếu tiếp tục tăng với tốc độ như vậy, rất lâu nữa tỷ lệ giữa nam chính và nữ chính trong điện ảnh mới cân bằng. Bên cạnh đó, thông điệp nữ quyền còn đòi hỏi nội dung phim phải được thể hiện một cách tinh tế và thấu hiểu phụ nữ hơn, không chỉ là phim có nữ chính, do phụ nữ làm đạo diễn…

Tỷ lệ nữ giới trong các vị trí sáng tạo của điện ảnh còn thấp  

Nguồn: ITN 

Mở ra cơ hội bình đẳng

Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, công nghiệp điện ảnh có điểm khác biệt với nhiều ngành sản xuất kinh doanh khác khi tổ chức sản xuất theo nhiều công đoạn tách biệt nhau về không gian địa lý với nhiều đối tác cùng phối hợp sáng tạo gia công tác phẩm. Điện ảnh cũng là ngành đi đầu áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới. Đồng thời, dự án điện ảnh thường mang tính cấp bách về mặt thời gian, hiệu quả kinh tế - xã hội của tác phẩm điện ảnh phụ thuộc lớn vào quãng thời gian hoàn thiện, thời điểm sản xuất và phát hành, do vậy nhân lực làm việc trong ngành điện ảnh cũng khác với nhiều ngành.

Theo Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, trong giai đoạn chuẩn bị sản xuất cũng như quay phim, phụ nữ ít được đóng vai trò quyết định sáng tạo của đoàn làm phim, đặc biệt các vị trí đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật, âm thanh. Nữ giới chiếm đa số chỉ tại các bộ phận hóa trang, phục trang, phục vụ ăn uống… Quay phim, âm thanh, ánh sáng kỹ xảo hiện trường… được cho là lĩnh vực dành cho nam giới. Trong những khâu hậu trường hoặc hậu kỳ, nam giới cũng lĩnh trọn vai trò vì giai đoạn này đòi hỏi tính cấp bách về thời gian và áp dụng nhiều công nghệ kỹ thuật...

Tuy vậy, so với thập kỷ trước, bình đẳng giới trong xã hội và nghề nghiệp đã được cải thiện, phụ nữ giờ đây có nhiều điều kiện thể hiện năng lực của mình. Trong lĩnh vực điện ảnh, phụ nữ Việt Nam cũng nỗ lực không ngừng, vượt qua chính mình để đảm đương vị trí như đạo diễn, nhà sản xuất phim… và đạt được một số thành quả đáng khích lệ như các bộ phim đạt chất lượng nghệ thuật, doanh thu cao, đạt giải các liên hoan phim trong nước và quốc tế.

Luật Điện ảnh đang được nghiên cứu sửa đổi và ngay từ giai đoạn lập đề nghị xây dựng Luật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào quá trình đánh giá tác động về kinh tế - xã hội đối với nam, nữ theo 4 tiêu chí: Cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và hưởng thụ các quyền, lợi ích của mỗi giới khi thực hiện chính sách. Xóa bỏ bất bình đẳng giới không làm ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện năng lực thực hiện và hưởng thụ các quyền, lợi ích của mỗi giới do chính sách áp dụng chung, không mang tính phân biệt.

Bên cạnh nỗ lực của giới nữ và tác động từ góc độ luật pháp, các tổ chức xã hội, cá nhân cũng đang có những hoạt động nhằm xóa bỏ bất bình đẳng giới trong xã hội và nghề nghiệp nói chung, lĩnh vực điện ảnh nói riêng. Chiến dịch “He can” của Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh (WISE) triển khai từ tháng 6.2020 - 4.2022, trong khuôn khổ dự án “Investing in Women”, đang có các hoạt động nhằm xóa bỏ bất bình đẳng giới trong xã hội, mở ra cơ hội cho cả nam và nữ phát huy toàn diện năng lực và sở trường trong mọi lĩnh vực. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng: “Việc không phân biệt về giới sẽ tạo sự bình đẳng, môi trường cởi mở để mỗi giới phát triển bản thân, đóng góp phát triển xã hội, cùng xây dựng một cuộc sống ý nghĩa”.

Thảo Nguyên