Phải bản lĩnh và công tâm

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:00 - Chia sẻ
Hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương phải dân chủ, hiệu lực và hiệu quả thì mới đáp ứng được yêu cầu đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của người dân. Cùng với tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo đảm tính minh bạch, theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận TRẦN MINH LỰC, đại biểu, nhất là những người đứng đầu phải tâm huyết, trí tuệ, dân chủ, đặc biệt cần bản lĩnh, công tâm, vì lợi ích của cử tri và sự phát triển của địa phương.

Trăn trở với mong muốn và bức xúc của cử tri

- Làm sao để hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương ngày càng dân chủ, thực quyền và hiệu quả, để cử tri, nhân dân đánh giá cao luôn là trăn trở của những đại biểu đã được cử tri tín nhiệm, thưa ông?

- Hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương phải dân chủ, hiệu lực và hiệu quả thì mới đáp ứng được yêu cầu đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của người dân. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận đã đề xuất Tỉnh ủy ban hành một nghị quyết tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, trong đó nhấn mạnh vai trò hoạt động của cá nhân đại biểu, nhất là những đại biểu có trọng trách, đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ nghị quyết đó, chúng tôi đã triển khai các hoạt động và kiên trì liên tục đeo bám mục tiêu, chất lượng, hiệu quả. Về tổ chức kỳ họp, phải bảo đảm tính minh bạch, dân chủ, đúng luật và thực chất, nhất là trong quyết định những vấn đề lớn của địa phương. Đơn cử như việc lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động khi ban hành chính sách phải được đặc biệt chú trọng và đi vào thực chất, phù hợp với thực tế.


Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận Trần Minh Lực khảo sát tại xã Phước Hà, huyện Thuận Nam
Ảnh: Đan Thanh

Đặc biệt trong tiếp xúc cử tri (TXCT), phải lắng nghe nguyện vọng, mong muốn chính đáng của người dân, phải trăn trở với những bức xúc của cử tri để đôn đốc việc giải quyết, trả lời. Sau mỗi đợt TXCT, qua tiếp nhận đơn, thư, khiếu nại, tố cáo của công dân, Thường trực HĐND phối hợp với các cơ quan rà soát, xem xét một số vấn đề, nội dung cần thiết để tổ chức khảo sát thực tế, lắng nghe người dân, xem xét mong muốn chính đáng, tính khả thi và đối chiếu với các quy định của pháp luật để có kết luận chính xác. Trên cơ sở đó, đề nghị UBND chỉ đạo giải quyết. Qua đó, đã giải quyết được nhiều vụ việc kéo dài, được cử tri tín nhiệm, đánh giá cao.

Đối với những vấn đề khó hơn, đòi hỏi nhiều nguồn lực, nhiều sự phối hợp và cần thống nhất chủ trương, Thường trực HĐND thông qua Đảng Đoàn HĐND để báo báo cáo đề xuất Ban Thường vụ cho chủ trương, giao UBND huy động nguồn lực và chỉ đạo triển khai cụ thể; đồng thời đôn đốc, giám sát. Từ đó, những vấn đề nổi cộm dần dần được tháo gỡ, giải quyết để trả lời cho cử tri và nhân dân.

Do vậy, để nâng cao dân chủ, thực quyền trong hoạt động của các cơ quan dân cử, cùng với tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo đảm tính minh bạch, đúng pháp luật, đại biểu HĐND, nhất là những người đứng đầu phải tâm huyết, trí tuệ, dân chủ, đặc biệt cần bản lĩnh, công tâm để theo đến cùng những vấn đề đặt ra, vì lợi ích của cử tri và sự phát triển của địa phương.

Yêu cầu trách nhiệm từng đại biểu

- Đại biểu là hạt nhân trong các hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, do phải bảo đảm yếu tố cơ cấu nên trình độ, năng lực không đồng đều… Vì vậy, cần có những giải pháp nào để nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng đại biểu, nhất là các đại biểu kiêm nhiệm, thưa ông?

- Khi phân bổ các tổ đại biểu, các ban HĐND, chúng tôi chú trọng bố trí những đại biểu kiêm nhiệm hoạt động cùng đại biểu chuyên trách và đại biểu đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Để những đại biểu chuyên trách, đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải nêu gương tâm huyết, trách nhiệm cao sẽ thúc đẩy các đại biểu kiêm nhiệm, tạo thành một tập thể tích cực, tâm huyết. Do vậy, các hoạt động của HĐND hiệu quả.

- Lật lại chương trình hành động khi vận động bầu cử, ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện lời hứa của đại biểu trước cử tri và nhân dân?

- Thực tế cho thấy, chương trình hành động của từng đại biểu khi vận động bầu cử gắn vào công việc tại cơ quan, đơn vị, địa phương đang công tác. Còn nếu đại biểu hứa hẹn cụ thể việc này, việc kia thì khi triển khai thực hiện cũng rất khó. 

Để đại biểu tăng cường trách nhiệm hơn với nhiệm vụ dân cử, nhất là việc thực hiện lời hứa khi đi vận động bầu cử, trong các tổ khi TXCT, chúng tôi yêu cầu đại biểu phải thường xuyên nắm bắt, cập nhật thông tin để xử lý những vấn đề cử tri đã đặt ra và luân phiên báo cáo kết quả kỳ họp, kết quả giải quyết các kiến nghị cử tri lần trước tại các kỳ TXCT. Theo đó, các Tổ đại biểu thường xuyên xem xét các vấn đề giải quyết và trả lời, nếu xét thấy các cơ quan chức năng trả lời chưa thỏa đáng thì đề nghị Thường trực HĐND yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm đến buổi tiếp xúc để tham dự, lắng nghe và trả lời, giải đáp ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền.

Trí tuệ, bản lĩnh của “đầu tàu”

- Mặc dù đã có bước tiến rất dài nhưng cũng không thể phủ nhận, hoạt động HĐND nơi này, nơi khác vẫn còn hình thức, có ý kiến cho rằng, do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện. Nhưng cũng có quan điểm thẳng thắn, do HĐND chưa đủ bản lĩnh sử dụng hết các quyền năng pháp luật đã trao cho. Ông nghĩ về vấn đề này như thế nào?

 Vai trò của người đứng đầu là then chốt, nếu thực sự trí tuệ và có bản lĩnh, bởi “đầu tàu” sẽ chịu trách nhiệm thúc đẩy tất cả các hoạt động cũng như đề xuất những vấn đề cần tháo gỡ. Đơn cử, khi nói về việc bảo đảm yêu cầu công khai thì người đứng đầu phải tìm ra cơ chế để thực hiện, nếu không cũng trở thành hình thức. Ngược lại, nếu không đủ bản lĩnh, năng lực, cộng với nhiều nội dung dồn ép thì cứ hình thức thông qua sẽ không bảo đảm được thực quyền.

- Thực tế qua 3 năm hoạt động của nhiệm kỳ này cho thấy, cùng với sự hoàn thiện các quy định của pháp luật, có 2 yếu tố quan trọng để HĐND hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đó là sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng được tăng cường, thường xuyên, cụ thể, sâu sát đối với tổ chức (phải sâu sát, cụ thể ngay từ khâu tổ chức nhân sự chuẩn bị cơ cấu, chất lượng đại biểu, bố trí các đại biểu bảo đảm đại diện thành phần, vùng miền, bảo đảm trình độ, năng lực… trước khi bầu cử) và hoạt động của HĐND; cùng với đó là trách nhiệm, bản lĩnh, năng động, tâm huyết của Thường trực HĐND, hoạt động của HĐND sẽ bảo đảm từng bước đi đến chất lượng, hiệu quả và thực chất, thực quyền. Còn nếu lệch một trong hai yếu tố đó thì hoạt động sẽ khó khăn, từng bước sẽ hình thức.

- Điều này có thể minh chứng từ một nội dung các địa phương kiến nghị rất nhiều thời gian qua, đó là chế tài đối với việc thực hiện những kiến nghị sau giám sát. Trong khi chờ hoàn thiện quy định pháp luật về nội dung này, HĐND cũng có rất nhiều kênh để đôn đốc, thưa ông?

- Đúng vậy! Để bảo đảm những kiến nghị sau giám sát sớm được triển khai, cần kiên trì đôn đốc, theo dõi việc khắc phục của các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan bằng những cách làm linh hoạt, bảo đảm minh bạch, dân chủ và đúng luật. Đối với Ninh Thuận, những kiến nghị sau giám sát, kết luận chất vấn, nhất là lời hứa khắc phục, thực hiện của ngành chức năng được đưa vào văn bản để đôn đốc liên tục. Định kỳ 1- 2 tháng, Thường trực phân công cụ thể trách nhiệm cho các Ban HĐND phải đôn đốc các sở, ngành thuộc lĩnh vực theo dõi, giám sát, nếu chậm trễ, hoặc chưa hiệu quả, chưa đến nơi đến chốn, Thường trực HĐND có văn bản đề nghị UBND chỉ đạo việc giải quyết. Nếu vấn đề khó, vướng, kéo dài thì thông qua Đảng đoàn HĐND đề nghị Thường vụ xem xét, có ý kiến chỉ đạo cho chủ trương để chỉ đạo xử lý, giải quyết. Theo đó, những kiến nghị của HĐND đều được xem xét giải quyết, nhất là những nội dung khó, vướng, kéo dài cử tri bức xúc.

- Quay lại yếu tố cốt lõi, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ khi nâng được tỷ lệ đại biểu chuyên trách thì hoạt động của HĐND mới từng bước hướng tới thực quyền, hiệu quả. Còn với cơ cấu đại biểu phần lớn vẫn là kiêm nhiệm như hiện nay thì trong chừng mực nào đó cũng rất khó?

- Tôi nghĩ rằng phải bảo đảm 3 thành phần đại biểu với tỷ lệ phù hợp. Đó là, đại biểu chuyên trách (phần lớn trong Thường trực và các Ban), đại biểu giữ các chức vụ lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương và đại biểu kiêm nhiệm các thành phần trí thức, công nhân, nông dân, dân tộc, tôn giáo, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở…

Thực tế ở Ninh Thuận, việc bố trí Thường trực, Trưởng, Phó Trưởng các Ban của HĐND hầu hết hoạt động chuyên trách đã nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các hoạt động của HĐND. Vì vậy, việc nghiên cứu, tăng cường tỷ lệ đại biểu chuyên trách trong những kỳ bầu cử tới là yếu tố đặc biệt quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, tỷ lệ chuyên trách nên mức độ hợp lý (khoảng 25 - 27%), bởi thực tế cũng rất cần đóng góp của những đại biểu không chuyên trách là những người giữ các chức vụ trong cơ quan Đảng, đoàn thể, chính quyền để biết được các hoạt động của bộ máy nhà nước và hoạt động khác của địa phương.

- Xin cảm ơn ông!

PHƯƠNG NHUNG thực hiện