Trò chuyện đầu tuần

Phải bàn từ gốc của vấn đề

- Thứ Hai, 15/07/2019, 08:05 - Chia sẻ
Tại báo cáo giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Ủy ban Pháp luật đã đề xuất thay đổi quy định về chế độ hợp đồng có thời hạn với viên chức tuyển dụng mới trong dự thảo Luật trình QH tại Kỳ họp thứ Bảy. Theo đó, viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn. Ủng hộ đề xuất này, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình NGUYỄN TIẾN SINH cũng cho biết, ông không tán thành phương án trước đây của Chính phủ bởi không nên từ một việc nhỏ lại sửa đổi theo hướng có thể dẫn đến sự thay đổi lớn trong cơ chế sử dụng viên chức.

 Chế độ đối với công chức quy định tại luật hiện hành không phát sinh vướng mắc trong thực thi. Trong quy định hiện hành cũng không có quy định nào khẳng định công chức suốt đời, mà các chế độ từ tuyển dụng đến nghỉ việc đều được quy định. Luật Cán bộ, công chức hiện hành quy định các hình thức kỷ luật như cảnh cáo, cách chức, cho thôi việc... nên không có lý do gì để nghĩ sẽ làm công chức suốt đời. Do vậy, nên cân nhắc tác động của đề xuất thực hiện ký hợp đồng với công chức, để tránh vì khắc phục một việc nhỏ, để rồi lại đặt một vấn đề lớn hơn vốn không có lời giải.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh

Nên giữ hình thức hợp đồng không xác định thời hạn

- Ủy ban Pháp luật đề xuất chọn phương án quy định viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn. Phương án này không phải là ưu tiên lựa chọn khi Chính phủ trình QH cho ý kiến về dự án Luật tại Kỳ họp thứ Bảy. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Tôi tán thành phương án của Ủy ban Pháp luật. Về cơ bản, phương án này phù hợp với thực tế và bảo đảm đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Quy định hiện hành về hợp đồng lao động vô thời hạn hiện không có hạn chế trong thực thi, chỉ do chưa thực hiện tốt việc phân loại đánh giá viên chức nên chưa chỉ ra được cá nhân nào làm việc tốt hay không tốt, hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ để có phương án bồi dưỡng, đào tạo thêm, hoặc nghiêm khắc kỷ luật. Tại Kỳ họp thứ Bảy, Chính phủ đề xuất quy định viên chức tuyển dụng mới sẽ áp dụng chế độ hợp đồng có thời hạn. Phương án này về mặt lý thuyết sẽ tạo áp lực cạnh tranh, nhưng lại gây bất ổn về tâm lý và kéo theo nhiều bất ổn khác trong quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm viên chức. Nhưng đó chỉ là một việc nhỏ mà chúng ta đang nỗ lực khắc phục. Không nên vì thế mà sửa đổi cả cơ chế về sử dụng viên chức.

- Dù đa số công chức, viên chức được đánh giá hoàn thành tốt công việc, nhưng bộ máy hành chính được cho là vẫn vận hành ì ạch, chưa đáp ứng được yêu cầu. Thưa ông, tình trạng này có nguyên nhân ở đâu?

- Tình trạng này có nguyên nhân từ việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, chứ không phải vì thực hiện hình thức hợp đồng nào. Thậm chí, khi thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn, để buộc thôi việc một cá nhân vẫn phải tiến hành đánh giá, xem xét cẩn thận chứ không phải vì hết thời hạn làm việc mà có thể không ký tiếp hợp đồng làm việc nữa. Cơ quan sử dụng công chức, viên chức vẫn phải thông báo do làm việc không tốt nên không ký hợp đồng làm việc tiếp. Khi thực hiện hợp đồng không xác định thời hạn, trong hàng quý, hàng năm vẫn phải đánh giá, xác định những cá nhân vi phạm để đưa ra khỏi hệ thống. Tức là, ngay ở quy định hiện hành cũng phải dựa trên việc thực hiện những cam kết, điều kiện quy định trong hợp đồng để quyết định cá nhân nào vi phạm, buộc phải đưa ra khỏi hệ thống, bộ máy. Đó mới là câu chuyện cần bàn, là gốc của vấn đề.

- Như vậy, dự án Luật trình ra tại Kỳ họp thứ Bảy chưa đi đúng vào nội dung cần được sửa đổi, bổ sung nhất, khi vẫn đưa ra tiêu chí chung chung để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức?

- Đúng vậy, dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức trình QH tại Kỳ họp thứ Bảy mới “chữa” những vướng mắc khó khăn, bất cập về mặt hình thức, chưa đi vào bản chất. Vấn đề căn cốt cần được khắc phục hiện nay là chế độ công vụ, chứ không phải tên hợp đồng làm việc. Nếu tên hợp đồng thay đổi mà có thể khiến các công chức, viên chức làm việc mẫn cán hơn thì quá đơn giản. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào hạn chế trong quá trình tuyển dụng, đào tạo, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức hiện nay. Có lẽ do tâm lý e ngại và cơ chế quản lý nên cán bộ, công chức, viên chức hầu như đều được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ khác nhau, không có câu chuyện không hoàn thành nhiệm vụ ở đây.

Khâu yếu nằm ở công tác đánh giá cán bộ, viên chức

- Vượt qua những trở ngại về tâm lý là không dễ. Vậy theo ông, cần sửa đổi những nội dung nào trong luật hiện hành để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức?

- Khâu yếu trong chế độ công vụ hiện nay là đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Do vậy, quan trọng là phải thực hiện tốt khâu này, chứ không phải thay đổi hình thức hợp đồng. Vậy làm thế nào để đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiệu quả hơn? Để thực hiện yêu cầu này, tại dự án Luật nên quy định rõ cá nhân nào được thực hiện đánh giá, các kênh để thực hiện, tiêu chí đánh giá... Ngoài ra, cần yêu cầu bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan trong công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Tại dự án Luật được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH đã quy định, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức quy định và thực hiện việc đánh giá công chức theo quý, tháng hoặc tuần phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan...

- Hiện nay, các tiêu chí để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức cũng đã được đưa ra khá chi tiết. Vậy tại sao kết quả đánh giá vẫn khiến dư luận hoài nghi, theo ông?

- Tiêu chí chỉ là một phần trong trong công tác tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, bổ nhiệm công chức, viên chức. Hiện nay đã có tiêu chí đánh giá, nhưng quan trọng là thực hiện đánh giá như thế nào. Vì khâu quan trọng này chưa thực hiện hiệu quả nên mới nảy sinh tâm lý nể nang, xử lý nhẹ nhàng, hay nói một cách hoa văn là xử lý nhân văn, không tạo động lực cho công chức, viên chức.

Quay trở lại câu chuyện thực hiện quy định pháp luật về lao động sẽ thấy, với doanh nghiệp tư nhân, họ cũng thực hiện chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, mà vẫn có những cán bộ, người lao động mẫn cán. Kết quả này đạt được do ở khu vực ngoài nhà nước không có sự e dè, nể nang, khi mà tiêu chí duy nhất để đánh giá là hiệu lực, hiệu quả của công việc. Quá trình kiểm tra, thanh tra cũng được thực hiện đến nơi đến chốn và khi xử lý cũng rất nghiêm. Chế độ hợp đồng lao động không thời hạn được thực hiện ở những đơn vị này có vấn đề gì đâu? Trong khi, ở khu vực nhà nước có nhiều hình thức kỷ luật như cảnh cáo, cách chức, giáng chức… song những người không cần thiết cho bộ máy vẫn có cơ hội để trụ lại. Nói cách khác, vấn đề ở đây là tăng cường năng lực, hiệu quả thực thi, chứ không phải vì thiếu quy định điều chỉnh.

- Xin cảm ơn ông!

Thanh Hải thực hiện