Phải chấp nhận đụng đến "thánh địa”?

- Thứ Năm, 09/07/2020, 05:37 - Chia sẻ
Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua năm 2014 và đến năm 2015 có hiệu lực thi hành nhưng thực tế, người dân và cả hệ thống chính trị cũng chưa quan tâm. Nêu nhận xét này, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn cũng chia sẻ rằng, có lẽ, khi thảm họa môi trường biển miền Trung do Nhà máy Formosa gây ra năm 2016 mới thực sự thức tỉnh cả người dân và cơ quan quản lý nhà nước trong cách tiếp cận, đánh giá, nhìn nhận về nhiệm vụ bảo vệ môi trường trước những tác động của các hoạt động kinh tế - xã hội.

Cũng có thể chính bởi sự thức tỉnh ấy nên khi Chính phủ đề nghị Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường với rất nhiều chính sách mới được đưa ra thay vì chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều như dự kiến ban đầu thì không có đại biểu Quốc hội nào phản đối. Và thậm chí, khi một số đề xuất trong dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua đã “đụng” đến Luật Ngân sách nhà nước, các luật về thuế... mà như nhận xét của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà là “thánh địa” thì nhiều đại biểu Quốc hội cũng chia sẻ và bày tỏ sự đồng thuận. Tất nhiên, không phải cứ nói “đụng đến” là có thể “đụng đến” ngay được mà phải có những tính toán cụ thể.

Muốn giải quyết vấn đề môi trường, Nhà nước phải có trách nhiệm đầu tư kinh phí, xác định công nghệ, kỹ thuật, hạ tầng. Nhưng thực tế cũng cho thấy, kinh phí đầu tư cho bảo vệ môi trường là vô cùng lớn. Một dự án đầu tư cho thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long, theo tính toán của các chuyên gia nước ngoài cũng cần tới khoảng 1,7 tỷ USD. Nêu ví dụ này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà tính toán, như vậy, phải xác định kinh phí chi cho đầu tư phát triển khoảng 5% tổng chi ngân sách và đặt ra trong một kế hoạch trung hạn 5 năm. “Vậy mà chúng ta tính toán mãi không ra, nếu tính không ra thì không nên đưa ra kỳ vọng để nhân dân thất vọng”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Hay một vấn đề khác là chi thường xuyên để hỗ trợ người dân thu gom rác thải và hỗ trợ chi phí xử lý rác thải. Nhà nước phải lo việc này. Nhưng chúng ta phải xác định ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ cho địa phương những gì, ngân sách của địa phương phải tự lo gì. Con số này, theo dự đoán của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cũng khoảng 2% tổng chi ngân sách chi cho hoạt động thường xuyên là được. Trong khi đó, hiện nay ngân sách chi cho bảo vệ môi trường chỉ có khoảng 1%. Chưa kể, chi thường xuyên, chi sự nghiệp thì không thể chi cho đầu tư phát triển, không thể chi hỗ trợ cho người dân, mặc dù rất ít nhưng cũng không chi được. Vì thế, "tư lệnh" ngành tài nguyên - môi trường đề nghị, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) phải làm rõ nhiệm vụ chi, đồng thời thể hiện cam kết của Nhà nước về phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế bằng cơ chế, chính sách cụ thể.

Dẫu vậy, những tính toán như thế vẫn là chưa đủ. Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) không chỉ đụng đến “thánh địa” ngân sách nhà nước mà còn có nhiều đề xuất liên quan đến 2 nội dung rất lớn, rất nhạy cảm khác là: thuế và phí. Từ góc nhìn chuyên môn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cảnh báo, cả 3 vấn đề ngân sách, thuế, phí dù dự thảo Luật đã dành rất nhiều giấy mực cũng như quy định rất nhiều nội dung đặc thù nhưng đều có vấn đề. Bởi mỗi một đạo luật lại có chức năng, nhiệm vụ và phạm vi điều chỉnh riêng. Chúng ta không thể đem phạm vi của thuế để quy định riêng như là một thế giới riêng trong luật về bảo vệ môi trường. Tỷ lệ điều tiết ngân sách cũng như phân bổ ngân sách thì hoàn toàn thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Ngân sách nhà nước. Còn chính sách phí, lệ phí thì hiện nay vẫn phải bảo đảm mục tiêu quan trọng là công bằng, không thể phí chồng phí, thuế chồng thuế... 

Đồng ý là có thể phải chấp nhận đụng đến những “thánh địa” như Luật Ngân sách nhà nước, các đạo luật về thuế, phí... Nhưng rõ ràng, việc quy tụ, cố gắng thu hút hết quy định liên quan trong các luật chuyên ngành vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng có những mặt trái mà nếu không bóc tách, không đánh giá thấu đáo và tìm ra những hướng xử lý, điều chỉnh phù hợp hơn, đúng chức năng, nhiệm vụ của từng đạo luật thì có thể sẽ dẫn đến những chồng chéo hết sức phức tạp trong hệ thống pháp luật. Nếu tình huống đó xảy ra thì những kỳ vọng, những mong đợi và quyết tâm bảo vệ môi trường được gửi gắm trong dự thảo Luật cũng khó có thể thực thi được.

Hy vọng rằng, với việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang được các cơ quan của Quốc hội và cơ quan chủ trì soạn thảo tiến hành ngay từ sau Kỳ họp thứ Chín, những vấn đề này sẽ được xử lý hài hòa để vừa tối ưu hóa khung pháp lý về bảo vệ môi trường nhưng đồng thời cũng bảo đảm tính phù hợp, khả thi của các điều luật đó trong thực tiễn. 

Hải Lam