Chọn nhân sự - Lựa nhân tài

Phải có tầm nhìn và kiểm nghiệm thực tiễn

- Thứ Ba, 11/08/2020, 08:21 - Chia sẻ
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Lê Như Tiến, nhân tài là những người xuất sắc, có khả năng dẫn dắt, thay đổi, đem lại hiệu quả cho cả tập thể, thậm chí tác động đến sự phát triển của dân tộc, đất nước. Do đó, để lựa chọn được nhân tài, trong công tác đánh giá cần dựa trên cơ sở nhiệm vụ được giao cũng như kiểm nghiệm thực tế, phân công công việc phù hợp, đúng sở trường, để họ có thể phát huy phẩm chất, tài năng, cống hiến cho tổ chức.

Còn xem nhẹ việc tuyển chọn người tài

- Thưa ông, việc phát hiện và trọng dụng nhân tài là vấn đề không mới dù ở giai đoạn nào, thể chế nào. Ông quan niệm thế nào về nhân tài?

"Đội ngũ nhân tài là lực lượng tinh hoa, đóng vai trò trung tâm trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; dẫn dắt quá trình đổi mới, tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia, hướng tới nền kinh tế tri thức, hiệu quả và bền vững. Vì thế, đòi hỏi tầm nhìn, sự quyết liệt trong chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự tích cực của các bộ, ngành, địa phương trong thu hút, trọng dụng nhân tài, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới". 

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Lê Như Tiến

- Cha ông ta đã từng nói nhân tài chính là những người tài giỏi một cách xuất sắc, những người có thể tác động đến xã hội mạnh mẽ, thậm chí người tài không chỉ làm công việc hiệu quả mà còn làm thay đổi cả suy nghĩ, cách thức của một tập thể, một cộng đồng.

Theo quan điểm cá nhân tôi, nhân tài là những người xuất chúng, đặc biệt để có thể dẫn dắt, thay đổi, đem lại hiệu quả cho cả cộng đồng, tập thể, thậm chí tác động đến sự phát triển của dân tộc, đất nước. Lịch sử dân tộc Việt Nam từng có rất nhiều con người kiệt xuất, tiêu biểu chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta; hay Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nhà chỉ huy quân sự tài năng, được bình chọn là một trong 100 vị tướng xuất sắc mọi thời đại…

Người tài cũng phải có tư duy trên cơ sở nhận thức đúng đắn quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội, có tầm nhìn xa để hoạch định chiến lược, làm định hướng dẫn dắt người khác, nắm chắc đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật để lãnh đạo bộ máy vận hành theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Có khả năng ứng dụng thuần thục các quy trình, quy phạm, quy tắc trong công việc, bảo đảm sự đúng đắn, chính xác, tuyệt đối, mà không để xảy ra sai phạm.

Nói cách khác, người tài phải có bản lĩnh, trí tuệ, “vừa hồng vừa chuyên”, một cán bộ tốt là người “hồng trước chuyên sau”, “hồng thắm thì chuyên mới thâm”, tức phải có cả đức và tài. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh chắc chắn còn nguyên giá trị: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

- “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, đều có những cách khác nhau để thu hút, trọng dụng nhân tài. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này trong điều kiện hiện nay ở nước ta?

- Ở thời nào thì người tài luôn là một trong những nền tảng quan trọng tạo giá trị gia tăng cho xã hội. Không thể phủ nhận những nỗ lực, cố gắng của chúng ta trong việc phát hiện và trọng dụng nhân tài, nhưng thực tế cho thấy đâu đó ở một số nơi, một số cấp vẫn còn xem nhẹ việc tuyển chọn người tài. Dư luận xã hội từng râm ran những kiểu tuyển chọn theo kiểu “5C” (con cháu các cụ cả), “5Ệ” (tiền tệ, hậu duệ, quan hệ, đồ đệ, trí tuệ).

Rõ ràng, khi “trí tuệ” bị đưa xuống cuối cùng thì thật khó để nói rằng chúng ta sẽ chọn được người tài, và khi đó sẽ dẫn đến “5D” (đố điều đi đâu được). Nếu không chấn chỉnh những hiện tượng này, thì việc chúng ta muốn “thay máu”, hay đào thải cán bộ không có năng lực, không có phẩm chất đạo đức là rất khó khăn.

Xây dựng môi trường làm việc thật sự lành mạnh

- Hiện nay, cơ chế và văn bản pháp luật về tuyển chọn nhân tài ngày càng được hoàn thiện, khá đầy đủ, song kết quả dường như vẫn chưa như mong muốn. Theo ông, đâu là nguyên nhân sâu xa của thực tế này?

- Hiện nay, đúng là cơ chế phát hiện, bồi dưỡng và tuyển dụng nhân tài không phải là thiếu. Trong các cơ quan của Đảng đã ban hành rất nhiều quy định, hướng dẫn rất đầy đủ, thậm chí cả những quy định, chế tài để ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền... Về phía Nhà nước, chúng ta đã có Luật Cán bộ, công chức và nhiều luật khác liên quan đến tổ chức, bộ máy, trong đó nêu rất rõ về tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất của cán bộ…

Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong các văn bản đó mới đề cập nhiều đến tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, năng lực, khả năng đảm trách nhiệm vụ…, nói cách khác, còn mang tính định tính, chưa thực sự định lượng, nên thực tế rất khó để chọn trúng người có năng lực vào vị trí xứng đáng. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ để thu hút người tài cũng chưa thực sự hấp dẫn. Chúng ta hay nói đến hiện tượng “chảy máu” chất xám từ khu vực công sang khu vực tư…

- Như ông nói, nhân tài là những người xuất chúng, đặc biệt, có khả năng dẫn dắt, thay đổi, đem lại hiệu quả cho cả tập thể, thậm chí tác động đến sự phát triển của dân tộc, đất nước. Vậy theo ông, đâu là giải pháp căn cơ để có thể tuyển chọn được nhân tài, phục vụ cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, hội nhập quốc tế, nhất là trong bối cảnh Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng?

- Trước thềm Đại hội XIII của Đảng và cả nước đang tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, công tác chuẩn bị nhân sự và chọn người tài là hết sức hệ trọng, đòi hỏi phải thật sự công tâm, khách quan, chặt chẽ, kỹ lưỡng, đúng quy trình, quy định.

Trong đánh giá và lựa chọn, tôi cho rằng, trước hết cần căn cứ trên cơ sở cán bộ được quy hoạch, lựa chọn, giới thiệu có hoàn thành các nhiệm vụ được giao hay không? Chúng ta cần đánh giá bằng thực tiễn công việc trong một quá trình công tác xuyên suốt của nhân sự, cán bộ đó, chứ không nên dừng ở cái nhìn chung chung. Quan tâm đến việc bố trí, phân công công tác phù hợp với sở trường, khả năng để phát huy được tài năng, phẩm chất của từng cán bộ, công chức. Ví dụ đối với đại biểu Quốc hội hay đại biểu dân cử, thì phẩm chất cần có là phải biết lắng nghe dân, đem tiếng nói của cử tri và nhân dân đến với Quốc hội, HĐND và phải có năng lực để thực hiện chức năng cơ bản của Quốc hội là lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Hay, đối với các thành viên Chính phủ thì cần có năng lực chỉ đạo điều hành, nhạy bén, hành động quyết liệt…

Quan trọng hơn, theo tôi, dù ở cơ quan, đơn vị nào, thì đều phải tạo điều kiện, xây dựng cho được một môi trường làm việc thật sự trong sạch, lành mạnh, để những người có tài năng yên tâm công tác, có cơ hội được cống hiến, phát triển. Bởi lẽ, có thể khi được chọn, nhân tài là người tốt, nhưng sau này trong quá trình công tác, làm việc, bản thân cá nhân đó không tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên, lại bị cám dỗ, hoặc bị chức quyền làm cho tha hóa, thì họ sẽ không giữ được phẩm chất như ban đầu. Nói cách khác, ở đây cần có sự giám sát, kiểm tra thường xuyên.

- Xin cảm ơn ông!

Trung Thành thực hiện