Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Phải có thêm biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp

- Thứ Tư, 24/06/2020, 07:50 - Chia sẻ
Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín có ý nghĩa thiết thực giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Dù vậy, thời điểm hiện nay, doanh nghiệp vẫn cần hỗ trợ thêm nữa. Từ góc nhìn này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế ĐỖ VĂN SINH mong muốn, Chính phủ phải có thêm các biện pháp với những lựa chọn dứt khoát để hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế.

 Doanh nghiệp cần hỗ trợ nhiều hơn

- Ông đánh giá như thế nào đối với Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác được thông qua tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua?

- Tại Nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết thông qua, tiêu chí doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đã được mở rộng đối với đơn vị có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng, thay vì mức 50 tỷ đồng và quy mô lao động dưới 100 người như dự thảo trước đây. Việc mở rộng phạm vi áp dụng của Nghị quyết như vậy có thể nói đã đến gần hơn với doanh nghiệp đang khó khăn thực sự như doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, có khả năng tiếp cận vốn hạn chế, doanh thu thấp, thị trường hẹp, ít lao động nhưng lại chiếm tỷ lệ lớn trong thị trường lao động và nền tảng quản lý, công nghệ chưa phát triển, khả năng phục hồi sau dịch khó khăn hơn.

Mặt khác, nếu áp dụng cả 4 tiêu chí về lao động, doanh thu, vốn và có sự phân biệt theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động như quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa làm cơ sở xác định đối tượng được giảm thuế sẽ khó để triển khai hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp ngay trong năm 2020. Trong khi đó, nếu lấy tiêu chí doanh thu sẽ phản ánh thực chất kết quả hoạt động kinh doanh, đúng bản chất kinh tế, thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc kê khai thuế và công tác quản lý của cơ quan thuế.

Gói hỗ trợ lên đến hơn 200 nghìn tỷ đồng là số tiền rất lớn trong bối cảnh thu ngân sách ngày càng khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp, cũng như người dân gặp khó khăn có điều kiện tốt hơn để có cơ hội vượt qua dịch bệnh trong thời gian tới. Nhưng qua tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp, tôi nhận thấy, họ cần được trợ giúp thêm nữa. Doanh nghiệp hiện vay tiền từ các ngân hàng không dễ, các điều kiện bảo đảm cho vay rất chặt chẽ. Chỉ các doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện khắt khe của hệ thống ngân hàng thì mới có thể tiếp cận vốn. Trong điều kiện khó khăn đặc biệt này, để vay được tiền không phải dễ.

- Khi việc yêu cầu ngân hàng giảm điều kiện cho vay là bất khả thi thì có thể sử dụng công cụ nào để cấp vốn cho doanh nghiệp, thưa ông?

- Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, phục hồi sản xuất, kinh doanh có thể sử dụng Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Bảo lãnh tín dụng, thông qua việc giảm điều kiện vay vốn, giảm lãi suất vay, cũng như tăng nguồn lực của các quỹ. Mức vốn điều lệ của Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chỉ khoảng 1.800 tỷ đồng so với 760 nghìn doanh nghiệp sẽ không đáng bao nhiêu. Hay như, để đồng hành với ngân hàng khi nới điều kiện vay vốn sẽ cần sử dụng Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Nguồn lực của quỹ này còn hạn chế không thể bảo lãnh cho nhiều trường hợp vay vốn. Trong khi dó, ngân hàng không thể giảm điều kiện cho vay, vì dễ đối mặt với rủi ro, nguy cơ tạo ra nợ xấu rất cao. Do vậy, trong bối cảnh hiện nay, để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn thì ngân sách phải "bơm" ra. Tất nhiên, "bơm" ngân sách ra không phải theo cách thức cho không, cần phải thông qua hoạt động của hai quỹ tài chính này.  

Một điều kiện nữa là các bộ ngành, cơ quan chức năng phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Doanh nghiệp đang phải gánh bao nhiêu hồ sơ, thủ tục ở trên vai. Điều này có thể thấy qua chính sách tái cấp vốn qua ngân hàng chính sách 16 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp vay trả lương cho công nhân đến nay vẫn chưa giải ngân thành công. Tình trạng này xảy ra do điều kiện đưa ra để tiếp cận nguồn vốn này chặt chẽ nên nhiều doanh nghiệp rất khó đáp ứng.

Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ bị bó về cơ chế

- Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như Quỹ Bảo lãnh tín dụng đều đang hoạt động nhưng hiệu quả cũng còn chừng mực. Theo ông, cần khắc phục hạn chế nào để bảo đảm hiệu quả của hai Quỹ này?

- Hiện nay, Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tuy đã được cấp vốn điều lệ nhưng cơ chế hoạt động đang bị bó. Việc cho vay từ Quỹ này gần như được ủy thác qua ngân hàng thực hiện. Rót vốn qua ngân hàng nên có điều kiện vay vốn khá chặt chẽ. Trong bối cảnh đặc biệt hiện nay, doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện vay vốn này không dễ dàng. Ngoài ra, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cũng có cơ chế hoạt động giống như các ngân hàng nên chưa hỗ trợ bảo lãnh vay vốn được nhiều trường hợp.   

- Việc cấp vốn bổ sung cho các quỹ tài chính ngoài ngân sách này sẽ gây áp lực lên cân đối thu - chi ngân sách nhà nước. Các cơ quan chức năng cần chú ý những yếu tố nào khi triển khai biện pháp này, thưa ông?

- Trong bối cảnh thu ngân sách giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, phải thắt chặt chi tiêu, để tránh đẩy mức bội chi, nợ công lên cao. Nhưng tôi nhận thấy, nhu cầu chi cho đầu tư phát triển là cần thiết nên dù thu ngân sách dự kiến giảm sẽ vẫn cần tăng chi cho nhu cầu này. Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay, chúng ta phải đưa ra lựa chọn dứt khoát, nếu muốn khôi phục nền kinh tế chắc chắn phải bơm vốn ra cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chấp nhận tăng bội chi, nợ công trong trước mắt.

Song, có thể thấy, gói hỗ trợ về thuế chủ yếu tập trung vào biện pháp gia hạn, giãn, hoãn các khoản thu nộp ngân sách nhà nước (180 nghìn tỷ đồng) nên trong điều hành ngân sách đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, trước mắt gói hỗ trợ không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước năm 2020. Tất nhiên, bên cạnh tăng chi cho các mục tiêu cần thiết và cấp bách, tôi cũng đồng tình với những giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra để cân đối nguồn lực, bảo đảm chi ngân sách trong bối cảnh dự báo thu ngân sách nhà nước có thể giảm lớn.   

- Xin cảm ơn ông!

Lê Bình