Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, dự kiến Chương trình năm 2021:

Phải đặc biệt coi trọng chất lượng

- Thứ Sáu, 22/05/2020, 13:18 - Chia sẻ
Phải đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh trong phiên họp sáng nay của Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 (dự kiến Chương trình).

Không chạy theo số lượng

Trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị việc lập Chương trình năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020 cần bảo đảm các nguyên tắc sau: Ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án để triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp; bảo đảm phù hợp, thống nhất với các điều ước quốc tế mới được Quốc hội phê chuẩn, các luật mới được Quốc hội ban hành; đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội và khả năng của các cơ quan có liên quan, đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng; trong một kỳ họp không giao quá nhiều dự án, dự thảo cho một cơ quan (cả cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo). Không đưa vào Chương trình những dự án, dự thảo mà hồ sơ không đầy đủ, không đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020

Đối với việc điều chỉnh Chương trình năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ: không được làm ảnh hưởng, thay đổi cơ bản Chương trình đã được Quốc hội quyết định; không bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cấp thiết. Đối với Chương trình năm 2021, do đặc thù là năm chuyển giao nhiệm kỳ, do đó hạn chế số lượng dự án đưa vào Chương trình, đồng thời bố trí hợp lý số lượng dự án trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV và Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV để tập trung cho công tác tổng kết cuối nhiệm kỳ và bầu, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước đầu nhiệm kỳ.

Khẩn trương xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai

Trên cơ sở các nguyên tắc nêu trên và đề nghị của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, ý kiến của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban có liên quan, đồng thời qua xem xét, cho ý kiến về nội dung các dự án trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định: đưa ra khỏi Chương trình Kỳ họp thứ Chín 2 dự án. Một là, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất nội dung sửa đổi trong Luật Đất đai, khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị và khẩn trương xây dựng dự án Luật bảo đảm chất lượng; nếu kịp thì báo cáo UBTVQH cho bổ sung vào Chương trình năm 2021 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV. Đồng thời, đề nghị không bổ sung dự thảo Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai vào Chương trình năm 2020. Hai là, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để Chính phủ có thêm thời gian nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động và lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng có liên quan và trình đồng thời với dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) nhằm bảo đảm thống nhất và chất lượng. Sau khi Chính phủ hoàn thiện dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về nội dung để báo cáo Quốc hội đưa vào Chương trình.


Toàn cảnh Kỳ họp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí thay đổi phạm vi sửa đổi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); lùi thời gian trình Quốc hội dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); bổ sung dự án Luật Cư trú (sửa đổi) vào chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín và 4 dự án Nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ Chín theo quy trình tại một kỳ họp gồm: dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).

Bổ sung vào Chương trình Kỳ họp thứ Mười để cho ý kiến đối với 3 dự án Luật gồm: dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; bổ sung và trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Liên Hợp Quốc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình sau khi được Quốc hội thông qua phải đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án, dự thảo không bảo đảm đầy đủ hồ sơ, tài liệu, không bảo đảm chất lượng và tiến độ; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc không chuẩn bị kịp hoặc không bảo đảm chất lượng phải lùi, rút dự án, dự thảo ra khỏi Chương trình để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời có giải pháp kiên quyết xử lý để tiến tới chấm dứt tình trạng này.


Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) phát biểu

Thảo luận trực tuyến về dự kiến Chương trình, một số đại biểu Quốc hội nhất trí với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc rút khỏi chương trình Kỳ họp thứ Chín dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, không nên rút dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào phút cuối. Bởi thực tế ứng phó với đại dịch Covid -19 vừa qua, quan điểm, nhận thức của người dân về khám, chữa bệnh đã có nhiều thay đổi nên luật pháp cũng cần điều chỉnh kịp thời để đáp ứng được sự thay đổi này. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, vừa qua, khi triển khai một số biện pháp mới để khám bệnh, chữa bệnh đã gặp nhiều vướng mắc về pháp lý nên cần sớm sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Tin: Hồ Long
Ảnh: Quang Khánh