Tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp

Phải dựa vào đổi mới công nghệ

- Thứ Năm, 22/08/2019, 07:26 - Chia sẻ
Lĩnh vực công nghiệp hiện tiêu thụ hơn 47% tổng năng lượng quốc gia. Theo đánh giá, tiềm năng kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực này từ 20 - 30%, thậm chí có những khu vực lên tới 40%. Sử dụng bền vững và hiệu quả năng lượng là điều cần được quan tâm đặc biệt, TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh tại diễn đàn “Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp phát triển bền vững” diễn ra sáng 21.8,

Công nghiệp tiêu thụ 47% tổng năng lượng quốc gia

Tháng 3.2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Chương trình đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 - 2025 và từ 8 - 10% trong giai đoạn 2019 - 2030.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, hiện nay các nguồn năng lượng sơ cấp không đáp ứng được nhu cầu năng lượng của nền kinh tế. Việt Nam đã phải nhập khẩu than cho phát điện và sẽ nhập khẩu khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) từ năm 2023.

Cụ thể, với kịch bản tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm thì nhu cầu năng lượng cho năm 2020 phải đạt 235 tỷ kWh điện; đến năm 2025 cần 352 tỷ kWh và đến 2035 cần 506 tỷ kWh điện. Mặc dù tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện trong thời gian tới sẽ giảm nhiều so với trước đây, khoảng 8,5% trong giai đoạn 2021 - 2025 và 7,5% trong giai đoạn 2026 - 2030 (giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng trung bình 11%) nhưng nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống vẫn rất cao. Trong khi đó, sản lượng điện của nước ta hiện có khoảng 54.000MW, gồm cả các loại năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) mới đưa vào hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu điện của năm 2020 cần khoảng 60.000MW công suất nguồn, đến năm 2030 cần 130.000MW công suất nguồn điện. Đây là thách thức rất lớn đặt ra cho ngành năng lượng trong bối cảnh nhiều dự án đang chậm tiến độ, việc thu xếp nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư mới về nguồn và lưới điện không dễ dàng, các nguồn than, khí nhập khẩu phụ thuộc từ bên ngoài… Vì vậy, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ góp phần quan trọng bảo đảm cung ứng điện.

Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) Trịnh Quốc Vũ cho biết, tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia. Giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam tiết kiệm được 5 - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng, tương đương 11 - 17 triệu tấn dầu quy đổi. Trong đó, cường độ tiêu thụ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp giảm dần như ngành thép giảm 8,09%, xi măng giảm 6,33%, dệt sợi giảm 7,32%. Trong khi đó, theo đánh giá, tiềm năng kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam từ 20 - 30%, thậm chí có những khu vực lên tới 40%.

Sử dụng bền vững và hiệu quả năng lượng là điều cần được quan tâm đặc biệt, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Tăng cường đổi mới công nghệ

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, nhiều nhà đầu tư dịch chuyển sang Việt Nam do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể kéo theo tăng mạnh đầu tư với công nghệ cũ gây tốn năng lượng. Cùng với đô thị hóa, biến đổi khí hậu cũng tạo áp lực lên việc cung ứng điện. Vì vậy, cần có cách tiếp cận mới về sử dụng năng lượng, theo đó, phải điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng (điện) cả từ phía cầu sử dụng, bằng giá bán và tiết kiệm điện.

Hiện nay, khoảng 30% sản lượng điện dành cho chiếu sáng (dân dụng, công cộng…),  chỉ cần tiết kiệm một nửa số điện hiện dùng bằng công nghệ đèn led... sẽ tiết kiệm tương đương việc phải xây dựng một nhà máy điện hạt nhân công suất khoảng 4.000MW. Với 10 triệu chiếc điều hòa trên cả nước, nếu có công nghệ mới giúp tiết kiệm khoảng 10% lượng điện thì gộp lại cũng là con số tương đối lớn. TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng đã đến lúc phải nhìn nhận lại việc sử dụng năng lượng để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Ngoài việc hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm, thì các giải pháp về công nghệ mới cũng cần được áp dụng để nâng cao hiệu suất tiết kiệm năng lượng, đẩy lùi các công nghệ cũ.

Cùng quan điểm trên, theo Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam Đỗ Hữu Hào, bản chất của tiết kiệm năng lượng là đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất. Đổi mới, nâng cấp, cải tiến sắp xếp lại dây chuyền sản xuất là ba yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả về năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và tiết kiệm được năng lượng. Do đó, cần đưa ra các hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng: Thay đổi dây chuyền, công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền, công nghệ tiên tiến hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng; xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với các thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng, hiệu suất thấp.

Bài và ảnh: An Thiện