Phải nhanh hơn

- Thứ Năm, 01/10/2020, 08:20 - Chia sẻ
Theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội, trong giai đoạn 2016 - 2020, nguồn thu từ cổ phần hóa nộp về ngân sách nhà nước để phục vụ đầu tư trung và dài hạn là 250 nghìn tỷ đồng. Đến hết tháng 6.2020, đã có 211,5 nghìn tỷ đồng được chuyển từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước. Như vậy, số tiền phải nộp vào ngân sách nhà nước trong năm 2020 chỉ còn lại 38,5 nghìn tỷ đồng. Mục tiêu tưởng chừng hoàn toàn khả thi nhưng đến thời điểm này đã trở nên rất khó khăn.

Nói hoàn toàn khả thi là bởi theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu thực hiện thành công việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco và Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP trong quý III năm 2020 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong năm nay có thể lên tới 42.200 tỷ đồng.

Con số này thậm chí còn có thể tăng thêm khoảng 3 nghìn tỷ đồng nữa nếu các bộ, ngành, Trung ương và địa phương quyết liệt chỉ đạo triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng lộ trình. Tiếc là, mọi việc đã không diễn ra như dự kiến. Đại dịch Covid-19 ập đến khiến mọi hoạt động của nền kinh tế đều bị ngưng trệ. Cổ phần hóa doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước vốn đã rất chậm chạp trong vài năm trở lại đây lại càng trở nên chậm chạp hơn, hầu như vẫn giậm chân tại chỗ trong cả 8 tháng. Nghị định 126 và Nghị định 32 chưa được sửa đổi, bổ sung dù quý III đã kết thúc nên những khó khăn, vướng mắc trong hai nghị định này cũng chưa được tháo gỡ.  

Không chỉ chậm chạp về tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng có nhiều vấn đề đặt ra. Từ giữa năm 2018, Quốc hội đã có Nghị quyết số 60/2018/QH14 về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ sau đó đã ban hành Nghị quyết số 73 về chương trình hành động thực hiện 13 nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết 60. Đến nay, một số nhiệm vụ đã được hoàn thành đúng thời hạn Quốc hội giao.

Tuy vậy, việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng về hoàn thiện thể chế quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn rất chậm. Chính phủ hiện vẫn chưa ban hành được Nghị định về vấn đề này dù tính từ thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội “chốt” phương án ban hành Nghị định của Chính phủ thay vì ban hành Nghị quyết của Quốc hội như đề xuất của Chính phủ đến nay cũng đã tròn 1 năm (Thông báo kết luận Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tháng 9.2019). Việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật có liên quan nhằm bảo đảm việc thực hiện đúng, đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 cũng chưa được thực hiện.

Chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2020. Hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn thu từ hoạt động này phải được tiến hành nhanh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, không phải chỉ cho năm nay mà phải tính cho cả giai đoạn sắp tới.

Mới đây, dự thảo Nghị định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, các nội dung được sửa đổi, bổ sung cơ bản bảo đảm tổng thể, toàn diện, tạo cơ sở pháp lý để xử lý, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách tài chính doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xem xét, ban hành nghị định này.

Đồng thời, phải tiếp tục rà soát, khẩn trương tổng kết, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các nội dung còn vướng mắc của các văn bản luật có liên quan theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết 60 của Quốc hội. Ban hành nghị định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; có biện pháp, chế tài mạnh để buộc các cơ quan, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm việc nộp tiền về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định, khắc phục tình trạng vừa qua nhiều khoản nợ đọng kéo dài do chế tài xử lý chậm nộp mới chỉ được quy định ở cấp quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hiệu lực pháp lý chưa cao nên việc cưỡng chế thu hồi tiền chưa thực hiện được.

Hải Lam