Nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra báo cáo, đề án

Phải tham vấn ý kiến đối tượng chịu tác động

- Thứ Năm, 14/11/2019, 08:17 - Chia sẻ
Quá trình thẩm tra, các Ban HĐND tỉnh Lào Cai luôn đề cao tính dân chủ, công khai, qua nhiều kênh thông tin với nhiều ph­ương pháp linh hoạt tiếp thu, thăm dò ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Đặc biệt, trong những trường hợp nội dung báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết liên quan đến quyền lợi của nhiều ngư­ời hoặc một nhóm người, một nhóm đối tư­ợng nào đó, việc lấy ý kiến tham vấn, góp ý của nhân dân và các đối tượng chịu tác động là một yêu cầu bắt buộc.

Yêu cầu bắt buộc

Hoạt động thẩm tra báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp HĐND là một trong những nhiệm vụ quan trọng, chủ yếu của các Ban HĐND. Nhằm chuẩn bị cho việc thẩm tra đạt hiệu quả, các Ban của HĐND đã chủ động khảo sát thực tế tại cơ sở để nắm tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân để khi thẩm tra những nội dung trình tại kỳ họp có những đánh giá chính xác, khách quan, phản ánh đúng thực trạng tình hình, những vấn đề trọng tâm cần được tập trung giải quyết. Làm việc trực tiếp với các cơ quan chủ trì xây dựng báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến nội dung thẩm tra; làm việc với các cơ quan liên quan để thu thập tài liệu, hồ sơ và chuyển các tài liệu cần thiết cho thành viên các Ban nghiên cứu trước khi tiến hành hội nghị thẩm tra.


Ban Pháp chế HĐND tỉnh Lào Cai họp thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết

Quá trình thẩm tra, các Ban HĐND tỉnh luôn đề cao tính dân chủ, công khai, qua nhiều kênh thông tin với nhiều ph­ương pháp linh hoạt tiếp thu, thăm dò ý kiến, kiến nghị của nhân dân đóng góp vào nội dung của các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết. Đặc biệt, trong những trư­ờng hợp nội dung của báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết liên quan đến quyền lợi của nhiều ngư­ời hoặc một nhóm người, một nhóm đối tư­ợng nào đó, việc đưa nội dung để lấy ý kiến tham vấn, góp ý của nhân dân và các đối tượng chịu tác động là một yêu cầu bắt buộc. Tại cuộc họp thẩm tra, chủ yếu dành thời gian cho các đại biểu nêu vấn đề, chất vấn, trao đổi; cơ quan chủ trì trình dự thảo chủ yếu giải trình, báo cáo làm rõ các nội dung, những vấn đề còn ý kiến khác nhau và ý kiến thẩm tra chuyên sâu của thành viên Ban được phân công thẩm tra trước cuộc họp...

Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh luôn bảo đảm đúng thời gian quy định, thực hiện nghiêm túc trình tự các bước của công tác thẩm tra; đi sâu phân tích những vấn đề trọng tâm để HĐND tập trung thảo luận, cân nhắc, chú trọng làm rõ những khả năng và điều kiện để triển khai thực hiện nghị quyết trong thực tiễn. Do vậy, chất lượng thẩm tra ngày càng được nâng cao. Tại mỗi kỳ họp, báo cáo thẩm tra của các Ban đã được đại biểu HĐND đồng tình, đánh giá cao; đặc biệt, các nhận định, đánh giá và những kiến nghị các Ban nêu trong các báo cáo thẩm tra được UBND tỉnh, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp, chất lượng các nghị quyết được thông qua.

Bảo đảm chất lượng và tính phản biện cao

Thực tế, hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh cũng gặp một số khó khăn, như: Việc gửi tài liệu, hồ sơ một số báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết của UBND tỉnh chưa đầy đủ và còn chậm; thành viên các Ban HĐND hoạt động kiêm nhiệm nên thời gian nghiên cứu, tham gia ý kiến thẩm tra chưa nhiều; một số nội dung thẩm tra tính phản biện còn chưa cao, một số kiến nghị còn chung chung, chưa cụ thể... Vì vậy, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động này trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh cần có kiến nghị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy để lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh được tham dự Hội nghị của Ban Thường vụ khi thảo luận, thông qua các nội dung trình tại kỳ họp HĐND. Qua đó, kịp thời nắm bắt thông tin, thống nhất quan điểm chỉ đạo, góp phần định hướng trong các hoạt động thẩm tra về những nội dung liên quan, giúp các Ban tiếp cận được thông tin sớm, chủ động thời gian xây dựng kế hoạch và tiến hành thẩm tra.

Các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết cần được gửi sớm, đầy đủ cho các thành viên Ban, các chuyên gia (nếu có) nghiên cứu và chuẩn bị ý kiến thẩm tra trước. Cần quan tâm khảo sát tình hình thực tế của địa phương về những nội dung liên quan đến báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết; đây là khâu quan trọng giúp cho việc thẩm tra được toàn diện, đa chiều. Vì vậy, các Ban HĐND nên sắp xếp thời gian để tổ chức khảo sát phục vụ cho hoạt động thẩm tra. Khi thẩm tra đối với các lĩnh vực chuyên môn sâu, nên mời các chuyên gia tham gia và có ý kiến phản biện. Bên cạnh đó, nên có sự phân công từng thành viên nghiên cứu sâu các nội dung theo lĩnh vực phụ trách và xây dựng dự thảo báo cáo thẩm tra trước để tại cuộc họp thẩm tra, các thành viên khác của Ban nêu bổ sung vấn đề cần trao đổi, làm rõ và chủ yếu dành thời gian cho cơ quan trình dự thảo giải trình, báo cáo làm rõ các nội dung theo yêu cầu của các thành viên dự họp.

Báo cáo thẩm tra phải bảo đảm chất lượng, tính phản biện cao; thể hiện rõ ý kiến của Ban về sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với tình hình thực tế của địa phương; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật, sự phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; những vấn đề còn chưa đồng tình, chưa nhất trí hay còn nhiều ý kiến khác nhau và xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Đối với các đề án, dự thảo nghị quyết nội dung chuẩn bị chưa bảo đảm yêu cầu, chưa phù hợp với tình hình của địa phương, các Ban phải có ý kiến phản biện kiên quyết, kiến nghị với HĐND tỉnh không thông qua để bảo đảm chất lượng và tính khả thi.

THÁI HÒA