Phải thấy được hiệu quả đầu tư

- Thứ Hai, 07/10/2019, 08:11 - Chia sẻ
Việc thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho khoa học và công nghệ năm 2019 đã đạt nhiều kết quả tích cực, khi lần đầu tiên giao dự toán đạt 99%; chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu của nước ta tăng 3 bậc… Nhưng nhiều ý kiến trong Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, những kết quả đạt được mới chỉ mang tính đơn lẻ, còn nhiều hạn chế, tồn tại cần khắc phục, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách.

Quan tâm đầu tư cho khoa học và công nghệ

Tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương trong năm 2019 đều dành cho khoa học, công nghệ. Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ giao dự toán, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện 99,76% dự toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ. Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Thị Quốc Khánh ấn tượng với con số này, vì đây là lần đầu tiên giao dự toán ngân sách cho khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ 99%. Không chỉ có sự quan tâm dành kinh phí cho khoa học và công nghệ ở Trung ương, theo số liệu của Bộ Tài chính, HĐND các tỉnh, thành phố đã thông qua dự toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ tăng 28% so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu tại phiên họp
Ảnh: P. Thủy

Đặc biệt, triển khai các chính sách phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng là một nhiệm vụ được các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai. Bên cạnh việc tổ chức các  ngày hội khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia để vận động, tạo dựng phong trào thực hiện sâu rộng trong xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng đề án phát triển trung tâm khởi nghiệp quốc gia, mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Các hoạt động được triển khai trong thời gian qua đã thúc đẩy cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp, qua đó giúp chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu của nước ta tăng 3 bậc trong năm 2019. Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore và Malaysia.

Thực tế, sự quan tâm đầu tư cho khoa học và công nghệ, thực hiện đổi mới, sáng tạo trong năm 2019 không chỉ đến từ Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, tỷ lệ đầu tư cho đổi mới, sáng tạo hiện đã đạt tỷ lệ 50 - 50, tức là đầu tư của doanh nghiệp, tổ chức đã tương đương với đầu tư của Nhà nước. Trong khi đó, thời gian trước, tỷ lệ này tương ứng từ 70 - 30, 80 - 20, doanh nghiệp, tổ chức đầu tư thấp hơn nhiều so với Nhà nước.

Nhiều vấn đề cần chú ý

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho khoa học và công nghệ năm 2019, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, Chính phủ cần có những nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy mô lớn phục vụ quốc phòng, an ninh, có tác động mạnh đến năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm quốc gia trình QH xem xét, quyết định nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc loại dự án, công trình quan trọng quốc gia do QH quyết định chủ trương đầu tư. Ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện dứt điểm các nhiệm vụ thuộc Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia kết thúc trong giai đoạn 2016 - 2020; các nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030… Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong thực hiện nhiệm vụ, ngân sách đầu tư cho khoa học và công nghệ cũng còn nhiều vấn đề nổi lên. Báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ, từ khi có Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Bộ Khoa học và Công nghệ về cơ bản nắm được số dự toán chi sự nghiệp và dự toán chi đầu tư phát triển cho khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, khi Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành thì cả hai Bộ Khoa học và Công nghệ (thực hiện quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê) hoàn toàn không nắm được dự toán chi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ của địa phương, bởi vì nguồn vốn này đã được phân cấp mạnh.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy cũng phân tích, trong báo cáo chưa nêu về cơ chế đặt hàng đã được nhiều nhà khoa học phản ánh, nhưng vẫn khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính khi thực thi. Tiến độ chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm vẫn còn chậm. Ngoài ra, Ủy viên Thường trực Nguyễn Thị Lệ Thủy cũng lưu ý, việc giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực khoa học công nghệ mới chỉ đạt 35% so với yêu cầu, do đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.

Một vấn đề khác được ĐBQH Nghiêm Vũ Khải (TP Hải Phòng) chỉ ra là “cây gậy” pháp lý cho khoa học và công nghệ chưa được sử dụng hiệu quả. Thực tế, Điều 46, Luật Khoa học và Công nghệ đã quy định tất cả chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư đều phải lập mục chi cho khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa được thực thi trong thời gian qua. Luật Khoa học và Công nghệ cũng quy định các dự án quan trọng được sử dụng vốn ODA, nên ông Nghiêm Vũ Khải đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ làm rõ ngành đã chủ động trình Chính phủ phân bổ vốn cho lĩnh vực này hay chưa?

Cùng với đầu tư trực tiếp bằng ngân sách cho khoa học và công nghệ, nhiều đại biểu cũng quan tâm đến những biện pháp đầu tư gián tiếp từ ngân sách, thể hiện qua các chính sách về miễn, giảm thuế cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực này. Nhưng từ thực tế đầu tư vào doanh nghiệp khoa học và công nghệ, ĐBQH Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre) chỉ ra thực tế, chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp dường như mới chỉ nằm trên giấy. Quy định pháp luật cho phép doanh nghiệp được để lại một phần doanh thu để đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ. Nhưng các doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế đầy đủ, không được trừ ngay khoản kinh phí này, thậm chí sau nhiều năm, nhiều lần gửi đề nghị mới được chuyển lại một số vốn nhất định. Số vốn này khó đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, nên theo ĐBQH Nguyễn Việt Thắng, là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp không còn tiến hành nhiệm vụ này. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cũng thừa nhận, nhiều chính sách miễn, giảm thuế để khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã được ban hành, song trong mỗi chính sách lại có một số “nút thắt”, nên chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.

Có thể thấy, đầu tư khoa học, công nghệ đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Ngân sách nhà nước cùng với huy động các nguồn lực xã hội dù có nhiều tiến triển nhưng cũng mới chỉ đáp ứng được một phần nhất định. Điều này ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ trong năm 2019. Nhưng các thành viên của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, mỗi đồng vốn đầu tư từ ngân sách đều cần được sử dụng hiệu quả. Do vậy, các cơ quan chức năng phải rà soát, chấn chỉnh kịp thời việc triển khai các chính sách, quy định pháp luật, cũng như chương trình, dự án cụ thể.

Thanh Hải