Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia:

Phải tính đến yếu tố khả thi

- Thứ Năm, 23/05/2019, 12:54 - Chia sẻ
Các quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tiếp tục gây tranh luận tại Phiên họp của QH.sáng nay, 23.5.

Mạnh mẽ nhưng chưa khả thi

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm bán rượu từ 15 độ trở lên từ sau 22 giờ đến 8 giờ sáng ngày hôm sau; cấm bán rượu, bia trong một số ngày lễ. UBTVQH nhận thấy, đây là những giải pháp hết sức mạnh mẽ và sẽ rất hiệu quả trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, quy định này dự báo sẽ chưa có tính khả thi cao nên UBTVQH xin được giữ như dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của ĐBQH về việc cân nhắc quy định cấm bán rượu, bia trên internet vì không khả thi, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển thương mại điện tử, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật đã bỏ quy định này tại Điều 5 và quy định về điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử tại Điều 16 của dự thảo Luật.

ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phát biểu  Ảnh: Lâm Hiển 

Tuy nhiên, việc bỏ quy định về cấm bán rượu, bia trên internet đã khiến nhiều ĐBQH băn khoăn. Theo ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), các chế định được xem là xương sống như: cấm quảng cáo rượu bia, cấm bán rượu bia trên internet hay quy định giờ cấm bán rượu bia có sự thay đổi so với dự thảo Luật trình QH tại Kỳ họp thứ Sáu nhưng giải trình chưa thỏa đáng. Cho rằng, báo cáo giải trình chỉ đề nghị cân nhắc điều cấm này vì không hợp thông lệ, tạo rào cản phát triển của các doanh nghiệp mà “quên” cân nhắc nguy cơ, tác hại đến trẻ em – trong khi đây là nhóm  đối tượng yếu thế cần được bảo vệ trước tác hại của rượu, bia, ĐB Phạm Trọng Nhân đặt câu hỏi: cho phép bán bia trên internet trong khi biện pháp kiểm soát không hữu hiệu thì đây là sự mâu thuẫn hay thiếu sót về kỹ thuật lập pháp?

Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân

Có cùng băn khoăn về các hành vi bị cấm, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nhấn mạnh: nếu dùng rượu, bia mà không thể kiểm soát những tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí, trở thành tội phạm. Vậy, nhóm giải pháp có tính ngăn ngừa trong dự thảo Luật liệu đã đủ tạo nên rào cản vững chắc để giải quyết vấn đề ưu tiên thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, thanh niên hay chưa?

Cũng theo ĐB Phạm Thị Minh Hiền, nếu xác định kiểm soát quảng cáo để có tác động bảo vệ nhóm thanh thiếu niên thì cần chú trọng 2 vấn đề: một là, hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn và kiểm soát nội dung quảng cáo. Nghĩa là phải làm sao để các em không bị lầm tưởng rằng rượu, bia là tốt, là được khuyến khích sử dụng. Dẫn số liệu khảo sát nhóm trẻ em từ 12 đến 16 tuổi về các loại đồ uống mà các em thường dùng hiện nay, ĐB Phạm Thị Minh Hiền cho biết, lý do “đồ uống có cồn” không được đưa vào dự Luật chỉ vì đây là “cụm từ chưa được sử dụng phổ biến trong xã hội” như báo cáo giải trình là khá yếu về mặt pháp lý.

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) phát biểu  Ảnh: Quang Khánh

Đối với biện pháp hạn chế, kiểm soát trẻ em mua rượu bia, ĐB Phạm Thị Minh Hiền cho biết “bất ngờ” khi dự thảo Luật không còn quy định cấm bán rượu trên 15% độ cồn trên internet và nhấn mạnh, không thể dễ dàng bỏ qua những đánh giá tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, thuộc nội hàm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Luật phải có sự minh định rõ ràng, tính đến yếu tố khả thi khi áp dụng chứ không thể thiếu sự mạch lạc, ít nhất là với các điều khoản có tác động, ảnh hưởng đến đối tượng trẻ em, vị thành niên.

Ở góc nhìn khác, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết, về việc quảng cáo bia trên internet, nhiều cơ quan tổ chức trong và ngoài nước cho rằng, không nên coi việc quảng cáo là vi phạm, bởi đó không đơn thuần là quảng cáo mà internet là công cụ để đưa thông tin phục vụ cho việc kinh doanh. Trong khi đưa mặt hàng được phép đúng pháp luật lên internet thì sao lại đưa ra quy định cấm? Trong bối cảnh chúng ta đã, đang và sẽ ký nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước, QH cần cân nhắc thấu đáo để đưa quy định vào trong dự thảo Luật lần này, ĐB Nguyễn Sỹ Cương đề nghị.

Hà An