"Phải vô cùng thận trọng"

- Thứ Hai, 07/09/2020, 06:41 - Chia sẻ
Đánh giá sơ bộ tác động môi trường trước khi phê duyệt dự án đầu tư là một trong những nội dung đã được bàn thảo rất kỹ khi Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Đầu tư tại Kỳ họp thứ Chín. Theo đó, Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định việc “đánh giá sơ bộ tác động môi trường” của dự án đầu tư tại nhiều điều khoản cụ thể và dẫn chiếu các nội dung thực hiện theo pháp luật về môi trường.

Nhiều luật khác vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín như Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, hay trước đó Luật Đầu tư công (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy cũng vẫn sử dụng cụm từ “đánh giá sơ bộ tác động môi trường”. Ngay Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín cũng quy định “đánh giá sơ bộ tác động môi trường”.

Nhưng chỉ chưa đầy hai tháng sau đó, tại Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lại đề xuất thay cụm từ “đánh giá sơ bộ tác động môi trường” thành “đánh giá tác động môi trường sơ bộ”. Bản chất của việc “đảo chữ” này theo cơ quan soạn thảo là sự thay đổi rất cơ bản trong việc đánh giá tác động về môi trường của các dự án đầu tư.

Cuối tuần trước, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa cả hai phương án để xin ý kiến. Cụ thể, phương án 1, là phương án Chính phủ trình tại Tờ trình số 252/TTr-CP, thể hiện tại Điều 30a: Đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Quy định này cơ bản dựa trên phân loại dự án theo Luật Đầu tư công để xác định đối tượng dự án đầu tư công phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (bao gồm các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C có cấu phần xây dựng thuộc loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường).

Phương án 2 là phương án được chỉnh lý để phù hợp với phân loại dự án theo tiêu chí về môi trường, được thể hiện tại Điều 30b: Đánh giá tác động môi trường sơ bộ. Quy định này dựa trên cơ sở phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường. Theo đó, chỉ các dự án thuộc nhóm I - nhóm có tác động môi trường ở mức độ cao - mới là đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Dù vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cảnh báo, "phải vô cùng thận trọng", bởi cả hai phương án này, đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường đều bị thu hẹp hơn so với Luật Đầu tư công. Nhắc lại nguyên tắc khi sửa đổi Luật Đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, phải vừa bảo đảm tháo gỡ về cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những vướng mắc trong đánh giá sơ bộ tác động môi trường của các dự án làm ảnh hưởng đến thủ tục, tiến trình đầu tư, nhưng đồng thời cũng phải kiểm soát được các vấn đề liên quan đến môi trường mà các dự án này có thể gây ra.

Chiếu theo nguyên tắc này thì cả 2 phương án đều chưa ổn. Một phương án tập trung đánh giá sơ bộ tác động môi trường của các dự án có tác động xấu đến môi trường (theo Luật Đầu tư công là tất cả các dự án đầu tư công đều phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường). Đây là vấn đề rất khó vì đang ở giai đoạn chuẩn bị quyết định đầu tư cũng chưa có đủ căn cứ để nói dự án nào tác động xấu đến môi trường để yêu cầu phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Một phương án chỉ đánh giá tác động môi trường sơ bộ đối với dự án nhóm 1 thì lại không bao quát được hết.

Chính Luật Đầu tư công yêu cầu, để đơn giản thủ tục thì có một đánh giá sơ bộ cho các cơ quan quyết định đầu tư xem xét ảnh hưởng của dự án đến môi trường, mặt tốt, mặt xấu như thế nào, nếu nghiêm trọng, người dân hoặc cộng đồng, dư luận xã hội có ý kiến thì phải đánh giá cụ thể. Nếu chỉ đánh giá dự án ở nhóm 1 thì ở khối các địa phương, các ngành rất nhiều dự án dù nhỏ như làm một con đường nhưng lại tác động đến dòng suối, dòng chảy, nhất là các dự án liên quan đến ô nhiễm nguồn nước...

Cần nói rõ hơn, Luật Đầu tư công (sửa đổi) mới có hiệu lực được hơn 9 tháng. Các luật mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín thì còn chưa có hiệu lực thi hành, ví dụ như Luật Đầu tư (sửa đổi) phải chờ gần 3 tháng nữa. Nhiều nội dung của Luật Đầu tư công (sửa đổi), các luật về đầu tư, xây dựng vừa được thông qua đến nay còn chưa được Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn. Ngay cả nghị định quy định chi tiết về đánh giá sơ bộ tác động môi trường của dự án đầu tư cũng mới đang được soạn thảo.

Việc thay đổi đối tượng đánh giá sơ bộ tác động môi trường dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) như thế nào còn cho thấy tư duy hệ thống của cơ quan hoạch định chính sách. Vì thế, dù chọn phương án nào, hay thậm chí phải xây dựng một phương án khác phù hợp hơn, đáp ứng được các mục tiêu vừa thông thoáng, thuận lợi trong thủ tục, môi trường đầu tư, vừa kiểm soát tốt các tác động đến môi trường, thì đúng như cảnh báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “phải vô cùng thận trọng”.

Hải Lam