Phải xuất phát từ lợi ích chung

- Thứ Ba, 15/09/2020, 10:27 - Chia sẻ
Cách đây 5 năm, ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy thành phố Hội An xin về hưu sớm để những người kế nhiệm tiếp tục làm cho Hội An phát triển vững bền. Thời điểm đó, việc này được coi là "sự kiện".

5 năm sau, việc cán bộ xin về hưu sớm không còn là "chuyện hiếm". Đó là việc 56 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội không đủ điều kiện về tuổi để tái cử đã có đơn xin nghỉ hưu sớm… Theo đánh giá của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, đây là truyền thống nhân văn, tốt đẹp từ nhiều năm nay và nghĩa cử này đã thấm đến đội ngũ cán bộ trẻ của thành phố. Hay mới đây nhất là việc gần 60 lãnh đạo, cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã ở Quảng Ngãi xin nghỉ hưu trước tuổi. Ngoài lý do không đủ độ tuổi tái cử, điều quan trọng hơn khi những lãnh đạo, cán bộ này xin nghỉ hưu là tạo điều kiện, cơ hội cho đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, có năng lực được bổ nhiệm, đề bạt.

Về lý, việc nghỉ hưu trước tuổi thực hiện theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP của Chính phủ và có thể lựa chọn một trong 3 chính sách: Nếu có nguyện vọng thì được nghỉ hưu trước tuổi; có thể nghỉ chờ hưu và cuối cùng là nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác thì tổ chức sẽ bố trí công việc phù hợp. Cũng bởi không có nhiều "bắt buộc" nên việc lựa chọn nghỉ hưu sớm hay không là quyền của cá nhân. Và chắc chắn rằng không phải ai cũng dễ dàng lựa chọn nghỉ hưu sớm, nếu không có cùng quan điểm như ông Nguyễn Sự: Ai đến tuổi cũng phải nghỉ hưu hoặc đến lúc cảm thấy có thể do tuổi tác, do không nhất thiết phải tham gia nữa cũng nên rút lui, bởi có làm vài ba năm nữa cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Hay như tâm sự của một lãnh đạo ở TP Quảng Ngãi thì dĩ nhiên tôi ở lại tổ chức cũng bố trí công tác khác nhưng xét thấy mình nên viết đơn xin về hưu sớm, tạo điều kiện cho lớp kế cận phát triển. Tôi hy vọng TP Quảng Ngãi sẽ có một chủ tịch trẻ tuổi đủ tâm, trí, tài góp phần vào sự phát triển chung.

Quả thực, nếu không vì cái chung thì sẽ rất khó đưa ra quyết định nghỉ hưu sớm. Bởi hiện nay, dù nhiều chính sách khuyến khích người lao động nói chung, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi được ban hành nhưng còn chưa thống nhất và cũng chưa đủ "nặng". Chính vì vậy, một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 118/NQ-CP là Chính phủ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích cho công chức, viên chức nghỉ hưu sớm.

Xung quanh việc này, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc cần có chính sách giúp những người này được hưởng tối đa lương hưu, có khoản kinh phí phù hợp khi họ nghỉ hưu sớm thì điều quan trọng là cần rà soát đánh giá người nghỉ hưu sớm thuộc đối tượng nào? Những người đang làm việc tốt thì nên được giữ lại tiếp tục công tác, nếu không sẽ rất lãng phí, hoặc "chảy máu chất xám". Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cần có đánh giá kỹ lưỡng, đưa ra được mô hình vị trí việc làm phù hợp và số biên chế cụ thể cho từng vị trí, từng công việc. Chỉ khi làm được như vậy, chính sách khuyến khích nghỉ hưu sớm mới hiệu quả.

Hoặc theo ý kiến của một đại biểu Quốc hội thì Bộ Nội vụ nên tham mưu cho Chính phủ xem xét những chính sách hiện hành có gì khó khăn khiến công chức, viên chức chưa mặn mà để tháo gỡ nhằm khuyến khích nghỉ hưu trước tuổi, "nhường" các vị trí việc làm cho những cán bộ trẻ, có năng lực, có tâm, có tầm, có quyết tâm và có trách nhiệm để đảm đương nhiệm vụ...

Phải khẳng định rằng, khuyến khích về hưu sớm không có nghĩa là khuyến khích những người sắp đến tuổi nghỉ hưu nghỉ hưu trước tuổi mà cần có đánh giá kỹ càng, nếu không sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn: Khuyến khích nghỉ nhưng lại tuyển mới. Quan trọng hơn nữa cần có chính sách, có hình thức hỗ trợ thỏa đáng để mọi người tự đánh giá và dễ dàng khi đưa ra quyết định nghỉ hưu sớm.

Ninh Khương