Luật Đầu tư công (sửa đổi)

Phân cấp và rõ trách nhiệm quản lý

- Thứ Hai, 17/06/2019, 07:51 - Chia sẻ
Trao đổi về Luật Đầu tư công (sửa đổi) vừa được QH thông qua, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách TRẦN QUANG CHIỂU cho biết, qua cân nhắc, thảo luận kỹ, và biểu quyết xin ý kiến ĐBQH những nội dung có nhiều ý kiến khác nhau, Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã cơ bản hoàn thiện. Luật đã thể hiện sự phân cấp mạnh mẽ, phân định rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân quyết định đầu tư ban đầu...

Sáng suốt quyết định

- Trong quá trình thảo luận Luật Đầu tư công (sửa đổi), nhiều ĐBQH quan tâm, thảo luận về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, nội dung này được giữ như quy định hiện hành. Ông đánh giá như thế nào về quy định này?

- Ban đầu Chính phủ đề xuất đưa mức vốn của dự án quan trọng quốc gia từ 10 nghìn tỷ đồng lên mức 30 nghìn tỷ đồng, sau đó có điều chỉnh xuống mức 20 nghìn tỷ đồng. Tôi cho rằng, ngay cả thực hiện theo phương án 20 nghìn tỷ đồng như Chính phủ đề xuất thì rất dễ xảy ra tình trạng không có dự án nào được trình lên QH quyết định trong giai đoạn đầu tư công trung hạn. Việc này, nhìn qua dường như không ảnh hưởng đến quản lý và thực hiện đầu tư công. Nhưng trong điều kiện một nước đang phát triển như Việt Nam thì thật vô lý khi không có công trình quan trọng quốc gia nào cần được trình ra QH quyết định.


ĐBQH Trần Quang Chiểu (Nam ĐỊnh) phát biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh

Số vốn 10 nghìn tỷ đồng nếu đặt vào tổng dự toán chi ngân sách nhà nước một năm sẽ thấy là con số không nhỏ. Nếu chỉ tính trong vốn đầu tư công do Trung ương quản lý sẽ chiếm hơn 10% tổng vốn, vì dự toán phân bổ nguồn vốn này trong năm 2020 cũng chỉ khoảng 217 nghìn tỷ đồng. Việc giữ tiêu chí phân định dự án đầu tư công như hiện hành cho thấy, các ĐBQH đã rất sáng suốt khi quyết định về một yếu tố quan trọng trong quản lý đầu tư công. 

- Thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn được quy định như thế nào trong Luật Đầu tư công (sửa đổi) lần này, thưa ông?

- Dựa trên kết quả phiếu xin ý kiến của đa số ĐBQH, Luật Đầu tư công (sửa đổi) quy định, QH khóa mới quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn mới. QH khóa trước chuẩn bị kế hoạch đầu tư công trung hạn để QH khóa mới quyết định tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ (Điều 60).

Quy định này của Luật Đầu tư công (sửa đổi) phù hợp với thực tế đang diễn ra, vì thực tế QH, Chính phủ Khóa XIII không quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn cho nhiệm kỳ sau, mà để QH, Chính phủ Khóa XIV quyết định tại Kỳ họp thứ Hai. Ngoài ra, để có thể triển khai, thực hiện việc giao kế hoạch đầu tư công trong năm đầu tiên của giai đoạn mới khi kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa được QH quyết định, Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng quy định rõ: Kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên của giai đoạn sau, căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển của năm đầu tiên, Chính phủ trình QH xem xét, quyết định tại kỳ họp này.

Phân cấp mạnh mẽ hơn

- Thưa ông, Luật Đầu tư công (sửa đổi) QH thông qua lần này có những bổ sung, sửa đổi nổi bật nào?

 “Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã giúp xử lý câu chuyện trách nhiệm công vụ trong đầu tư công. Bởi với sự phân định trách nhiệm rõ ràng sẽ không còn tình trạng đơn vị, cá nhân vô can dù xác định quy mô dự án không chính xác khiến sau đó phải điều chỉnh. Nếu phải điều chỉnh quy mô dự án, bởi những lý do thuyết phục (do trượt giá, nguyên nhân bất khả kháng…)  thì cơ quan nào quyết định đầu tư ban đầu sẽ phải theo đến cùng. Việc quyết định điều chỉnh quy mô, tính chất… của dự án không chính xác, để lại hậu quả, đơn vị đó sẽ phải chịu trách nhiệm, không thể đẩy trách nhiệm này lên cơ quan cấp trên”.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Quang Chiểu

- Trong Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã thể hiện sự phân cấp mạnh mẽ hơn trong quản lý, thực hiện công tác này. Trung ương chỉ quản lý dự án do ngân sách trung ương đầu tư, chính quyền địa phương không chỉ quản lý dự án sử dụng vốn của địa phương, mà còn với cả dự án sử dụng vốn hỗn hợp.

Với sự phân cấp mạnh mẽ như vậy, sẽ không còn câu chuyện “một dự án cải tạo cổng di tích lịch sử quốc gia chỉ cần đầu tư 3 tỷ đồng mà chính quyền địa phương phải “ăn chực, nằm chờ” ở Hà Nội đến nửa năm mới được phê duyệt”. Những dự án kiểu này sẽ được phân cấp cho địa phương quyết định. Chính phủ, các bộ, ngành chuyên môn chỉ thẩm định dự án sử dụng 100% vốn từ ngân sách trung ương.

- Từ bài học xử lý nợ xây dựng cơ bản trong giai đoạn 2013 - 2015 có lẽ cũng cần chú ý đến một số vấn đề khi chúng ta thực hiện phân cấp mạnh mẽ hơn, thưa ông?
- Phân cấp quản lý đầu tư công theo quy định của Luật lần này không có nguy cơ làm tăng nợ xây dựng cơ bản. Nợ xây dựng cơ bản trong giai đoạn 2013 - 2015 được hình thành chủ yếu do phần vốn trung ương cũng được địa phương tự quyết định. Trung ương cấp vốn cho dự án đã được địa phương quyết định, nên không kiểm soát được. Phương thức quản lý, sử dụng vốn ngân sách cho đầu tư công trong giai đoạn này đã khác biệt so với phương thức được Luật hiện hành quy định, thì lại càng khác biệt so với Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Theo quy định của Luật Đầu tư công (sửa đổi) thì nguồn vốn của ai, người ấy phải tự chịu trách nhiệm về quá trình sử dụng. Luật cũng khống chế vốn bố trí cho dự án nhóm A không quá 6 năm, dự án nhóm B không quá 4 năm, nhóm C không quá 3 năm. Cá nhân, đơn vị sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật nếu vi phạm pháp luật liên quan.

- Như vậy có nghĩa tình trạng điều chỉnh chủ trương, quyết định đầu tư tùy tiện đã được xử lý trọng Luật Đầu tư công (sửa đổi) lần này?

- Đúng vậy. Vì bây giờ cấp nào quyết định đầu tư ban đầu thì cấp đó phải chịu trách nhiệm điều chỉnh quy mô, tên gọi… của dự án khi cần thiết. Không có chuyện đùn đẩy lên cấp trên, bắt cấp trên quyết định thay cho cấp dưới. Tức là, nếu dự án vốn không thuộc thẩm quyền quyết định của QH, nhưng sau khi phát sinh một số việc làm tăng quy mô vốn lên mức 10 nghìn tỷ đồng (do trượt giá, tính toán nhầm trong chuẩn bị dự án…) thì cũng không đưa lên QH xem xét phê duyệt. Cơ quan, cá nhân quyết định đầu tư ban đầu phải chịu trách nhiệm đến cùng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

- Xin cảm ơn ông!

Lê Bình thực hiện