HĐND tỉnh Cà Mau thông qua nghị quyết về kết quả giám sát việc cung cấp nước sạch

Phân loại các công trình để xử lý

- Thứ Ba, 18/08/2020, 05:54 - Chia sẻ
Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Cà Mau đã thông qua nghị quyết về kết quả giám sát việc cung cấp nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở nhận định đúng thực tế tình hình, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo việc rà soát, phân loại các công trình cấp nước tập trung do Nhà nước trực tiếp quản lý đang còn hoạt động tốt hoặc hư hỏng, xuống cấp... để xử lý; chỉ đạo việc quản lý các công trình cấp nước tập trung nông thôn bảo đảm hiệu quả; tăng cường chỉ đạo việc kiểm tra và công khai kết quả kiểm tra chất lượng nước sạch sinh hoạt…

Cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân

Nghị quyết HĐND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh: thời gian qua, với nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành, hoạt động quản lý, vận hành và cấp nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, nâng cao chất lượng nguồn nước và tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch. Nhiều hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã từng bước thay đổi tập quán sử dụng nước sinh hoạt từ nước sông, hồ, kênh, rạch sang dùng nguồn nước ngầm từ các giếng khoan và công trình cấp nước tập trung. Công tác cung cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, đầu tư phát triển hệ thống cung cấp nước bằng nhiều nguồn lực.

HĐND tỉnh Cà Mau ghi nhận, với nỗ lực, quyết tâm chỉ đạo thực hiện của các ngành, các cấp, đến nay nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Tính đến cuối năm 2019, tại khu vực đô thị có 76.051 hộ được cung cấp nước sạch sinh hoạt, đạt tỷ lệ 95%; khu vực nông thôn 212.402 hộ, đạt tỷ lệ 92%; hoàn thành chỉ tiêu về tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch đến năm 2020.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Cà Mau khảo sát tại trạm cấp nước tại ấp 3, xã Khánh Hội, huyện U Minh.
Ảnh: Khả Thanh

Đầu tư dàn trải, quản lý, vận hành chưa phù hợp

Bên cạnh những kết quả đạt được, nghị quyết của HĐND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận: Việc đầu tư các công trình cấp nước nông thôn còn dàn trải, tạm thời, quy mô đầu tư nhỏ, hiệu quả đầu tư thấp, chưa bảo đảm tính bền vững lâu dài. Hiện nay, chỉ có 59 công trình hoạt động có hiệu quả, 105 công trình hoạt động trung bình, 73 công trình hoạt động kém hiệu quả, ngừng hoạt động, xuống cấp trầm trọng, chờ thanh lý, tháo dỡ.

Theo đánh giá của HĐND tỉnh, mô hình, cơ chế quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung ở vùng nông thôn chưa phù hợp. Cụ thể: Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn được giao quản lý, khai thác 18 công trình cấp nước sau đầu tư để kinh doanh là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, không hạch toán đầy đủ, không trích được khấu hao tài sản. UBND các xã được giao quản lý, vận hành khai thác 220 công trình, nhưng không được bàn giao về tài sản, không tính khấu hao tài sản hàng năm, không có người quản lý chuyên nghiệp, không thực hiện các nghĩa vụ về thuế tài nguyên nước. Hầu hết các công trình đều xuống cấp, thiếu vốn, đang chờ ngân sách nhà nước hỗ trợ để nâng cấp, sửa chữa…

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước chưa chặt chẽ, chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật nước sạch sinh hoạt của tỉnh. Các công trình cấp nước của Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tuy có thực hiện kiểm tra, giám sát nhưng còn hình thức, không bảo đảm các chỉ tiêu theo yêu cầu. Việc kiểm tra, giám sát chất lượng nước các công trình có công suất dưới 1.000m3/ngày đêm hoặc quy mô dưới 500 hộ được phân cấp cho Trung tâm Y tế huyện, thành phố ngoại kiểm mỗi năm 1 lần, nhưng nhiều năm qua chưa thực hiện. Hầu hết các công trình cấp nước nông thôn được vận hành bơm trực tiếp từ giếng đến người tiêu dùng.

Trên thực tế, một số địa phương áp dụng giá nước chưa đúng theo quy định. Nhiều công trình giao UBND xã quản lý áp dụng giá nước tự thỏa thuận hoặc theo khả năng đóng góp của người dân. Giá nước được tính theo giá luỹ tiến là chưa hợp lý, giá nước ở khu vực nông thôn thấp hơn khu vực thành thị, trong khi suất đầu tư lại cao hơn nên không khuyến khích nhà đầu tư. Tỉnh cũng chưa có cơ chế bù giá bán nước đối với hộ nghèo, cơ cấu giá nước chưa tính thuế tài nguyên, chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Mặc dù hệ thống công trình cấp nước tập trung của tỉnh với tổng công suất thiết kế khai thác là 144.000m3/ngày đêm, có khả năng cung cấp nước sinh hoạt cho 1,1 triệu người, nhưng chưa phát huy hết công suất khai thác. Đến nay, vùng đô thị phân phối nước sạch sinh hoạt đạt 95% dân số, vùng nông thôn chỉ đạt 18% dân số sử dụng hệ thống cấp nước tập trung, 74% dân cư nông thôn sử dụng nước từ giếng khoan gia đình…

Tăng cường kiểm tra chất lượng nước sạch

Trên cơ sở nhận định đúng thực tế tình hình, HĐND tỉnh Cà Mau đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng liên quan tập trung rà soát, phân loại các công trình cấp nước tập trung do nhà nước trực tiếp quản lý đang còn hoạt động tốt hoặc hư hỏng, xuống cấp, gắn với quy hoạch, quyền sử dụng đất, công suất khai thác để xử lý. Theo đó, công trình cấp nước có công suất khai thác nhỏ (từ khoảng 200 - 300m3/ngày đêm trở xuống); hoạt động không có hiệu quả; đang xuống cấp, hư hỏng; không phù hợp với quy hoạch; đất đai không thuộc sở hữu của nhà nước thì nên thanh lý, bàn giao tài sản cho người đang quản lý, sử dụng tiếp tục hoạt động theo phương thức tự quản để phục vụ trong khu vực như cách làm hiện nay. Công trình cấp nước có công suất lớn, phù hợp với quy hoạch của tỉnh tiếp tục bổ sung các điều kiện cần thiết như: Đất đai, giấy phép khai thác nước, đăng ký chất lượng nước khai thác để bảo đảm quản lý chặt chẽ, đúng quy định.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc UBND tỉnh Cà Mau cần chỉ đạo việc tổ chức quản lý các công trình cấp nước tập trung nông thôn bảo đảm hiệu quả. Có giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào khai thác, xử lý và phân phối nước sạch sinh hoạt. Sớm ban hành giá nước mới, phù hợp với quy định của pháp luật và tương đồng với giá nước sạch của các tỉnh lân cận trong khu vực; cùng với đó, có cơ chế, chính sách bù giá nước đối với khu vực nông thôn. Tăng cường chỉ đạo kiểm tra chất lượng nước sạch sinh hoạt và công khai kết quả kiểm tra chất lượng nước…

NGỌC MAI