Phát huy vai trò của tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường

- Thứ Bảy, 12/10/2019, 08:18 - Chia sẻ
Ngày 14.10 tới, tại thành phố Huế sẽ có khoảng hơn 500 đại biểu, đại diện lãnh đạo của 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam tới dự Hội nghị toàn quốc “Biểu dương, phát huy vai trò của tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Đây là Hội nghị do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức nhằm sơ kết 4 năm thực hiện Chương trình phối hợp trong thực hiện bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu (BĐKH).

Tăng cường trách nhiệm của tôn giáo về bảo vệ môi trường

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định, tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, BĐKH, an ninh lương thực và nguồn nước... hiện nay đã trở thành vấn đề lớn của khu vực, của toàn cầu và cần phải có sự tham gia của cả cộng đồng thế giới, trong đó có các tôn giáo. Hội nghị toàn quốc về “Biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với BĐKH” là cơ hội để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay của các tôn giáo và các mô hình trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, tăng cường trách nhiệm của tôn giáo về thúc đẩy việc thực hiện chương trình phối hợp…

Phong trào toàn dân tham gia phòng, chống BĐKH được phát động từ năm 2016. Việc đầu tiên Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ làm là trân trọng mời 14 vị chức sắc cao nhất đại diện 14 tôn giáo cùng ký kết Chương trình phối hợp, qua đó nêu cao trách nhiệm của từng cá nhân trong phân công công việc. Ai cũng nhận thức rõ, BĐKH đã tác động mạnh mẽ như thế nào đối với Việt Nam, và Việt Nam đang đối mặt với những nguy cơ gì khi BĐKH ngày càng phức tạp. Cũng bởi giải quyết tốt câu chuyện dân vận, mà ở các tỉnh, thành phố, công tác triển khai diễn ra vô cùng thuận lợi. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh cùng ký kết chương trình phối hợp tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH giai đoạn 2016 - 2021. Đây là mốc đánh dấu bước phát triển mới trong phong trào “Toàn dân tham gia BVMT”.


Toàn cảnh hội nghị Ảnh: Nhật Anh

Dưới sự hướng dẫn, động viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức tôn giáo ở các địa phương đã có nhiều sáng kiến, mô hình hay, hiệu quả nhằm xây dựng môi trường sống trong lành, sạch đẹp. Tiêu biểu như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lồng ghép phổ biến về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BVMT, ứng phó với BĐKH trong các trường hạ, khóa tu của phật tử, các buổi học chính khóa và chương trình sinh hoạt ngoại khóa của tăng ni sinh tại các trường đào tạo Phật học.

Tổng Giáo phận TP Hồ Chí Minh đã tổ chức 3 ngày tập huấn cho 350 linh mục phụ trách các giáo xứ về vấn đề BVMT và ứng phó với BĐKH. Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) thường xuyên kết hợp, lồng ghép trong các giờ lễ để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở tín hữu phải có ý thức, lối nghĩ, cách làm, hành vi ứng xử thân thiện với thiên nhiên, môi trường; quan tâm gìn giữ, BVMT sống cho chính mình và cho cộng đồng, xã hội; đưa nội dung phân tích về thiên tai, động đất, sóng thần xâm ngập mặn do ảnh hưởng của BĐKH… vào bài giảng của các mục sư, truyền đạo Hội Thánh.

Ngoài các hoạt động tích cực, chủ động của các tôn giáo, Ban Chỉ đạo Chương trình phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH đã tiến hành xây dựng được 3 mô hình điểm ở cấp Trung ương của Phật giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH, gồm mô hình Trung tâm hỗ trợ cộng đồng chùa Pháp Bảo (TP Hồ Chí Minh); mô hình chùa Pháp Vân (Hà Nội); mô hình tại Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Hải Đức (tỉnh Thừa Thiên Huế)…

Nhân rộng mô hình có tính lan tỏa

 Sau 4 năm triển khai Chương trình phối hợp, đã có 63/63 tỉnh, thành phố ký kết chương trình hoặc kế hoạch phối hợp giữa Mặt trận, ngành tài nguyên và môi trường với các tổ chức tôn giáo ở địa phương. Đến nay, cả nước đã xây dựng được 1.014 mô hình điểm các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH. Đặc biệt, các tôn giáo đã triển khai và đưa nội dung về BVMT, ứng phó với BĐKH vào chương trình hoạt động hàng năm của mình, góp phần tạo được sự chuyển biến mạnh về nhận thức và làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH.

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, một lãnh đạo trong Ban Tổ chức cho biết, không phải ngẫu nhiên mà Ban tổ chức chọn cố đô Huế để tổ chức Lễ biểu dương phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và BĐKH. Bởi, cũng chính nơi này, ngày 2.6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư biểu dương Đảng bộ, chính quyền và người dân Thừa Thiên Huế, vì trong thời gian ngắn đã làm tốt phong trào Ngày Chủ nhật xanh. Trong thư, Thủ tướng yêu cầu Thừa Thiên Huế “tiếp tục kiên trì, hành động quyết liệt đưa phong trào đi vào thực chất, thiết thực và hiệu quả, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Thủ tướng cũng hy vọng các mô hình hay, sáng tạo từ Thừa Thiên Huế sẽ được nhân rộng đến các địa phương khác, mang lại môi trường sống trong lành cho mọi người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ phấn khởi cho biết, qua hơn 9 tháng triển khai, phong trào Ngày Chủ nhật xanh được triển khai với nhiều hình thức, nội dung phong phú như: tổ chức ra quân, triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường hàng tuần; xây dựng các mô hình “Huế - thành phố 4 mùa hoa”, “Dòng Hương trong xanh”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - trật tự trị an”, thực hiện phong trào “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần”, chương trình “60 phút sạch nhà, đẹp ngõ”... Để có được thành công trên, không thể không kể đến sự góp sức của mọi tầng lớp, mọi thành phần nhân dân trong tỉnh. “Chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đã có những thay đổi trong nhận thức về BVMT, cũng như đưa phong trào Ngày Chủ nhật xanh trở thành biểu tượng cho hành động BVMT. UBND tỉnh tiếp tục kêu gọi cùng phát huy tinh thần sáng tạo để thêm nhiều sáng kiến, mô hình, các ứng dụng dịch vụ đô thị thông minh góp phần xử lý rác thải, BVMT...”, ông Thọ cho hay. 

Tất cả những kết quả trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn những mô hình hay của các tổ chức tôn giáo tiếp tục phát huy, trở thành một phong trào rộng khắp có tính lan tỏa trong việc BVMT và ứng phó với BĐKH.

NAM ANH