Phát huy vai trò xung kích của thanh niên

- Thứ Hai, 19/08/2019, 19:32 - Chia sẻ
Việc sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005 là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên phù hợp với tình hình mới; phát huy vai trò xung kích, quyền và nghĩa vụ của thanh niên thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; đổi mới công tác quản lý nhà nước về Thanh niên đi vào thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực.

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội nghị Tình hình thực hiện Luật Thanh niên và Những kiến nghị cho Luật Thanh niên (sửa đổi), do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tổ chức ngày 19.8. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình chủ trì hội nghị. Tham dự có: Thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ; đại diện một số cơ quan của Quốc hội; Phó Trưởng đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố phía Bắc; Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam...


 Toàn cảnh hội nghị

Nhằm tạo điều kiện cho thanh niên phát triển và phát huy vai trò của thanh niên, Việt Nam đã xây dựng Luật Thanh niên 2005 với tư cách là văn bản luật chuyên biệt, quy định các vấn đề liên quan đến thanh niên, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển thanh niên. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thi hành, luật đã bộc lộ những hạn chế, nổi bật nhất là chưa thấy rõ tác động của Luật trong đời sống xã hội và đặt ra yêu cầu phải sửa đổi. Vì thế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Văn Tuyết cho rằng, việc sửa đổi Luật Thanh niên là cần thiết, nhằm thể chế hóa và hoàn thiện cơ sở pháp lý, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, các chính sách của Nhà nước; bảo đảm trách nhiệm của nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức của thanh niên trong thực hiện chính sách, pháp luật để thanh niên được tu dưỡng, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Văn Tuyết phát biểu tại hội nghị

Theo Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Astrid Band: Luật Thanh niên rất phức tạp, có tác động sâu rộng, và đòi hỏi tương thích với các thông lệ, quy định của quốc tế. Thanh niên cần tiếp cận dựa trên quyền, coi thanh niên là trung tâm, là tác nhân, chủ nhân của sự phát triển. Vì thế, Luật cần xây dựng khung pháp lý đủ mạnh, hỗ trợ, trao quyền cho thanh niên, tối đa hóa khả năng của thanh niên trong đóng góp cho cộng đồng, đất nước...


Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Astrid Band phát biểu tại hội nghị

Theo nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão, bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước và nhu cầu của thanh niên đã có nhiều thay đổi so với thời điểm thông qua Luật năm 2005. Hệ thống pháp luật chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung khá nhiều, tác động trực tiếp đến các chính sách dành cho thanh niên, đặc biệt là sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, trước yêu cầu của thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế ngày sâu rộng, các chính sách, pháp luật đối với thanh niên phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện để giải quyết những vấn đề mới nảy sinh và phù hợp với sự phát triển của thanh niên. Khi sửa đổi luật, cần có điều quy định về nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của thanh niên nhằm bảo đảm các quyền và nghĩa vụ của thanh niên được thực thi trong cuộc sống; điều quy định về nguyên tắc thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên để các cơ quan nhà nước làm căn cứ khi ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật đối với thanh niên; điều để quy định rõ về nguồn lực, kinh phí bảo đảm thực hiện chính sách phát triển thanh niên; điều quy định về Tháng thanh niên nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về Tháng thanh niên trong luật; đồng thời thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành nhằm chăm lo, bồi dưỡng và phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

ĐBQH Chu Lê Chinh (Lai Châu) cho rằng, Luật 2005 mang tính luật khung, nhiều vấn đề quy định nguyên tắc, đặc biệt là chính sách. Lần này sửa đổi căn bản, toàn diện Luật, cần tổng kết tình hình thực hiện trong những năm qua, trên cơ sở đó làm rõ cái gì kế thừa, cái gì thực tiễn đã chứng minh đủ rồi thì luật hóa. Luật sửa đổi phải phát huy nguồn lực của thanh niên, nếu không sẽ lãng phí và sinh ra nhiều vấn đề cho xã hội...

Các đại biểu cũng cho rằng, Ban soạn thảo cần đánh giá tác động của các chính sách về thanh niên, từ đó sửa đổi Luật cho phù hợp với thực tế và có tính khả thi cao; cần có cơ chế cho thanh niên tham dự xây dựng chính sách và hoạch định chính sách; xây dựng các chương trình giáo dục cung cấp kỹ năng mềm để thanh niên có các quyết định trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội...

Tin và ảnh: Ng. Phương