Xây dựng Nông thôn mới ở Hà Nội

Phát triển các mô hình nông nghiệp sạch

- Thứ Sáu, 25/10/2019, 07:42 - Chia sẻ
Những năm qua, thành phố Hà Nội khuyến khích nông dân xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Đến nay, đã có rất nhiều mô hình phát huy hiệu quả kinh tế, góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường. Từ những mô hình đó, nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của nông dân đã được nâng lên đáng kể.

Nói không với thuốc bảo vệ thực vật

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân thành phố Hà Nội Dương Thị Hằng cho rằng, bằng việc triển khai hiệu quả các mô hình sản xuất sạch, khép kín, nông dân Hà Nội đang đóng góp rất lớn vào cải thiện chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô. Không chỉ dừng lại ở sản xuất, Hội Nông dân thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tổ chức các lớp phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, tập huấn quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn cho hội viên Hội Nông dân, góp phần duy trì và nhân rộng hơn nữa các mô hình trong thời gian tới.

Những năm qua, nhiều cánh đồng ở xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa) đã không còn bóng dáng bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Người dân nơi đây đã sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc có nguồn gốc sinh học, thảo dược để chăm sóc cây trồng. Việc làm này đã góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Không chỉ sức khỏe người tiêu dùng được bảo vệ, mà sức khỏe của chính những người nông dân bám ruộng cũng được cải thiện rõ rệt.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thượng nay sở hữu vườn dưa lưới xanh mơn mởn. Mùa dưa lưới đơm hoa, cả cánh đồng rực rỡ sắc vàng. Bà con nông dân thường xuyên trên đồng bắt sâu, tỉa lá mà không cần phải đeo khẩu trang hay dụng cụ bảo hộ lao động. Giám đốc HTX Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết, trước đây, Vĩnh Thượng trồng các loại rau màu trên diện tích khoảng 30ha, chủ yếu là dưa chuột, su hào, hành củ… Những loại rau này thường có nhiều sâu bệnh nên người dân sử dụng rất nhiều thuốc BVTV. Thời điểm đó, trên những cánh đồng của cả xã Sơn Công lúc nào cũng chất đầy bao bì thuốc. Không khí làng quê ngột ngạt. Trước thực trạng đó, xã cùng HTX đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển dần sang sản xuất nông nghiệp an toàn, hạn chế sử dụng thuốc BVTV trong canh tác.

Theo đó, để bà con “mục sở thị” việc không cần sử dụng thuốc BVTV mà cây trồng vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, năm 2017, được sự hỗ trợ của huyện, xã Sơn Công đã thí điểm mô hình trồng rau sạch theo hướng VietGAP và 5.000m2 dưa vàng tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thượng. Sau một thời gian, nông dân thu hoạch được 5 tạ rau từ mô hình này với giá bán 15.000 đồng/kg, cao hơn 10% so với các loại rau trồng theo phương pháp truyền thống. Còn mô hình dưa vàng đạt 6 tạ quả/sào, giá bán 40.000 đồng/kg. Nhờ vậy, giá trị thu nhập đạt 250 - 300 triệu đồng/ha/năm. Hiệu quả kinh tế gia tăng, lại không ảnh hưởng sức khỏe, giảm ô nhiễm môi trường, nhiều hộ dân trong xã chuyển hướng sang trồng các loại rau, củ, quả theo hướng an toàn. Ý thức của người dân ngày càng được nâng cao nên lượng thuốc BVTV trên địa bàn xã giảm khoảng 80% so với 10 năm trước.

Từ hiệu quả của mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thượng, nhiều hộ dân ở Sơn Công mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng rau an toàn để nâng cao thu nhập. Trò chuyện với phóng viên, bà Đỗ Thị Dung (thôn Vĩnh Thượng) phấn khởi cho biết: “Trước đây, tôi thường phun các loại thuốc BVTV cho cây rau để phòng trừ sâu bệnh. Qua tuyên truyền của cán bộ xã về tác hại của thuốc BVTV, tôi đã chuyển sang sử dụng các loại thuốc sinh học, không độc hại với môi trường và sức khỏe con người. Mặc dù trồng rau an toàn khó hơn trồng rau thông thường nhưng chất lượng rau được bảo đảm, giá bán cũng cao hơn. Gia đình tôi có 5 sào trồng hành và dưa chuột, trừ chi phí, trung bình mỗi vụ, gia đình thu lãi khoảng 10 triệu đồng”.

Không chỉ ở Sơn Công, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã tích cực triển khai mô hình trồng rau hữu cơ với nguyên tắc “6 không” (không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc diệt cỏ, không biến đổi gene, không kích thích sinh trưởng, không thuốc bảo quản). Bên cạnh đó, từ cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn”, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn thành phố đã xây dựng thành công những mô hình sản xuất sạch, phong trào xanh tại địa phương. Điển hình là các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Ba Vì, Thường Tín, Thanh Trì, Chương Mỹ, Gia Lâm… đang duy trì, phát triển tốt 157 mô hình trồng rau an toàn, rau hữu cơ, rau thủy canh, mô hình trồng nấm, các mô hình chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên nền đệm lót sinh học.


Mô hình nuôi giun quế góp phần chống ô nhiễm môi trường ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội
Ảnh: Tường Vy

Đẩy mạnh chăn nuôi khép kín

Về mô hình chăn nuôi khép kín, có thể kể đến mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng giun quế của ông Nguyễn Xuân Hùng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm). Xã Phù Đổng là một trong những địa phương chăn nuôi bò sữa quy mô lớn của thành phố Hà Nội. Trước đây, mỗi ngày đàn bò thải ra gần 20 tấn phân. Số phân này một phần các hộ dân sử dụng làm hầm biogas, còn hầu hết bà con đổ ra ao, hồ, mương, rãnh, thậm chí đổ ra vệ đê, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường. Năm 2016, ông Hùng mạnh dạn xây dựng mô hình nuôi giun quế kết hợp với chăn nuôi và trồng trọt. Từ đó, mỗi tháng ông thu mua của bà con hàng trăm tấn phân bò để thực hiện việc nuôi giun, góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường ở địa phương. Nguồn phân sạch từ giun ông bán cho các chủ trang trại trồng cây ăn quả, các hộ nuôi cá cảnh. Bên cạnh đó, giun thành phẩm một số ít được bán, còn lại ông sử dụng chính để nuôi gà, vịt ngay tại trang trại. Đây là mô hình khép kín, tự sản xuất - tự tiêu thụ, giúp xử lý chất thải nông nghiệp bằng biện pháp sinh học lần đầu tiên được triển khai có quy mô trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ông Hùng chia sẻ, mô hình nuôi giun quế kết hợp với chăn nuôi và trồng trọt đã tạo ra những dòng sản phẩm sạch, không hóa chất phục vụ cuộc sống của người dân.

Với quy mô chăn nuôi thường xuyên đạt 400 con lợn thương phẩm, thời gian qua, chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm thịt lợn sinh học Quốc Oai do HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) tổ chức đã mang lại hiệu quả rõ rệt. 100% thức ăn chăn nuôi sử dụng trong chuỗi này là thức ăn tự phối trộn có bổ sung men sinh học. Hằng ngày, chuỗi cung cấp cho thị trường khoảng 0,5 tấn thịt lợn nhãn hiệu “Thịt lợn sinh học Quốc Oai” thông qua các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng bếp ăn tại huyện Quốc Oai và một số quận nội thành với giá bán cao hơn so với thịt lợn nuôi thông thường. Tương tự, chuỗi thịt sản xuất và cung cấp thực phẩm A - Z do HTX Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) tổ chức khép kín từ khâu sản xuất thức ăn, chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Trao đổi với phóng viên, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm Nguyễn Đình Tường cho biết, chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học mặc dù chi phí chăn nuôi cao hơn từ 20 - 30% so với thông thường, nhưng bù lại, mô hình này lại giúp bảo đảm an toàn dịch bệnh, chất lượng sản phẩm thịt lợn thơm ngon. Chính vì thế, khi nhiều nơi bị dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại nặng nề thì lợn của HTX Đồng Tâm vẫn “sống khỏe”. Hiện nay, HTX có 10 thành viên tham gia. Trong đó, có 7 thành viên chuyên đảm nhận chăn nuôi lợn an toàn sinh học (quy mô chuồng nuôi từ 130 - 150 con/hộ), 3 thành viên còn lại phụ trách khâu giết mổ, sơ chế, đóng gói và vận chuyển thịt lợn thành phẩm đi tiêu thụ tại hệ thống cửa hàng tiện ích, siêu thị trên địa bàn Hà Nội.

ĐÀO CẢNH