Phát triển khu công nghiệp sinh thái để đón FDI chất lượng cao

- Thứ Sáu, 14/08/2020, 05:33 - Chia sẻ
Để đón đầu dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao, giới chuyên gia cho rằng Việt Nam cần quan tâm phát triển các khu công nghiệp kiểu mới, đặc biệt là khu công nghiệp sinh thái.

Lợi ích thấy rõ

Theo thống kê của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối tháng 6.2020 cả nước có 336 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 97,8 nghìn héc ta. Trong đó, có 261 KCN hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 75%. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, việc phát triển các KCN kiểu truyền thống còn có nhiều bất cập. Các KCN có quy mô vốn nhỏ và chưa khai thác triệt để lợi thế khác biệt của từng địa phương. Việc quản lý các KCN cũng chưa có khung pháp lý, thiếu các định mức kinh tế - kỹ thuật và thiếu sự giám sát nên một số địa phương đã ban hành quy định trái luật.

KCN sinh thái là xu thế phát triển của bất động sản công nghiệp.
Nguồn: ITN

Theo Nghị định 82,  KCN sinh thái là khu công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các doanh nghiệp.

Với mục đích chuyển đổi các KCN truyền thống sang các KCN sinh thái, năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) thực hiện Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam”. Sau 5 năm thực hiện, đã thu hút 72 doanh nghiệp từ 4 KCN ở Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng áp dụng công nghệ và các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, qua đó tiết kiệm được hơn 6,5 triệu USD mỗi năm. Dự án này cũng góp phần quan trọng trong việc ban hành các quy định liên quan về KCN sinh thái tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý các KCN và khu kinh tế. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên tại Việt Nam đặt nền móng cho việc thực hiện chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái. 

Lợi ích của KCN sinh thái gói trong 3 khía cạnh môi trường, kinh tế và xã hội. Theo bà Lê Thị Thanh Thảo, đại diện quốc gia của Văn phòng UNIDO tại Việt Nam, nói đến yếu tố sinh thái chính là giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Dựa trên những kinh nghiệm quốc tế cũng như những thí điểm ban đầu tại Việt Nam, khi phát triển KCN sinh thái  thì lợi ích về mặt kinh tế hoàn toàn có thể cao hơn đầu tư ban đầu. Trong 5 năm qua, những giải pháp về sử dụng hiệu quả tài nguyên và cộng sinh công nghiệp đã được 57 doanh nghiệp áp dụng mang lại lợi nhuận hơn 3 triệu USD/năm. Về mặt xã hội, tạo ra môi trường tốt hơn cho người lao động, tăng năng suất, tạo việc làm mới... Bên cạnh đó cũng cải thiện mối quan hệ với cộng đồng cho doanh nghiệp.

Để chủ động tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 buộc phải xây dựng các KCN kiểu mới để thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ hiện đại và có tính bền vững, GS.TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh. 

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Cao Lãnh, Trưởng khoa Kiến Trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xậy dựng cho rằng, làn sóng chuyển dịch đầu tư FDI vào Việt Nam đặt thị trường bất động sản công nghiệp đứng trước những thách thức và cơ hội mới, đòi hỏi mô hình KCN mới, tiên tiến, trong đó có KCN sinh thái để đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư EU, Hoa Kỳ. 

Chính phủ cần sớm có chính sách phù hợp

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Công ty CP Shinec, chủ đầu tư của dự án KCN sinh thái Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) cho biết, KCN sinh thái phải đồng bộ về hạ tầng, cung cấp dịch vụ chuẩn mực, chống ô nhiễm môi trường, cung ứng dịch vụ nhà ở cho công nhân... Việc quy hoạch chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái sẽ góp phần tạo dựng nên khu kinh tế tuần hoàn. “Thời gian tới, các doanh nghiệp đầu tư bất động sản sẽ rất nhanh chóng tiếp cận với mô hình KCN này bởi đây là xu hướng tốt. Do vậy, Chính phủ cần sớm có chính sách phù hợp từ thương mại cho đến đất đai, cùng với các tiêu chuẩn phù hợp để phát triển KCN sinh thái", ông Điệp kiến nghị.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Khải Toàn (KTG) Đặng Trọng Đức cũng cho rằng, việc đầu tư cho KCN sinh thái “đắt đỏ” hơn so với mô hình truyền thống, nhưng doanh nghiệp lại không muốn tăng giá thuê để bảo đảm lợi nhuận cho cả hai bên. Do vậy, chủ đầu tư KCN sinh thái mong muốn nhận được những hỗ trợ cụ thể, thiết thực của Nhà nước.

Đại diện UNIDO tại Việt Nam Lê Thị Thanh Thảo cho biết, tiếp nối thành công của giai đoạn 1, dự án phát triển KCN sinh thái giai đoạn 2 vừa được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, để thực hiện tốt, cần tập trung tháo gỡ nút thắt về đào tạo và nâng cao năng lực kỹ thuật cho từng cấp. Phải xây dựng được cơ quan tư vấn chuyên nghiệp để phát triển KCN sinh thái. Ngoài ra, thách thức về thể chế, pháp luật đang còn rất lớn, mặc dù trong Nghị định 82 đã có tiêu chí phát triển KCN sinh thái, tuy nhiên để đưa vào cuộc sống còn nhiều rào cản. "Cần nhất chính là sự vào cuộc, đồng thuận của các bộ, ban ngành liên quan chứ không chỉ là riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bên cạnh đó, nhanh chóng nâng cao năng lực thẩm định hồ sơ tài chính để giúp các doanh nghiệp có nguồn tài chính xanh, ưu đãi". 

“Chuyển đổi sang KCN sinh thái là cả một quá trình, vì vậy doanh nghiệp phải dần dần chuyển sang hướng sinh thái để bảo đảm tính bền vững và phù hợp với xu thế tất yếu trong tương lai”, bà Thảo nhấn mạnh.

Hạnh Nhung