Tổng kết 10 năm Xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ

Phổ biến và nhân rộng sáng kiến, cách làm hay

- Thứ Hai, 19/08/2019, 07:49 - Chia sẻ
Tại Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ giai đoạn 2010 - 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân; đồng thời, phát huy dân chủ và vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM. Đặc biệt, không ngừng đổi mới, đưa ra nhiều sáng kiến, cách làm hay để phổ biến và nhân rộng.

68,7% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Sau 9 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, với nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng xã hội, nhất là phát huy sức sáng tạo, tinh thần cộng đồng, nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đã có những chuyển biến tích cực. Đến hết tháng 7.2019, toàn vùng có 2.386/3.474 xã (chiếm 68,7% số xã) được công nhận đạt chuẩn NTM (tăng 47,58% so với cuối năm 2015), cao hơn nhiều so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,26%); 10/17 tỉnh, thành phố đã đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm các gian hàng giới thiệu sản phẩm nông thôn mới của các địa phương
Ảnh: H. Phong

Theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, quá trình triển khai, các địa phương trong khu vực gặp không ít khó khăn, thách thức; song các địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để về đích NTM và trở thành điển hình nhân rộng ra cả nước. Đặc biệt, xác định xây dựng NTM “chỉ có khởi đầu, không có kết thúc”, nhiều địa phương đã có chủ trương các xã sau khi đã đạt chuẩn NTM được chỉ đạo xây dựng xã NTM kiểu mẫu với các tiêu chí nâng cao… ‘‘Chúng tôi rất mừng vì sự chuyển biến trong nhận thức của người dân trong xây dựng NTM. Kết quả này của vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ thấm đẫm công sức của cả hệ thống chính trị’’, ông Cường nhấn mạnh.

Đơn cử, với Nghệ An - tỉnh có diện tích rộng nhất nước, với 80% dân số sống ở vùng nông thôn, miền núo, việc xây dựng NTM ở đây có những đặc thù riêng, với những cách làm hết sức đặc biệt. Theo chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh, địa phương đã có nhiều giải pháp sáng tạo, kiên trì xây dựng NTM theo các nguyên tắc: Xây dựng NTM gắn liền với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ưu tiên cho đầu tư phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập người dân; tập trung nâng cao dân trí; xây dựng môi trường sạch, đẹp, xanh tươi, giữ được bản sắc làng quê; xây dựng NTM là một quá trình liên tục và sớm thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, thành thị.

Tương tự với Hà Tĩnh, mô hình xây dựng khu dân cư kiểu mẫu và vườn mẫu NTM đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân thông qua mô hình kinh tế hộ; cải thiện môi trường; xây dựng làng quê thành những ‘‘nơi đáng sống’’ gắn với phát triển du lịch... Hay như ở Hà Nội, để thực hiện có hiệu quả chương trình, Thành ủy đã cụ thể hóa bằng Chương trình số 02 ngày 29.8.2011 về Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011 - 2015 và Chương trình số 02 ngày 26.4.2016 về Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020 mà trọng tâm là xây dựng NTM. Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2020 có từ 10 huyện trở lên đạt chuẩn NTM, các xã cơ bản đạt chuẩn NTM, có từ 60 xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao, 20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Còn với Quảng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Huy Hậu cho biết: Đời sống sản xuất của nông dân thì ổn định và phát triển nhờ nhiều mô hình hay; nổi bật là chương trình mỗi xã một sản phẩm. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Ngô Gia Tự nêu nhiều sáng kiến trong huy động và tổ chức các hội, đoàn thể và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan khu vực nông thôn.

Tránh thỏa mãn, tự bằng lòng

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ thời gian qua còn không ít hạn chế, bất cập. Kết quả xây dựng NTM giữa các tỉnh, thành phố trong vùng có sự chênh lệch khá lớn, trong khi Nam Định có 100% số xã, huyện đã đạt chuẩn NTM và nhiều tỉnh, thành phố có hơn 80% số xã đạt chuẩn (Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội...), thì một số tỉnh vẫn còn mức dưới 50% số xã đạt chuẩn (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình). Một số tỉnh, mức đạt được các mục tiêu vẫn còn tương đối thấp so với khu vực và so với cả nước (Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế). Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các làng nghề vẫn là vấn đề còn gây nhiều bức xúc, khó khăn ở các địa phương; các mô hình liên kết sản xuất vẫn chưa có tác dụng lan tỏa; tình trạng cứng hóa nông thôn bằng bê tông; an ninh trật tự nông thôn vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ, giá trị văn hóa bản sắc từng vùng quê chưa được phát huy...

Thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần thay đổi phương thức sản xuất của người dân nhằm nâng cao thu nhập, gắn với thị trường, đồng thời kết hợp với doanh nghiệp để nông sản tạo thành chuỗi khép kín nâng cao chất lượng các sản phẩm; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng NTM phải gắn với môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa... Từ góc độ địa phương còn nhiều khó khăn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng kiến nghị Chính phủ có cơ chế chính, sách đặc thù về đầu tư cho các xã biên giới, vùng bãi ngang ven biển; ưu tiên kinh phí để người dân làm du lịch ở miền núi, vùng biển đảo để đang dạng sinh kế cho người dân.

Nhấn mạnh vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ là nơi hội tụ những điểm sáng, những sáng tạo đột phá, những cách làm hiệu quả nhất về xây dựng NTM của cả nước trong những năm qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân; tránh tư tưởng thỏa mãn, tự bằng lòng. Theo đó, mỗi địa phương phải xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Trên cơ sở đó, phát huy dân chủ và vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM. Đặc biệt, không ngừng đổi mới, đưa ra nhiều sáng kiến, cách làm hay để phổ biến và nhân rộng… Đồng thời, mỗi địa phương phải thường xuyên rà soát từng mục tiêu, tiêu chí để có kế hoạch, lộ trình nâng chất các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng bảo đảm chất lượng, bền vững, nhất là các tiêu chí liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp; thúc đẩy liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn… ‘‘Đẩy mạnh các tour, tuyến du lịch NTM gắn với các địa danh lịch sử, cách mạng cũng như các điểm nhấn về du lịch biển. Từ đó, góp phần tăng nhanh số lượng du khách trong nước cũng như quốc tế đến thăm các vùng nông thôn, để thực sự được trải nghiệm nông thôn bình yên, đáng sống của Việt Nam’’, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

DIỆP ANH