Kỳ vọng gì ở các "tư lệnh" ngành

PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN KINH TẾ NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Chính phủ cần tập trung tái cơ cấu và xử lý nợ công

- Thứ Ba, 15/03/2016, 07:38 - Chia sẻ
LTS: Tại Kỳ họp thứ 11 tới, QH Khóa XIII dự kiến sẽ dành 12 ngày để xem xét, quyết định các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước do QH bầu hoặc phê chuẩn, trong đó có vị trí các bộ trưởng, trưởng ngành. Đây là một điểm mới so với thông lệ các nhiệm kỳ trước, công việc nhân sự Nhà nước sẽ được tiến hành vào kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ QH khóa mới. Ngoài những tiêu chuẩn “cứng” theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Trung ương, Bộ trưởng, trưởng ngành cần những tố chất, kỹ năng “mềm” nào để có thể đảm đương được vị trí Tư lệnh ngành, lĩnh vực? Để rộng đường dư luận, Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng mở chuyên mục “Kỳ vọng gì ở các Tư lệnh ngành”, bắt đầu với ý kiến của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế NGUYỄN ĐỨC KIÊN nhận định, 2016 - 2021 sẽ là nhiệm kỳ nhiều chông gai, thử thách. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ là tái cơ cấu nền kinh tế, phải xóa sạch sự giằng níu của các nhóm lợi ích để làm cho được nhiệm vụ sống còn này…

>> Thống nhất để tạo sức mạnh

>> Không phải cứ nhiều mới đại diện tốt

>> Không độc lập tự chủ sẽ bị phụ thuộc

Thành công nhất là đổi mới thể chế

- Với việc QH phê chuẩn nhân sự cấp cao của Nhà nước ngay tại Kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ này, bộ máy nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ đi vào vận hành sớm hơn khoảng 3 tháng so với thông lệ trước đây. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

 
Phải chấm dứt bằng được căn bệnh thích thành tích, thích hoành tráng, từ con số đăng ký thành lập doanh nghiệp mới lớn nhất từ trước đến nay, con số đăng ký vốn đầu tư FDI nhiều nhất, cam kết đầu tư kỷ lục đến xây dựng trụ sở mới, tượng đài... Các nước trên thế giới không nhìn vào những con số ảo đó để hoạch định chiến lược phát triển mà nhìn vào con số thực tế bao nhiêu doanh nghiệp thực hoạt động, bao nhiêu vốn thực được đưa vào nền kinh tế.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế NGUYỄN ĐỨC KIÊN

- Thông thường, tại Kỳ họp thứ nhất của nhiệm kỳ mới (vào tháng 7), QH tiến hành xem xét, phê chuẩn nhân sự cấp cao của Nhà nước. Trong khi đó, Đại hội Đảng toàn quốc diễn ra vào tháng 1. Tức là, phải gần hết năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm, chúng ta mới có bộ máy nhà nước mới để triển khai thực hiện các nhiệm vụ 5 năm. Vì thế, việc QH xem xét, phê chuẩn nhân sự cấp cao tại kỳ họp tháng 3 tới là một cách làm mới, rút ngắn được thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng. Cách làm này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, phản ánh khoa học quản lý nhà nước trên thế giới, đó là khoa học về chuyển giao quyền lực chính trị.

- Nếu chấm điểm Chính phủ 5 năm qua, ông sẽ chấm thế nào?

- Từ góc độ cá nhân, tôi cho rằng, trong 5 năm qua, Chính phủ đã làm được rất nhiều việc. Trong đó, việc quan trọng nhất là, Chính phủ đã nỗ lực cùng với QH thể chế hóa và cụ thể hóa Cương lĩnh 2011 và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Chính phủ đã phối hợp rất chặt chẽ với QH để sửa đổi Hiến pháp và sau đó, đã trình QH ban hành một loạt các luật theo tinh thần mới của Hiến pháp 2013, thực hiện đổi mới thể chế một cách đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, quyền con người, tư pháp... Điều quan trọng nữa là, tinh thần của Hiến pháp 2013 và các đạo luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới sau khi có Hiến pháp hoàn toàn phù hợp với cam kết của các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta ký kết thời gian qua. Điều này cho thấy, nhận thức của chúng ta về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo Cương lĩnh 2011 và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng là đúng hướng. Sự hài hòa giữa pháp luật trong nước với các cam kết quốc tế cũng sẽ tạo thuận lợi căn bản để chúng ta thực hiện có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới.

Về tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng và nghị quyết của QH – vốn vẫn hay bị các ĐBQH chê là còn chậm trong các nhiệm kỳ trước đây thì 5 năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã làm quyết liệt hơn, trong đó, nổi lên một số bộ như Bộ Giao thông - Vận tải, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… đã để lại nhiều dấu ấn và được dư luận xã hội, cử tri ghi nhận.

- Còn về hạn chế thì sao, thưa ông?

- Hạn chế, tồn tại trong hoạt động của Chính phủ thì tôi cho rằng, trong các báo cáo trình QH tại các Kỳ họp cuối năm, Chính phủ cũng đã nêu khá rõ rồi. Từ quan điểm cá nhân thì hạn chế hay nói chính xác hơn là, điều chưa được như mong muốn, kỳ vọng của tôi là chúng ta chưa chuyển được mô hình từ Chính phủ sản xuất sang Chính phủ dịch vụ công. 5 năm qua, nợ công tăng gấp đôi nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế lại thấp hơn so với nhiệm kỳ trước cũng có một phần nguyên nhân từ điều này.


Phải “cắn răng” lại mà tái cơ cấu kinh tế…

- Nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Chính phủ trong hình dung của ông sẽ thế nào?

- Có lẽ sẽ là một nhiệm kỳ đầy chông gai, thách thức. Chưa có nhiệm kỳ nào mà ở thời điểm chuyển giao, tình hình kinh tế - xã hội lại đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như bây giờ, đặc biệt là những khó khăn về ngân sách, nợ công… Nhưng tôi tin, chúng ta sẽ lựa chọn được một ekip Chính phủ mới đủ năng lực, đủ mạnh mẽ, đủ quyết liệt, đủ táo bạo để chèo lái đất nước trong bối cảnh áp lực của hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng khốc liệt.

-Theo ông, Chính phủ nên ưu tiên cho việc gì?

- Không phải “nên” mà là “phải” nâng cao chất lượng hoạt động chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực kinh tế. Hiện nay, từ nhận thức đến hành động và từ hành động đến kết quả cụ thể, chúng ta đang cần thời gian khoảng từ 3 đến 5 năm. Ví dụ, câu chuyện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã được đặt ra từ những năm 2007 – 2008 nhưng đến nay, tức là đã 7 – 8 năm, kết quả vẫn chưa rõ nét. Nếu phương thức điều hành, phương thức hành động không thay đổi một cách quyết liệt hơn nữa thì việc tận dụng lợi thế, cơ hội mà hội nhập quốc tế mang lại cho đất nước sẽ vô cùng khó khăn. Sau TPP, nếu chúng ta không tận dụng được nữa thì đoàn tàu tốc hành của thế giới đã đi rồi. Chúng ta không thể đi tàu chợ mà hy vọng đuổi kịp tàu tốc hành được. Chỉ còn một cơ hội duy nhất là TPP để chúng ta vươn lên.

- Cụ thể, trong điều hành kinh tế cần tập trung làm gì trước, thưa ông?

- Theo tôi, Chính phủ cần tập trung vào hai nhiệm vụ chính là tái cơ cấu nền kinh tế và xử lý nợ công.

Với tái cơ cấu nền kinh tế, người đứng đầu Chính phủ phải quyết liệt, phải gạt sạch những nhóm lợi ích đang giằng níu vừa qua thì mới làm được việc này. Phải xác định rõ, đây là nhiệm vụ sống còn trong giai đoạn tới.

Với xử lý nợ công, nợ công đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua nhưng cùng với những biến động, bất ổn của kinh tế thế giới, thu ngân sách của nước ta bị sụt giảm mạnh dẫn đến khả năng trả nợ gặp khó khăn. Tôi vẫn khẳng định lại quan điểm của mình, vấn đề không phải là chúng ta nợ 65% GDP hay bao nhiêu phần trăm GDP là an toàn mà là nợ ai và khả năng trả nợ như thế nào? Mỹ nợ 100% GDP nhưng 100% này đều là nợ nội địa nên không vấn đề gì. Nhật Bản cũng nợ tới khoảng 170% GDP nhưng chủ yếu là nợ nội địa. Còn chúng ta thì chủ yếu là vay nước ngoài. Bản chất các khoản nợ của ta và Mỹ, Nhật Bản là khác nhau. Nợ nước ngoài nếu đến hạn không trả được sẽ bị tuyên bố phá sản. Chúng ta hội nhập quốc tế rồi. Luật chơi quốc tế rất sòng phẳng như vậy. Vì thế, trong nhiệm kỳ này, chúng ta cũng phải xử lý bằng được bài toán nợ công này. Tất nhiên, phải xử lý một cách căn cơ bằng việc nâng cao hiệu quả của nền kinh tế trong nước chứ không thể bằng các biện pháp ngắn hạn như lại đi vay… Và để làm được như vậy thì như tôi đã nói, trước hết, chúng ta phải cắn răng lại mà tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi bằng được mô hình tăng trưởng như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng đã nêu.

- Xin cảm ơn ông!

Bạch Long thực hiện