Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ làm việc với Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

- Thứ Năm, 13/02/2020, 10:15 - Chia sẻ
Sáng 12.2, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ đã làm việc với Ban Dân nguyện.

Đổi mới và sáng tạo

Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội tại cuộc làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu rõ: năm 2019, Ban Dân nguyện đã hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch công tác với nhiều đổi mới, sáng tạo, được Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong năm 2020, Ban Dân nguyện sẽ tăng cường công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ… để nâng cao chất lượng công tác tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc trong lĩnh vực dân nguyện, đặc biệt trong giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri. Ban Dân nguyện sẽ tăng cường công khai, minh bạch trong công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, đơn thư khiếu nại tố cáo; đồng thời tiếp tục đổi mới công tác thông tin, truyền thông tới cử tri về các kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, qua đó phát huy vai trò giám sát của các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH và cử tri trong lĩnh vực này. Tích cực đổi mới phương pháp làm việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn liền với Đề án xây dựng Quốc hội điện tử... Đặc biệt sẽ tập trung giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đôn đốc, theo dõi, giám sát việc giải quyết trả lời khoảng 600 kiến nghị cử tri đang tồn đọng từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đến nay.


Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại buổi làm việc với Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tại cuộc làm việc, Ban Dân nguyện cũng đã báo cáo cụ thể với Phó Chủ tịch Quốc hội về việc xây dựng Đề án chuyển Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội. “Ban Dân nguyện sẽ kiên trì với Đề án này để báo cáo Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2020 vì nếu Đề án được thông qua sẽ giúp ích rất nhiều cho người dân và cho Quốc hội. Cũng trong năm, Ban sẽ tổ chức Hội nghị về công tác dân nguyện tại 3 miền Bắc, Trung và Nam Bộ”, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.

Theo Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng: xét về thẩm quyền, Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội không quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền tiếp công dân; Luật Tiếp công dân quy định các cơ quan của Quốc hội (Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban) có thẩm quyền tiếp công dân. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, Ban Dân nguyện đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân. Dù Ban Dân nguyện đang thực hiện và đã làm tốt nhiệm vụ này nhưng về mặt lý luận, pháp lý cũng có nhiều băn khoăn. Vậy tại sao không quy định ngay trong Luật Tổ chức Quốc hội giao thẩm quyền tiếp công dân cho Ban Dân nguyện? – Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi.

Về kiến nghị của cử tri, Ban Dân nguyện “đang xử lý thô, mà chưa xử lý được tinh”. Theo đó, sau khi nghiên cứu, chuyển đơn, thư kiến nghị của cử tri thì Ban Dân nguyện không có thẩm quyền đôn đốc Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Nói đúng hơn là hiện nay, dù Ban Dân nguyện đang làm hết trách nhiệm nhưng lại không có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Ban Dân nguyện không có thẩm quyền giám sát, nhưng Trưởng ban Dân nguyện lại được giao thẩm quyền giám sát các vụ việc ở địa phương. Tuy nhiên, sau khi phát hiện, xử lý vướng mắc, muốn theo đuổi vấn đề đến cùng thì chỉ có thể thực hiện với tư cách là đại biểu Quốc hội chứ không thể với tư cách của Ban Dân nguyện vì Ban chưa được giao thẩm quyền. Trừ trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Dân nguyện tiếp tục chủ trì, theo dõi, đôn đốc quá trình thực hiện, kiến nghị biện pháp xử lý thì câu chuyện sẽ khác. Nhưng về cơ bản, theo Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng, hiện nay, Ban Dân nguyện đang thiếu tính chính danh trong thực hiện một số nhiệm vụ.

Quyết tâm làm vì có lợi cho dân, cho nước

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ ghi nhận, biểu dương những kết quả mà Ban Dân nguyện đã đạt được; khẳng định, năm 2019, công tác dân nguyện đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, với cách làm rất khoa học, chặt chẽ và thuyết phục, hiệu quả.

Năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ, cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, Việt Nam đảm nhận đồng thời nhiều trọng trách như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA; tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII... Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ban Dân nguyện cần xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ chi tiết để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong điều hành, cần chú ý nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết trong tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, nâng cao kỷ luật công vụ. Đồng thời, cần làm tốt hơn nữa công tác tiếp dân, duy trì trụ sở tiếp dân ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; chú ý làm khâu nối, tổ chức để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tham gia tiếp dân theo đúng quy định. Ghi nhận kiến nghị của Ban Dân nguyện về việc thí điểm tổ chức tiếp dân ở miền Trung, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Ban Dân nguyện trao đổi thêm với Chính phủ để có chủ trương thống nhất về vấn đề này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị, Ban Dân nguyện cần tích cực, chủ động trong chỉ đạo, tham mưu xử lý đơn thư, không để tồn đọng; cải tiến hình thức phân loại đơn, thư, phân loại sơ bộ, phân loại theo thứ tự ưu tiên gắn trách nhiệm xử lý đơn, thư với từng bộ, ngành, công chức. Bám sát, phản ánh nhanh, kịp thời, chính xác đơn, thư nguyện vọng cử tri, phản ánh đúng vấn đề nổi lên mà nhân dân, cử tri đang mong muốn giải quyết, nhất là trường hợp đã diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa được giải quyết. Tăng cường giám sát giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, cụ thể giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Thông qua giám sát, phải đề xuất vấn đề cụ thể cần cải tiến trong hoạt động giám sát. Trong xây dựng báo cáo giám sát phải bảo đảm chất lượng, phản ánh thực chất việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri. Tập trung đánh giá việc thực hiện các kiến nghị trong báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp của Quốc hội, cũng như vấn đề được cử tri kiến nghị nhiều lần, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan đến việc chậm triển khai và không triển khai việc giải quyết kiến nghị cử tri...

Về hoàn thiện, củng cố thêm nội dung Đề án chuyển Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ban Dân nguyện phải xác định đây là quyết tâm chính trị, vì mục tiêu chung đó là nâng tầm công tác dân nguyện, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Điều này đã có cơ sở pháp lý và thực tiễn; có sự đồng tình và chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên cần làm vì cái chung, làm vì có lợi cho dân, cho nước. Nếu làm được bây giờ sẽ tạo điều kiện tốt cho nhiệm kỳ sau. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Ban Dân nguyện cần tiếp tục giải trình, tiếp thu, luận giải rõ các ý kiến phát biểu về tính hợp hiến, hợp pháp, về chức năng, nhiệm vụ để khẳng định vững chắc việc chuyển Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội là hoàn toàn có cơ sở.

Tin và ảnh: Hoàng Ngọc