Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự Phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế

- Thứ Sáu, 25/09/2020, 17:41 - Chia sẻ
Ngày 25.9, tại Quảng Ninh, Ủy ban Kinh tế họp Phiên toàn thể lần thứ 14 để thẩm tra báo cáo đánh giá về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; dự kiến kế hoạch năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020; và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì cuộc họp.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong bối cảnh khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục phát triển ổn định, có nhiều điểm sáng.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế tế giới (WHO), Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh và đã có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp, đồng thời kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế       

Cùng với đó, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tốc độ tăng trưởng cả năm 2020 ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,5 - 3,9% (mục tiêu là dưới 4%). Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 33,6% GDP (mục tiêu là 33 - 34% GDP). Thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài tốt với tổng số vốn đăng ký mới, bổ sung và góp vốn, mua cổ phần đạt trên 20 tỷ USD.

"Dự kiến, Chính phủ sẽ điều hành đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao", ông Phương cho biết.

Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, trong tổng số 21 chỉ tiêu được Quốc hội giao, hiện chưa có thông tin, số liệu của 3 chỉ tiêu. Trong tổng số 18 chỉ tiêu đã có đánh giá sơ bộ, có 14/18 chỉ tiêu đạt và vượt và 4 chỉ tiêu không đạt, gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị.

Về kết quả cơ cấu lại nền kinh tế, kết quả sơ bộ cho thấy, trong số 22 mục tiêu được giao, có 14 mục tiêu hoàn thành, 1 mục tiêu dự kiến hoàn thành và 7 mục tiêu không có khả năng hoàn thành.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp  

Bước đầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng dự kiến một số chỉ tiêu cho năm 2021, trong đó, trong đó: GDP tăng khoảng 6-6,5%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%... 

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận về các nhóm vấn đề đối với từng báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh gợi ý. Đó là, có cần gói hỗ trợ lần 2 với các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid – 19 hay không? Nếu dịch bệnh kéo dài thì dự báo cho nền kinh tế và định hướng các giải pháp như thế nào? Khả năng hụt thu ngân sách năm nay sẽ làm tăng bội chi và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp bị ảnh hưởng ra sao? 8 tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 47%, liệu cả năm có thể giải ngân 100% như chỉ đạo của Thủ tướng không? Cùng với đó là tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và xử lý các dự án yếu kém; các vấn đề xã hội như môi trường, nhà ở xã hội, nạn buôn bán ma túy ngày càng nghiêm trọng, hiện tượng suy đồi đạo đức, lối sống lệch chuẩn.

Liên quan đến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu các vấn đề: kết quả thực hiện 3 đột phá chiến lược; các yếu tố làm tăng năng suất lao động; thu ngân sách địa phương đạt tốt nhưng từ nguồn nào, chi tiêu và phân bổ ngân sách có bảo đảm  tiến độ và không dàn trải; trong khu vực kinh tế tư nhân, số doanh nghiệp đầu đàn còn rất ít; khó khăn, thách thức trong giảm nghèo...

Ủy ban Kinh tế họp phiên toàn thể lần thứ 14  

Về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, kết quả thực hiện 108 nhiệm vụ ra sao, có hay không tình trạng ở cấp cao thì mạnh, xuống dưới càng có vẻ yếu đi…

Các báo cáo đánh giá về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; dự kiến kế hoạch năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020; và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 sẽ được Ủy ban Kinh tế trình Quốc hội tại Kỳ họp vào tháng 10 tới. Vì vậy, “phiên họp này có ý nghĩa quan trọng, ngoài đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 còn xem xét kết quả của cả giai đoạn. Đây là tiền đề định hướng cho giai đoạn sắp tới, đặc biệt trong bối cảnh năm nay dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Đối với các báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị chuyển từ lượng thành chất để cô đọng hơn, giúp đại biểu đọc ít mà nắm bắt được tất cả kết quả đạt được và những khó khăn, yếu kém; đưa ra giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

H.Lan