Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Giang

- Thứ Năm, 22/08/2019, 16:18 - Chia sẻ
Sáng 22.8, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác của QH đã làm việc với cán bộ, lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Giang.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang

Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế. Về phía tỉnh Hà Giang có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh; Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn; Giám đốc các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Văn hóa, Du lịch và Thể thao…

Trình bày Báo cáo của của tỉnh Hà Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế của tỉnh có mức tăng trưởng khá, với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 6 - 7%/năm. Thu ngân sách tăng qua các năm, dự kiến trong năm 2019 ước đạt 2.200 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư công đạt 37%. Hà Giang đã phát huy nội lực và lồng ghép sử dụng các nguồn lực, cũng như khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Trung ương để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, tạo diện mạo mới từ nông thôn đến thành thị. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được tích cực chuyển đổi, tạo sự chuyển biến và đổi mới mạnh mẽ về cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, giúp thay đổi mô hình, phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất trong ngành nông nghiệp, cũng như tại khu vực nông thôn. Thu nhập và đời sống của người dân dần được cải thiện. An ninh, quốc phòng được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được ổn định.


Đoàn công tác nghe Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn báo cáo tình hình kinh tế - xã hội

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Giang đã ban hành một số chính sách đạt hiệu quả cao, như khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa, phát triển du lịch, khuyến khích phát triển kinh tế biên mậu, và hỗ trợ cán bộ công chức viên chức, lao động hợp đồng tự nguyện thôi việc, nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, tăng trưởng các ngành, lĩnh vực thiếu tính bền vững, chủ yếu dựa vào đầu tư từ ngân sách, quy mô nền kinh tế của tỉnh còn rất nhỏ so với nhiều địa phương khác. “Kết cấu hạ tầng phát triển KT-XH của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là hệ thống đường giao thông, giải quyết nước sinh hoạt cho 4 huyện viên giới vùng cao nguyên đá Đồng Văn”. Nhấn mạnh khó khăn này, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đề nghị, hỗ trợ kinh phí trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 4 nghìn tỷ đồng để thực hiện giai đoạn I xây dựng tuyến đường cao tốc từ huyện Bắc Quang nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; bố trí 282 tỷ đồng để thực hiện các gói thầu còn lại của dự án nâng cấp quốc lộ 279 (có chiều dài 13 km). Đồng thời, bố trí vốn để đầu tư các hồ nước cho 4 huyện trên cao nguyên đá Đồng Văn, nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số (vốn đầu tư 2.103 tỷ đồng); hỗ trợ kinh phí để di dời bà con ở thị trấn Cốc Pài, huyện Xí Mần ra khỏi vùng sạt lở, đến nơi ở mới.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, trong thời gian qua, với sự nỗ lực của Đảng bộ, nhân dân, Hà Giang đã duy trì tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá, đời sống nhân dân được cải thiện…


Toàn cảnh buổi làm việc

Phó Chủ tịch QH nêu rõ, Hà Giang có nhiều tiểu vùng thuận lợi cho phát triển dược liệu; có lịch sử, văn hóa đa dạng, với có nhiều điểm nhấn không phải địa phương nào cũng có; lực lượng lao động trên 50% qua đào tạo, nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang có tinh thần đổi mới, ý chí khát vọng vươn lên. Đây là điểm thuận lợi để tỉnh phát triển bứt phá trong thời gian tới. Tuy nhiên, Hà Giang có khó khăn khi hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện; mất cân đối giữa nhu cầu phát triển của địa phương với nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương; mất cân đối về lao động; sản xuất còn nhỏ và manh mún, chưa tạo ra khối lượng hàng hóa lớn; chưa tạo ra thương hiệu, giá trị kinh tế cao.

Phó Chủ tịch QH gợi mở, Hà Giang nên lựa chọn cách đi riêng, trong đó chú trọng coi phát triển nông nghiệp là lợi thế, xương sống, trục chính để tạo sự thay đổi cho tỉnh trong thời gian tới. Phát triển theo hướng hình thành nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững; kết hợp với sản phẩm truyền thống với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng phương thức sản xuất mới; kiên quyết từ bỏ những sản phẩm không có hiệu quả; nâng cao hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp Hà Giang. Đồng thời, cần tập trung phát triển dịch vụ, thông qua xây dựng chính sách phát triển du lịch phù hợp, quan tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp để hỗ trợ cho du lịch. Phó Chủ tịch QH cũng gợi mở, Hà Giang nên thu hút đầu tư vào các dự án về công nghiệp để phục vụ nông nghiệp, du lịch.

Ghi nhận các kiến nghị của Hà Giang, Phó Chủ tịch QH đề nghị, UBND tỉnh Hà Giang cần sớm báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền về nguy cơ sạt lở ở thị trấn Cốc Pài, huyện Xí Mần, chậm nhất là trước 10.9 tới…


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác của Quốc hội tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh tại cao điểm 468

+ Trước đó, tại Hà Giang, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác đã đến dâng hương tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại cao điểm 468, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.

Tin và ảnh: Phương Thủy