Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì họp Đoàn công tác số 1 giám sát về phòng, chống xâm hại trẻ em

- Thứ Ba, 20/08/2019, 07:22 - Chia sẻ
Chiều 19.8, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Trưởng đoàn giám sát của QH “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, đã chủ trì họp Đoàn công tác số 1 của Đoàn giám sát.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu rõ, Đoàn công tác số 1 sẽ tập trung nghe Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em báo cáo một số vấn đề về tình hình phòng, chống xâm hại trẻ em tại Hà Nội và Hòa Bình; một số vụ xâm hại trẻ em nổi cộm xảy ra trên địa bàn Hà Nội và Hòa Bình từ năm 2015 đến nay. Đại diện lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Công an báo cáo bổ sung về tình hình phòng, chống xâm hại trẻ em tại hai địa phương nêu trên. Cuộc họp được diễn ra trước thềm giám sát thực tế tại TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình.


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi làm việc Ảnh: Phương Thủy

Theo thông tin từ Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Vũ Thị Kim Hoa, số liệu trẻ em bị xâm hại của TP Hà Nội từ năm 2015 đến hết tháng 6.2019 là 365 vụ với 313 trẻ em bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục 199 vụ, với 220 trẻ em bị xâm hại. Từ 2015 - 2018, xâm hại trẻ em có xu hướng tăng.

Trước tình hình này, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 16 ngăn ngừa, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn thành phố; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác trẻ em các cấp, đội ngũ làm công tác trẻ em ở cơ sở tại thôn bản đã được kiện toàn; công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về trẻ em được thực hiện thường xuyên, tạo sự đồng thuận và cam kết trách nhiệm, hành động của các cấp, ngành, cộng đồng, gia đình và bản thân trẻ em…

Tại Hòa Bình, Phó Cục trưởng Vũ Thị Kim Hoa cho biết, từ năm 2015 đến hết tháng 6.2019 có 123 vụ xâm hại trẻ em, xâm hại 125 trẻ em. Trong đó, xâm hại tình dục 110 vụ, xâm hại tình  dục 112 em. Từ năm 2015 - 2016, xâm hại trẻ em có xu hướng tăng, từ năm 2017 đến 6 tháng đầu năm 2019 có xu hướng giảm. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em; tổ chức nhiều hoạt động can thiệp hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, trong đó đặc biệt quan tâm đến nhóm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, theo đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình là hai địa phương chưa thành lập tổ chức Hội Bảo vệ quyền trẻ em nên việc thu thập thông tin đối với Hội còn nhiều khó khăn. Điểm chung của hai báo cáo đều đề cập đến nhận thức quyền trẻ em của gia đình, cộng đồng còn hạn chế, một số cấp ủy, chính quyền, cộng đồng chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề xâm hại trẻ em; công tác phát hiện vụ việc tại cơ sở chưa kịp thời và nhiều cán bộ năng lực còn hạn chế, lúng túng trong đề xuất biện pháp giải quyết…

Hoan nghênh tổ giúp việc và các bộ, ngành đã chủ động yêu cầu địa phương, cơ sở có báo cáo bước đầu, nêu rõ tình hình, diễn biến, giải pháp, kiến nghị trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là thông tin quý, giúp Đoàn giám sát khi giám sát trực tiếp tại cơ sở, địa phương thuận lợi hơn.

Tại phiên họp, Đoàn công tác số 1 cũng thống nhất về nội dung, chương trình, phương pháp làm việc. Dự kiến, Đoàn sẽ xem xét một số hồ sơ vụ án xâm hại trẻ em, qua đó đánh giá phương pháp làm việc với đối tượng là trẻ em đã phù hợp chưa; cách tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm kịp thời chưa; cách thụ lý, xử lý vụ án của cơ quan đoàn thể ra sao. Đáng lưu ý, qua báo cáo tại TP Hà Nội, tỉnh Hòa Bình cho thấy số vụ xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng, do vậy, Đoàn giám sát đề nghị, các địa phương, bộ, ngành cần bổ sung số liệu tình hình xâm hại trẻ em trước năm 2015 (từ 2011 - 2015).

Hoàng Ngọc