Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Phiên họp thứ Hai của Đoàn giám sát về phòng, chống xâm hại trẻ em

- Thứ Sáu, 06/12/2019, 15:19 - Chia sẻ
Sáng 6.12, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Uông Chu Lưu, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đã họp phiên thứ Hai.

Tham dự phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó trưởng Đoàn thường trực Lê Thị Nga; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện, Phó trưởng đoàn Nguyễn Thanh Hải.


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Phiên họp thứ Hai của Đoàn giám sát về phòng, chống xâm hại trẻ em 

Tại Phiên họp, Đoàn giám sát đã nghe báo cáo của 3 đoàn công tác. Cụ thể, Đoàn công tác số 1 đã giám sát tại TP Hà Nội, TP Hải Phòng và các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Quảng Ninh. Đoàn công tác số 2 giám sát tại các tỉnh Nghệ An, Lào Cai, Phú Thọ, Lạng Sơn, Đăk Lăk và TP Đà Nẵng. Đoàn công tác số 3 giám sát tại TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, các tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Phước.

Qua báo cáo của 3 đoàn công tác cho thấy, tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, có chiều hướng gia tăng so với giai đoạn 2011 – 2015. Trẻ em bị xâm hại bởi nhiều hình thức khác nhau, nhưng chủ yếu là xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em. Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em đa dạng, trong đó có cả cha mẹ, người thân thích, ruột thịt. Các đối tượng xâm hại thường lợi dụng sự sơ hở của gia đình trẻ em, trẻ em ở nhà một mình, nơi vắng vẻ, địa hình đồi núi, trẻ em thiếu hiểu biết về giới tính và khả năng phòng vệ để dụ dỗ, đe dọa và thực hiện hành vi xâm hại. Nhiều trường hợp, đối tượng lợi dụng mạng xã hội để làm quen, dụ dỗ, thực hiện hành vi giao cấu, hiếp dâm nạn nhân. Hậu quả do hành vi phạm tội gây ra rất nghiêm trọng, có trường hợp đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến chết người, một số cháu có thai, sinh con trong khi tuổi đời còn rất nhỏ.

Qua giám sát ở các địa phương, các Đoàn công tác cũng cho biết, công tác thống kê số liệu hầu như chưa được thực hiện thường xuyên, chưa chặt chẽ, dẫn tới tình trạng có địa phương không thống kê và đánh giá được số liệu cụ thể về tình hình trẻ em theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Một số địa phương phải đính chính số liệu nhiều lần. Hệ quả của việc này là sự quản lý thiếu chặt chẽ, nhiều trường hợp các chính sách chăm sóc, bảo vệ hỗ trợ kịp thời hoặc không phù hợp, đầy đủ đối với các em, nhất là nhóm trẻ đến tuổi đi học nhưng không đến trường, trẻ bỏ nhà đi lang thang, trẻ có cha mẹ ly hôn, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Hầu hết các địa phương đều mới quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em nói chung mà chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm phòng, chống xâm hại trẻ em, chưa dành sự quan tâm đúng mức, chưa đầu tư thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ nghiêm trọng của tình trạng xâm hại trẻ em. Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, chúng ta không có vướng mắc trong hệ thống pháp luật hiện hành mà chủ yếu do công tác triển khai thực hiện. Trong đó cần làm rõ trách nhiệm hướng dẫn của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đối với những hạn chế trong công tác ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của UBND và các sở, ban, ngành thực hiện chức năng này tại các địa phương.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đoàn công tác tiếp tục hoàn thiện báo cáo để làm căn cứ xây dựng Báo cáo chung của Đoàn giám sát với những nhận định khách quan, toàn diện, trung thực nhất về tình hình xâm hại trẻ em diễn ra ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. Chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm, bài học kinh nghiệm và giải pháp, kiến nghị, đề xuất trong thời gian tới. Dự kiến Báo cáo của Đoàn giám sát sẽ được trình UBTVQH vào tháng 4.2020.

Hoàng Ngọc