Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự Hội nghị Cộng tác viên toàn quốc Báo Đại biểu Nhân dân 2019 tại Bình Định

- Thứ Năm, 21/03/2019, 12:50 - Chia sẻ
Sáng nay, 21.3, tại TP Quy Nhơn, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị Cộng tác viên toàn quốc 2019 với chủ đề “Truyền thông về thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu dự và phát biểu chỉ đạo.


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị - Ảnh: Lâm Hiển

Tham dự Hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc; Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc UBTVQH Lưu Bình Nhưỡng; đại diện lãnh đạo một số vụ, cục, đơn vị của VPQH; cùng gần 300 đại biểu là cộng tác viên thân thiết của Báo Đại biểu Nhân dân đến từ Thường trực HĐND các tỉnh, TP trong cả nước, các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Về phía tỉnh Bình Định có: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng; Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Đình Thú; đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND tỉnh…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Đỗ Chí Nghĩa bày tỏ niềm xúc động trước thịnh tình của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Bình Định trong việc tạo điều kiện để Báo Đại biểu Nhân dân cùng các cộng tác viên được gặp gỡ tại nơi được mệnh danh là “đất võ trời văn”, với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nơi kết tinh những giá trị vô giá đã và đang chuyển mình phát triển mạnh mẽ.


Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Đỗ Chí Nghĩa phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: Lâm Hiển

Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân nhấn mạnh, 30 năm qua, Báo Đại biểu Nhân dân đã trưởng thành từ sự quan tâm, quý mến của cơ quan dân cử và bạn đọc cả nước. Đến nay, Báo đã trở thành tờ nhật báo chính trị lớn của cả nước, không ngừng tăng tính hấp dẫn và ảnh hưởng xã hội. Báo ngày càng có những bài viết tăng cường tính phản biện, tranh luận; nhiều cuộc tọa đàm gây được tiếng vang, tạo được dư luận xã hội tốt.

Trong không khí ấm áp, thân tình, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân khẳng định, sự lớn mạnh của Báo Đại biểu Nhân dân ngoài nỗ lực của đội ngũ biên tập viên, phóng viên của báo thì còn có sự đóng góp tích cực bằng những bài viết của đội ngũ cộng tác viên đến từ cơ quan dân cử trong cả nước. Những người làm việc trong cơ quan dân cử hơn ai hết là những người có điều kiện tiếp xúc với người dân, là những người có kiến thức chuyên môn, am hiểu hoạt động của cơ quan dân cử. Do đó, những bài viết của cộng tác viên đã đem đến những bài viết sắc sảo, góp phần xây dựng tờ Báo Đại biểu Nhân dân trở thành diễn đàn trao đổi kinh nghiệm hoạt động QH, HĐND các cấp, đồng thời là nơi gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, đồng hành với tâm nguyện của cử tri. Qua thực tiễn hoạt động và tham khảo ý kiến đóng góp của đội ngũ cộng tác viên, Báo Đại biểu Nhân dân đã lựa chọn chủ đề “Truyền thông về thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra”, nhằm đóng góp giúp Đảng, Nhà nước có thêm thông tin để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần vào mục tiêu chung là xây dựng đất nước, xã hội ngày càng tốt đẹp. Đặc biệt, những ý kiến đóng góp của cộng tác viên sẽ góp phần xây dựng tờ Báo Đại biểu Nhân dân gày càng lớn mạnh và ngày càng xứng đáng là tờ báo gắn bó mật thiết với cơ quan dân cử từ Trung ương đến địa phương và cử tri cả nước.


Các Đại biểu dự Hội nghị - Ảnh: Lâm Hiển

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận sôi nổi về những vấn đề liên quan đến Luật Tổ chức chính quyền địa phương và vai trò của truyền thông trong hoạt động của cơ quan dân cử. Các đại biểu khẳng định, báo chí - truyền thông có vai trò rất lớn đối với việc xây dựng chính sách, thông tin về chính sách và góp phần đưa chính sách vào cuộc sống. Báo chí - truyền thông nói chung, đặc biệt là Báo Đại biểu Nhân dân đã góp phần làm sâu sắc hơn hoạt động của các cơ quan dân cử từ Trung ương đến địa phương.


Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hạnh phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Lâm Hiển

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hạnh, trong những năm qua, cơ quan báo chí địa phương cùng với Báo Đại biểu Nhân dân đã cung cấp những thông tin kịp thời không chỉ trước, trong và sau các kỳ họp HĐND tỉnh, thường xuyên cung cấp thông tin về hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri (TXCT) để thúc đẩy hoạt động HĐND thực chất, có chất lượng và sâu rộng hơn. Báo Đại biểu Nhân dân đã phản ánh trung thực những vấn đề nóng của tỉnh, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT - XH của tỉnh. Bắc Giang cũng đã xây dựng các chuyên trang, chuyên đề về hoạt động HĐND trên Báo Đại biểu Nhân dân, nhằm công khai ban hành chủ trương, chính sách, đưa các nghị quyết vào cuộc sống, đến gần hơn với cử tri và nhân dân.

Khẳng định thông tin báo chí có vai trò rất lớn trong việc xây dựng thông tin về chính sách và đưa chính sách vào cuộc sống, các đại biểu mong muốn, Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục có thêm những chuyên trang phản ánh toàn diện hoạt động cơ quan dân cử và phản ánh các sự kiện lớn của địa phương.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên Giàng Thị Hoa đề nghị Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục tổ chức hội nghị tập huấn về nghiệp vụ báo chí để những người viết báo “không chuyên” có cơ hội được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để có thêm những bài viết hay, đóng góp vào sự lớn mạnh của Báo Đại biểu Nhân dân và thúc đẩy hoạt động HĐND hiệu lực, hiệu quả hơn.

Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, qua thực thi đã nảy sinh một số bất cập - điều này cũng được các đại biểu nêu cụ thể và thảo luận sôi nổi tại hội nghị. Cụ thể, việc xử lý các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND; kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ trong năm; quy định về hoạt động TXCT của đại biểu HĐND… Dẫn ví dụ một quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương: HĐND sẽ bầu Chủ tịch UBND trên cơ sở giới thiệu của Chủ tịch HĐND, Phó Trưởng ban Pháp chế, HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng nêu thực tế, có những địa phương khuyết chức danh Chủ tịch HĐND, như vậy, việc bầu Chủ tịch UBND vướng rất nhiều.
Từ thực tế thực thi ở các địa phương, nhiều đại biểu mong muốn Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục khai thác những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, những kiến nghị của những người hoạt động thực tiễn tại địa phương để kịp thời sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đóng góp vào hiệu quả, hiệu lực hoạt động HĐND các cấp.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Hội nghị Cộng tác viên toàn quốc Báo Đại biểu Nhân dân là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm thông qua sự tương tác giữa Ban biên tập và các cộng tác viên toàn quốc trong công tác báo chí phục vụ hoạt động của QH và HĐND các cấp. Có thể nói rằng, đây không chỉ là hội nghị cộng tác viên của Báo mà là hội nghị của thường trực HDDND các tỉnh, thành phố, Phó Chủ tịch QH nói.

Phó Chủ tịch QH cũng nêu rõ, chủ đề mà Báo lựa chọn cho hội nghị năm nay rất thời sự được nhiều địa phương quan tâm, đặc biệt có liên hệ mật thiết đến việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Đảng, Nghị quyết số 56/2017/QH14 của QH về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với việc nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Qua lắng nghe những tham luận, ý kiến phát biểu của các đại biểu, Phó Chủ tịch QH nhận định, công tác phối hợp truyền thông giữa HĐND với các cơ quan báo chí trong tiến trình triển khai các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là việc thực thi Luật Tổ chức chính quyền địa phương và tiếp tục cải cách bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cũng như việc tới đây tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ các tiêu chuẩn theo quy định là rất quan trọng. Bên cạnh việc báo chí và người dân tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật, HĐND các cấp cũng phải biết khai thác thế mạnh của truyền thông, tạo ra những cách làm mới thiết thực, hiệu quả như tổ chức, tạo điều kiện cho báo chí tham gia giám sát; xây dựng diễn đàn, chuyên mục, chuyên trang đại biểu với cử tri trên phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức giải đáp những khúc mắc trong thực thi pháp luật; tổ chức các lớp tập huấn cho đại biểu HĐND tham gia truyền thông hoạt động của cơ quan dân cử, tổ chức giải  báo chí về hoạt động của HĐND.


Các Đại biểu dự Hội nghị - Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch QH ân cần căn dặn, Báo Đại biểu Nhân dân phải luôn bám sát tôn chỉ, mục đích của mình. Người làm báo Đại biểu Nhân dân phải nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phải đi sâu vào thực tiễn cuộc sống, lăn lộn với thực tiễn, không ngừng rèn luyện để không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn phải có phẩm chất tốt đẹp, bản lĩnh chính trị vững vàng, tỉnh táo khi xử lý thông tin, nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức của người làm báo. Đồng thời, thực hiện tốt lời căn dặn thân tình, sâu sắc của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đối với Báo Đại biểu Nhân dân: “Tâm sáng, trí cao, ngòi bút sắc”.

Tại Hội nghị cộng tác viên năm nay, Báo Đại biểu Nhân dân đã trao Giấy khen cho 35 cộng tác viên xuất sắc năm 2018, ghi nhận những đóng góp tích cực trong việc thông tin tuyên truyền hoạt động của QH và HĐND, góp phần xây dựng, phát triển Báo Đại biểu Nhân dân.

<><><><><><><><><><><>


Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư Ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao giải cho Cộng tác viên được khen thưởng - Ảnh: Khánh Duy


Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Đỗ Chí Nghĩa trao bằng khen cho cộng tác viên. - Ảnh: Khánh Duy


Lãnh đạo Quốc hội chụp lưu niệm cùng các đại biểu dự Hội nghị. - Ảnh: Khánh Duy



Lãnh đạo Quốc hội chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự Hội nghị và cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Đại biểu Nhân dân bên lề Hội nghị 
ĐÀO CẢNH