Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát về FTA với Thường trực Chính phủ và bộ, ngành

- Thứ Tư, 23/09/2020, 19:34 - Chia sẻ
Chiều 23.9, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên đã có cuộc làm việc với Thường trực Chính phủ và một số bộ, ngành có liên quan.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Tòng Thị Phóng chủ trì cuộc làm việc.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì cuộc làm việc

Tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; các Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các bộ, ngành.

Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trình bày, đến nay Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành 15 văn bản pháp luật để thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bao gồm 2 Luật, 3 Nghị định, 9 Thông tư, một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục tiến hành rà soát các văn bản pháp luật hiện hành hoặc ban hành mới để bảo đảm sự tương thích với CPTPP. Đối với nghĩa vụ minh bạch hóa, các bộ, ngành đã hoàn thành tất cả 15 nghĩa vụ thông báo. Về việc tuyên truyền phổ biến về CPTPP và thị trường các nước tham gia CPTPP đã được triển khai tích cực và đa dạng ở cả trung ương và địa phương. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khoảng 86% số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã biết hoặc đã tìm hiểu về CPTPP. Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã chỉ định cơ quan đầu mối thông tin về CPTPP.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu

Về kết quả thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có FTA năm 2019 là 123,11 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2014 Việt Nam mới có 2 đối tác FTA là ASEAN và Trung Quốc với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 7 tỷ USD. Về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân sang các thị trường đối với FTA kể từ khi có Hiệp định FTA, Ấn độ đạt bình quân 35,7%/năm, Hàn Quốc đạt 29,2%/năm, Chile 28,9%/năm và Trung Quốc 20,9%/năm... Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn đặc biệt là khi phải đối đầu với tốc độ thâm nhập thị trường của các doanh nghiệp ngại có tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm khiến cho việc cạnh tranh trên thị trường dịch vụ càng trở nên gay gắt.

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cơ bản đánh giá cao công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ đối với công tác ký kết và triển khai thực hiện các FTA, đặc biệt từ giai đoạn khi Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Phân tích về khó khăn trong việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên, các đại biểu cho rằng, các FTA Việt Nam tham gia cho tới nay về cơ bản là với các nước có cơ cấu kinh tế tương đối giống Việt Nam. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam khá tương đồng và có nhiều nước cạnh tranh như Ấn Độ, ASEAN, Trung Quốc… nên lợi ích thu được từ các FTA chưa mang tính đột phá. Một số mặt hàng nông sản của Việt Nam cũng có sức cạnh tranh chưa cao do sản xuất nghiêng về số lượng, thị trường đối mặt với nhiều rủi ro. Ngoài ra, theo các đại biểu các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung cũng còn gặp nhiều hạn chế trong việc tham gia các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu còn chậm, tỷ lệ tận dụng ưu đãi chưa cao. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng nhưng sự phụ thuộc vào các nguyên liệu nhập khẩu vẫn còn rõ nét...  

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu

Giải trình rõ hơn các ý kiến tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyên đề giám sát, đồng thời nêu rõ, việc Việt Nam tham gia các FTA đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, khẳng định chủ trương hội nhập quốc tế là đúng hướng. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, việc ký phê chuẩn các FTA chỉ là bước ban đầu, việc thực thi và đưa hiệp định vào thực tiễn, phổ biến để các doanh nghiệp hiểu rõ và tận dụng cơ hội từ các FTA thế nào mới là quan trọng. Do đó, ngoài sự chủ động của các doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao hỗ trợ tư vấn thông tin về các FTA đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các FTA thế hệ mới.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, sau 25 năm kể từ khi Việt Nam tham gia FTA đầu tiên, đến nay Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán tổng cộng 16 FTA, trong đó 13 FTA đã được thực thi gồm 2 FTA thế hệ mới đã được Quốc hội phê chuẩn là CPTPP và EVFTA; 3 FTA đang trong quá trình đám phán. Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm hơn 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế - thương mại lớn nhất của ta thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, việc tham gia các FTA đã góp phần đưa Việt Nam trở thành đối tác quan trọng trong mạng lưới các liên kết kinh tế với các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới; tạo thuận lợi cho hàng hóa và dịch vụ, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế. Việc tham gia các FTA cũng tạo động lực để Việt Nam hoàn thiện thể chế, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, tiếp cận các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Toàn cảnh buổi làm việc

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, việc tham gia các FTA không chỉ mang lại cơ hội mà kèm theo nhiều khó khăn, thách thức. Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp thu, hoàn thiện nội dung dự thảo báo cáo của Chính phủ, đánh giá sâu hơn tình hình thực hiện các FTA của các đối tác nước ngoài, trong đó có việc nâng mức áp dụng hàng rào phi thuế quan để hạn chế nhập khẩu, hỗ trợ các mặt hàng trong nước. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các FTA. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, các thành viên Đoàn giám sát tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát, bảo đảm chất lượng và tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Q.Khánh