Sổ tay:

Phối hợp xử lý đối tượng hình sự hoạt động lưu động

- Thứ Bảy, 19/09/2020, 08:03 - Chia sẻ
Thực tiễn công tác của lực lượng cảnh sát nhân dân những năm gần đây cho thấy, tình hình phạm pháp hình sự có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng hình sự thường xuyên sử dụng phương thức lưu động để hoạt động và che giấu tội phạm. Để ngăn chặn cũng như quản lý tốt đối tượng phạm pháp hình sự, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng cảnh sát với các lực lượng chức năng khác.

Số liệu thống kê của Bộ Công an cho thấy, trung bình hằng năm cả nước xảy ra khoảng 80.000 vụ phạm pháp hình sự, nhiều vụ phạm tội có tính chất và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tập trung vào các loại tội phạm nguy hiểm như tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, tội phạm liên quan đến trẻ em, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm do các đối tượng ngáo đá gây ra…

Đáng lo hơn, tình hình tội phạm có tổ chức hoạt động ngày càng kín đáo, tạo vỏ bọc núp bóng dưới danh nghĩa các cơ sở kinh doanh tài chính, doanh nghiệp để hoạt động; đồng thời các đối tượng hình sự thường xuyên sử dụng phương thức lưu động để hoạt động gây khó khăn cho công tác đấu tranh, triệt phá. Trước thực tế này, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ trong đó có lực lượng cảnh sát hình sự trên địa bàn cả nước tập trung, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình đồng thời triển khai lực lượng và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kết hợp với các hoạt động phòng ngừa xã hội nhằm đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. 

Tuy vậy thời gian gần đây, các đối tượng phạm tội đã lợi dụng phương thức lưu động nhằm gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, điều tra của lực lượng công an. Qua thực tiễn cho thấy, tính chất lưu động của các đối tượng phạm tội hầu hết đã vượt qua phạm vi giữa các phường, xã, quận, huyện nơi đối tượng cư trú; thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động; một số đối tượng còn có hành vi móc nối, câu kết với các đối tượng ở địa phương khác để hình thành băng, ổ nhóm; có nhiều vụ việc, đối tượng cầm đầu là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tội phạm hoạt động xuyên quốc gia... Trong khi đó, quá trình tiến hành và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để quản lý đối tượng lưu động còn nhiều hạn chế nên chưa nắm chắc được diễn biến, hoạt động hiện hành của đối tượng, làm hạn chế hiệu quả phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra khám phá tội phạm.

Trước thực tế này, đại diện các địa phương đã đưa ra nhiều đề xuất, từ việc Bộ Công an cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn về nhận diện, phân loại, phân công, phân cấp quản lý đối tượng hoạt động lưu động; khẩn trương triển khai dự án “xây dựng cơ sở dữ liệu, phầm mềm quản lý đối tượng hình sự hoạt động lưu động”; đến sớm ban hành quy chế sử dụng, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu, tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu cho công an các đơn vị, địa phương...

Tuy vậy, một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm pháp hình sự gia tăng trong thời gian qua là do công tác quản lý đối tượng hiện nay đang bị chia cắt, không có sự phối hợp thường xuyên, kịp thời để phát hiện, ngăn chặn các đối tượng hoạt động lưu động. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối tượng hình sự hoạt động lưu động trong thời gian tới, việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa lực lượng cảnh sát hình sự với các lực lượng khác trong quản lý đối tượng này là điều cần được chú trọng.  

                                            

Hải Thanh

Hải Thanh