Quan hệ Brazil - Trung Quốc

Phụ thuộc lẫn nhau

- Thứ Tư, 13/11/2019, 08:02 - Chia sẻ
Hôm nay, 13.11, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro bắt đầu tiếp đón người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình trong bối cảnh ông đang tìm cách tăng cường quan hệ với Bắc Kinh nhưng tránh làm phiền đồng minh chủ chốt Washington.

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ

Như vậy, chỉ vài tuần sau chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Trung Quốc, Tổng thống Bolsonaro đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Thủ đô Brasilia của Brazil ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh BRICS (13 - 14.11). Đây là hội nghị quốc tế quan trọng đầu tiên mà ông Bolsonaro chủ trì kể từ khi bắt đầu nhậm chức hồi tháng 1. Cuộc gặp song phương của hai nhà lãnh đạo, vốn là một trong nhiều cuộc họp được tổ chức bên lề Hội nghị BRICS hàng năm, sẽ tập trung vào tăng trưởng và đổi mới kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, gây chấn động kinh tế toàn cầu.


Điều này rất đáng chú ý, bởi sau khi thắng cử Tổng thống năm ngoái, ông Bolsonaro đã bắt đầu thời kỳ khủng hoảng trong mối quan hệ với Trung Quốc, vốn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Brazil kể từ năm 2009. Khi còn là ứng cử viên, vị cựu tướng quân đội từng đến thăm Đài Loan, đồng thời tuyên bố sẽ lên kế hoạch phá vỡ cách tiếp cận thân thiện với các nước xã hội chủ nghĩa của các chính phủ tiền nhiệm. Ông Bolsonaro thậm chí còn từng cáo buộc Trung Quốc “đang mua Brazil”. Đến lúc ngồi vào chiếc ghế quyền lực, nhà lãnh đạo này đã thực hiện chính sách đối ngoại cấp tiến nhất song song với việc xích lại chính quyền Donald Trump. Được ví như “Trump của xứ sở nhiệt đới”, Tổng thống Brazil là người hâm mộ cuồng nhiệt Tổng thống Mỹ đương nhiệm, cùng chia sẻ quan điểm hoài nghi đối với chủ nghĩa đa phương và hệ tư tưởng cánh tả. Điều đó khiến giới kinh doanh, ngoại giao ở cả Trung Quốc và Brazil lo lắng, vì có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ thương mại và đầu tư.

Gần đây, các ngành chủ chốt của Brazil như thịt bò, nông nghiệp và khai mỏ đã tạo sức ép mạnh lên chính quyền, yêu cầu phải duy trì mối quan hệ tốt với Trung Quốc. Trong khi đó, chính phủ thân doanh nghiệp của ông gắng sức sửa chữa thiệt hại từ những phát ngôn “gây hấn” của Tổng thống. Những quan chức theo chủ nghĩa thực dụng trong Nội các như Phó Tổng thống Hamilton Mourão, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Tereza Cristina và Bộ trưởng Bộ Kinh tế Paulo Guedes đã luôn tìm cách thuyết phục Tổng thống, đồng thời bảo đảm với Trung Quốc rằng những phát ngôn cứng rắn nhắm vào Bắc Kinh cũng như sự ngưỡng mộ của ông Bolsonaro đối với ông Trump sẽ không làm hỏng mối quan hệ Brazil - Trung Quốc. Nhờ vậy, tháng trước, Tổng thống Bolsonaro đã sánh bước trên thảm đỏ bên cạnh Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh trong chuyến thăm cấp nhà nước quan trọng.

Hợp tác song phương ngày càng sâu rộng

Các nhà quan sát phân tích, có 3 lý do mà những người theo chủ nghĩa thực dụng ở Brazil đã thành công. Trước hết, mối quan hệ thương mại và đầu tư có lợi cho cả hai bên. Làm suy yếu nó sẽ gây tổn thương cho nông dân Brazil, những người luôn cho rằng việc ký kết thỏa thuận thương mại Brazil - Mỹ là ảo tưởng. Theo họ, Mỹ khó có thể cho phép các sản phẩm nông nghiệp của Brazil tự do cạnh tranh với sản phẩm do nông dân Mỹ sản xuất. Thứ hai, gợi lên mối đe dọa Trung Quốc không tạo được tiếng vang nơi cử tri Brazil. Và cuối cùng, trái ngược với một số nhà lãnh đạo ở Tây bán cầu và châu Âu, những người dễ dàng chỉ trích Tổng thống Brazil, nhất là sau vụ cháy rừng Amazon, các quan chức Trung Quốc thường có những phát ngôn rất cẩn trọng. Thậm chí, trong thời gian đó, Chính phủ Trung Quốc thực hiện chiến lược ngược lại, công khai ca ngợi hồ sơ môi trường của Brazil để gửi đi thông điệp họ mới là người bạn thực sự.

Thực tế, mặc dù cách nhau bằng cả đại dương và lục địa, Trung Quốc và Brazil đã thúc đẩy hợp tác song phương ngày càng sâu rộng, đặc biệt trong đầu tư, thương mại và tài chính. Theo Tân Hoa xã, cả hai không chỉ bắt chặt tay trong các lĩnh vực nông nghiệp, điện, khai thác mỏ và cơ sở hạ tầng truyền thống, mà còn thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực mới như đổi mới công nghệ và kinh tế kỹ thuật số. Tháng trước, gã khổng lồ viễn thông Brazil Oi đã đưa công nghệ 5G của công ty Huawei vào thử nghiệm trong một lễ hội âm nhạc địa phương - thử nghiệm lớn nhất về công nghệ 5G ở Brazil. Trang web AliExpress khổng lồ của Trung Quốc cũng trở thành một trong những nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới phổ biến nhất ở quốc gia Nam Mỹ này… Ngoài ra, theo ông Oliver Stuenkel, sự tham gia của các nước Mỹ Latin, bao gồm Brazil, vào Sáng kiến Vành đai và Con đường sẽ tạo cơ hội lớn cho các quốc gia nói trên tăng cường hợp tác đầu tư với Trung Quốc.

Về liên kết thương mại, mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với áp lực đi xuống, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Brazil vẫn liên tục đi lên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Brazil trong thập kỷ qua. Năm 2018, thương mại song phương đạt kỷ lục 100 tỷ USD.

Tài chính là một một lĩnh vực hợp tác song phương quan trọng khác. Hồi tháng 9, Chính phủ Brazil đã nới lỏng các hạn chế đối với việc thành lập các tổ chức tài chính. Ngân hàng XCMG, liên kết với Tập đoàn Máy móc xây dựng Từ Châu của Trung Quốc, đã trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên được Ngân hàng Trung ương Brazil chấp thuận thành lập sau khi ban hành quy định mới và tỷ lệ sở hữu nước ngoài của ngân hàng này cao tới 100%.

Khi thương mại xuyên biên giới phát triển, các công ty công nghệ tài chính từ cả hai nước đã tiến hành hợp tác sâu rộng, như giữa công ty thanh toán tài chính Brazil Ebanx và AliExpress nhằm cung cấp cho người tiêu dùng các giải pháp thanh toán tiên tiến nhất.

Theo GS. Oliver Stuenkel, chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại Tổ chức Getulio Vargas, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Brazil và Trung Quốc sẽ bảo đảm chủ nghĩa thực dụng chiếm ưu thế trong mối quan hệ. Ông thậm chí nhận định, tương lai của Brazil phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc hơn là Mỹ. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng nhận thức được sự ràng buộc với quốc gia Nam Mỹ. Thực tế, Brazil là nguồn nhập khẩu đậu nành lớn nhất của đất nước Gấu trúc.

Ngọc Minh