Sổ tay:

Quản chặt chất thải nguy hại

- Thứ Bảy, 22/08/2020, 06:03 - Chia sẻ
Trước những bất cập cũng như đòi hòi phải thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan về vấn đề quản lý, xử lý chất thải nguy hại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại. Với những điểm mới mà Dự thảo Thông tư đưa ra, kỳ vọng sẽ sớm khắc phục những vướng mắc mới phát sinh cũng như bảo đảm quản lý chặt chẽ chất thải nguy hại.

Tổng hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ các địa phương cho thấy, lượng chất thải nguy hại phát sinh ngày càng gia tăng theo từng năm, trung bình mỗi năm lượng chất thải nguy hại phát sinh trong khoảng 874.589 tấn. Chỉ tính riêng lĩnh vực y tế, tổng lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh trong năm 2019 khoảng 21.374 tấn (tăng 591 tấn so với năm 2017), trong đó, chất thải lây nhiễm là 19.370 tấn và chất thải không lây nhiễm là 2.004 tấn...

Với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, sự gia tăng sản xuất công nghiệp sẽ kéo theo sự gia tăng lượng phát thải chất thải nguy hại là điều tất yếu. Song, điều đáng nói ở đây là việc quản lý cũng như chế tài xử lý vi phạm đối với vấn đề xả thải, đổ trộm chất thải nguy hại đã được quy định, song các vụ đổ trộm chất thải vẫn thường xuyên xảy ra, gây áp lực đối với sự an toàn của môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến người dân. Vụ đổ trộm dầu thải ở khu vực đầu nguồn nước sông Đà, gây ảnh hưởng lớn tới nguồn nước sinh hoạt và đời sống của nhiều hộ dân thủ đô là một ví dụ điển hình... Từ những vụ việc này, dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng việc quản lý chất thải nguy hại còn nhiều lỗ hổng?

Bàn về vấn đề này, đại diện Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực tế trong quá trình triển khai thực hiện, một số quy định tại Thông tư 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại đã phát sinh một số bất cập; không còn phù hợp so với các quy định đã được sửa đổi, bổ sung so với quy định hiện hành. Đơn cử, việc liên kết xử lý chất thải nguy hại thực chất là hoạt động phụ trợ nhằm hỗ trợ chủ xử lý chất thải nguy hại trong quá trình thu gom vận chuyển chất thải nguy hại đối với các chủ nguồn thải có phát sinh chất thải nguy hại mà không có trong Giấy phép đã được cấp. Thế nhưng, một số đơn vị đã lợi dụng việc này để mở rộng phạm vi năng lực của Giấy phép và coi đây là hoạt động chính thay vì hoạt động xử lý chất thải nguy hại theo Giấy phép đã được cấp.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 23.5.2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về một số nội dung liên quan đến quản lý chất thải nguy hại về điều kiện để được cấp phép xử lý chất thải nguy hại, thời hạn Giấy phép xử lý chất thải nguy hại và việc tích hợp, lồng ghép, thay thế các nội dung liên quan đến xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, cấp phép xả khí thải công nghiệp, xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu đối với cơ sở xử lý chất thải nguy hại có sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất trong Giấy phép xử lý chất thải nguy hại...

Để hướng dẫn cụ thể các quy định mới nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại, quy định. Theo đó, một trong những điểm mới được quy định tại Dự thảo là sẽ làm rõ về vai trò chính, phụ đối với hoạt động liên kết chuyển giao trách nhiệm xử lý chất thải nguy hại, hướng dẫn tính toán về năng lực tự vận chuyển của cơ sở xử lý chất thải nguy hại nhằm bảo đảm các chủ xử lý chất thải nguy hại tập trung hoạt động chính là thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại về cơ sở của mình để xử lý; bổ sung quy định về tính toán năng lực tự vận chuyển chất thải nguy hại bảo đảm đáp ứng và phù hợp với địa bàn đăng ký thu gom...

Tuy vậy, góp ý vào Dự thảo, các chuyên gia về môi trường nhấn mạnh: Để những quy định này đi vào thực tiễn, cần đưa ra những quy định rõ ràng, giải quyết trực tiếp những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, bảo đảm quản lý chặt chẽ chất thải nguy hại, góp phần bảo đảm an toàn môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững.

Hải Thanh