Quản lý, sử dụng thuốc kháng sinh hiệu quả

- Chủ Nhật, 03/11/2019, 08:27 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kháng sinh mới được sản xuất ra ngày càng giảm và tỷ lệ đề kháng kháng sinh của vi khuẩn càng tăng cao như hiện nay thì việc kiểm soát bệnh truyền nhiễm, nhiễm trùng trở thành thách thức lớn. Nếu không có sự quản lý, sử dụng thuốc kháng sinh tốt, tương lai con người sẽ đối diện với nguy cơ bệnh tật rất lớn.

Tỷ lệ đề kháng kháng sinh ngày càng cao

Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, trong bối cảnh điều kiện kinh tế - xã hội, khí hậu, môi trường có nhiều biến động như hiện nay trên phạm vi từng quốc gia, trong khu vực và trên toàn cầu, các bệnh truyền nhiễm “cổ điển” cũng như các bệnh mới trỗi dậy luôn là mối đe dọa quan trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Một nghiên cứu của nhóm bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh cho thấy, từ năm 2016 đến năm 2018, có 5 loại vi khuẩn thường gặp nhất và có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất là A.baumannii, E.coli, S.aureus, K.pneumoniae, P.aeruginosa. Trong đó, vi khuẩn A.baumannii kháng hầu hết các loại kháng sinh, kháng luôn cả kháng sinh họ Carbapenem (họ kháng sinh có phổ tác dụng lớn nhất và được ưu tiên sử dụng điều trị các nhiễm khuẩn nặng).

Theo ông Châu, tỷ lệ kháng kháng sinh ngày càng cao như hiện nay thực sự là thách thức lớn trong công tác điều trị bệnh truyền nhiễm, bởi có nhiều loại vi khuẩn đã đề kháng trên 90% kháng sinh, chỉ còn nhạy cảm với loại thế hệ mới Colistin. Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy Lê Quốc Hùng cũng cho hay, thực trạng kháng kháng sinh đang là vấn đề bức bách của toàn cầu. Việc này kéo theo hàng loạt nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm, nhiễm khuẩn trong bệnh viện, chi phí điều trị và tỷ lệ tử vong của người bệnh.

Theo thống kê, có tới hơn 50% kháng sinh sử dụng trong các bệnh viện hiện nay không hợp lý. Theo đó, có nhiều trường hợp sử dụng kháng sinh không cần thiết trên bệnh nhân không bị nhiễm khuẩn, chỉ nghi là dùng hoặc dùng theo kiểu dự phòng. Tiếp đến là sử dụng kháng sinh không thích hợp khi bác sỹ chọn sai yếu tố, sai liều và sai thời điểm.

 “Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao, thậm chí trầm trọng hơn nhiều nước. Không ở đâu mua kháng sinh dễ như ở Việt Nam. Người dân sử dụng thuốc không có chỉ định của bác sĩ, nhiều người tăng giảm liều vô tội vạ, không để ý đến hạn sử dụng... nhất là trong bối cảnh xuất hiện nhiều loại vi khuẩn kháng đa kháng sinh, vi khuẩn kháng thuốc lan rộng từ nước này sang nước khác đe dọa sức khỏe con người” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho hay.


Người dân cần nâng cao nhận thức về việc sử dụng thuốc hiệu quả Nguồn: ITN

Nâng cao nhận thức về việc sử dụng thuốc

Tại Hội thảo khoa học Thách thức mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm diễn ra mới đây, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh, trong bối cảnh kháng sinh mới được sản xuất ra ngày càng giảm và tỷ lệ đề kháng kháng sinh của vi khuẩn càng tăng, nếu không có sự quản lý, sử dụng kháng sinh tốt thì tương lai con người đối diện với nguy cơ bệnh tật rất lớn.

Trước thực trạng này, thời gian qua, tại một số bệnh viện tuyến cuối tại TP Hồ Chí Minh như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhân dân Gia Định... đã xây dựng chương trình quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện nhằm giúp các bác sĩ lâm sàng lựa chọn kháng sinh điều trị có hiệu quả hơn.

Đơn cử, từ năm 2009, Bệnh viện Chợ Rẫy xây dựng được mạng lưới quản lý kháng sinh. Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy Lê Quốc Hùng cho hay, đến năm 2015, bệnh viện đã có các dữ liệu về vi sinh, bằng chứng hóa học trong việc sử dụng kháng sinh không hợp lý nhằm kịp thời điều chỉnh, phòng chống. Thông qua việc quản lý, hướng dẫn kháng sinh nghiêm ngặt theo từng loại bệnh, bệnh viện đã tăng mức tỷ lệ điều trị thành công cho bệnh nhân tăng mức 90%. Đặc biệt, từ năm 2014 - 2018, các bác sĩ đã tiến hành giảm tỷ trọng sử dụng kháng sinh trong bệnh viện từ 30% xuống còn 15%, giúp tiết kiệm chi phí cho bệnh viện.

Theo các chuyên gia, dù các bệnh viện đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ kháng kháng sinh, song trên thực tế, tỷ lệ đề kháng kháng sinh của vi khuẩn vẫn có khuynh hướng tiếp tục gia tăng… Trong khi đó, việc nghiên cứu kháng sinh mới còn chậm đã trở thành thách thức không nhỏ trong công tác điều trị các bệnh truyền nhiễm.

Để khắc phục tình trạng kháng kháng sinh, nhiều ý kiến cho rằng, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức về việc sử dụng thuốc hiệu quả cho chính bản thân và cộng đồng đồng thời khi mua thuốc kháng sinh phải theo đơn và có chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, cần nêu cao trách nhiệm của bác sĩ, dược sỹ trong việc việc kê đơn, bán thuốc.

Hiểu Lam